Phòng, chống tham nhũng ở Quảng Ninh: Khó khăn, vướng mắc chỗ nào?

Thứ sáu, 29/07/2022 16:40
(ThanhtraVietNam) - Công tác phòng, chống tham nhũng ở Quảng Ninh đã có nhiều chuyển biến, tuy nhiên, vẫn còn khó khăn, vướng mắc trong tuyên truyền, phổ biến và thực hiện các quy định pháp luật liên quan; trong thanh tra, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng khu vực tư và đặc biệt là phát hiện vụ việc tham nhũng vẫn còn là khâu yếu…

Phòng ngừa bằng hệ thống tổ chức, quy chế hoạt động, phối hợp hành động

Tháng 6/2022, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực của tỉnh. Ban Chỉ đạo sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi thể chế; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, đầu tư công, than, khoáng sản, công tác cán bộ…

Báo cáo tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của UBND tỉnh Quảng Ninh gửi Thanh tra Chính phủ vào tháng 6/2022, cho thấy, năm 2021, công tác này đã đạt kết quả đáng ghi nhận, có nhiều chuyển biến rõ nét, đặc biệt đã chuyển đổi căn bản nhận thức và trách nhiệm; đã đẩy mạnh phòng ngừa một cách đồng bộ, toàn diện, gắn kết với từng nhiệm vụ chính trị cụ thể, phòng ngừa bằng hệ thống tổ chức, bằng các quy chế hoạt động, bằng phối hợp hành động và chủ động kiểm tra, giám sát ngay trong quá trình thực hiện.

Thanh tra tỉnh và thanh tra các sở, ngành, địa phương đã thực hiện 32 cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với 66 đơn vị. Qua đó, chỉ ra một số tồn tại trong thực hiện công khai minh bạch; xử lý một số công chức, viên chức vi phạm về thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn và quy tắc ứng xử; kiến nghị kiểm điểm 13 tổ chức, 9 cá nhân.

Riêng Thanh tra tỉnh tiến hành thanh tra toàn diện việc chấp hành pháp luật trong thực hiện Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu đô thị du lịch mới phía Tây đường ra cảng Vũng Đục tại phường Cẩm Đông, thành phố Cẩm Phả do Doanh nghiệp tư nhân sản xuất dịch vụ Hưng Đạo làm chủ đầu tư và thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất; việc thực hiện nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đối với ngân sách nhà nước của Công ty TNHH MTV Cảng Hòn Gai – Vinashin đã phát hiện dấu hiệu sai phạm trong quản lý nhà nước của các đối tượng thanh tra; đã yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân và chuyển cơ quan điều tra tiếp tục giải quyết.

Từ 27 tin phản ánh, đơn tố cáo được tiếp nhận, giải quyết, đã phát hiện 5 vụ có dấu hiệu tham nhũng; đã khởi tố 5 vụ án hình sự với tội danh lạm dụng chức vụ, quyền hạn nhằm chiếm đoạt tài sản, nhận hối lộ và xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức, buộc thôi việc, cảnh cáo, khiển trách nhiều đối tượng bị tố cáo, phản ánh.

Tại thời điểm 14/6/2022, cơ quan điều tra đang thụ lý 17 vụ/59 bị can; đã giải quyết, đề nghị truy tố 10 vụ/43 bị can với tội danh tham ô, nhận hối lộ và lạm dụng chức vụ, quyền hạn. Tổng số tài sản thiệt hại được phát hiện và kiến nghị thu hồi hơn 160 tỷ đồng.

Qua hoạt động tự kiểm tra nội bộ phát hiện và chuyển cơ quan điều tra vụ Nguyễn Hưng Hải cùng đồng phạm đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Chi cục Tiêu chuẩn đo lường thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.

Về thu hồi tài sản tham nhũng, bằng biện pháp hành chính đã thu hồi hơn 1.367 triệu đồng, đạt 100%; bằng biện pháp tư pháp thu hồi hơn 158.677 triệu đồng, đạt 99%.

leftcenterrightdel
Một đoạn đường bao ven biển qua TP Hạ Long. Ảnh: Cổng TTĐT Quảng Ninh 

Khó khăn trong thanh tra, kiểm tra công tác PCTN khu vực tư

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, việc thực hiện công tác PCTN ở địa phương này vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, việc tổ chức tuyên truyền, quán triệt pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở một số nơi cấp cơ sở chưa thường xuyên, liên tục đến mọi tầng lớp nhân dân; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa phong phú, thời lượng tuyên truyền còn ít.

Việc thực hiện Luật PCTN gắn với công tác phòng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm còn chưa đồng bộ; công tác tự kiểm tra phát hiện tham nhũng kết quả còn hạn chế. Khâu phát hiện các vụ việc tham nhũng vẫn là khâu yếu; phần lớn vụ việc được phát hiện từ các cơ quan chức năng điều tra và phát hiện của nhân dân, ít vụ việc do cơ quan, đơn vị hoặc người đứng đầu cơ quan, đơn vị phát hiện.

Nghị định 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản được ban hành đã cụ thể hóa Luật PCTN năm 2018, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và công tác quản lý đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số nội dung bất cập, gây khó khăn trong triển khai thực hiện.

Việc cụ thể hóa các quy định của pháp luật về PCTN vào thực tế địa phương, nhất là tại các xã, phường và doanh nghiệp còn lúng túng, dẫn tới công tác PCTN tại các đơn vị này đạt hiệu quả chưa cao.

Đáng chú ý, việc triển khai công tác PCTN; thanh tra, kiểm tra công tác PCTN còn gặp khó khăn đối với các doanh nghiệp, tổ chức ở khu vực ngoài nhà nước do các đối tượng này chưa nhận thức đầy đủ vai trò, chức năng, trách nhiệm của mình trong công tác PCTN.

Các hành vi tham nhũng, gian lận trong kê khai tăng chi phí tiêu hao vật tư, gian lận trong thu mua nguyên liệu đầu vào, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp mình vì vụ lợi… đều rất tinh vi nên việc kiểm tra xác minh các sai phạm trên trong công tác thanh tra việc thực hiện Luật PCTN đối với các doanh nghiệp tổ chức ngoài quốc doanh là rất khó thực hiện…

Thái Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra