I. Nguồn gốc, tác hại của tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
Tham nhũng là khái niệm được dùng để chỉ một nhóm các hành vi nguy hiếm cho xã hội của những người làm việc cho Nhà nước thông qua quá trình thực hiện các chức năng của Nhà nước nhằm mục đích vụ lợi. Tham nhũng có những dấu hiệu cơ bản sau: tính nguy hiểm cho xã hội, tính sử dụng quyền lực nhà nước, tính vụ lợi. Lãng phí là hành vi của con người làm hao tổn sức lực, của cải hoặc thời gian trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và các nguồn tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và các nguồn tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định.
VI. Lênin đã chỉ rõ: Tham nhũng, tiêu cực bắt nguồn từ tư tưởng thích chức quyền, ham giàu sang phú quý, “ăn trên ngồi trốc” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đó là việc lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân, sống ích kỷ, “ăn bám” trên sức lao động của người khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra: “tham ô và lãng phí đều do bệnh quan liêu mà ra”; “những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”.
Tham nhũng là hành vi của những chủ thể đặc biệt, thì lãng phí là hành vi của bất cứ người nào trong xã hội. Tuy nhiên, tham nhũng và lãng phí đều có tác hại rất lớn, gây tổn thất về nguồn lực và nhất là gây mất niềm tin của nhân dân với lực lượng lãnh đạo xã hội, làm tổn hao nguồn vốn trong nhân dân và phá hủy môi trường sống.
II. Những giải pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
1. Những giải pháp cơ bản của Đảng ta đề ra:
Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta đã sớm nhận thức được nguy cơ, tác hại của tham nhũng, tiêu cực đối với Đảng, chế độ và sự nghiệp xây dựng đất nước. Văn kiện Đại hội X, XI, XII và XIII của Đảng đều khẳng định tác hại vô cùng to lớn của tham nhũng, làm suy giảm nghiêm trọng nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra rào cản rất lớn đối với quá trình đổi mới, phát triển đất nước “làm giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành của các cơ quan nhà nước”; “đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước”; “là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước”; “làm tổn hại thanh danh của Đảng”; làm cho “bộ máy của Đảng và Nhà nước suy yếu, lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chế độ bị xói mòn”, thậm chí còn “tiếp tay cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá ta, uy hiếp sự tồn vong của chế độ ta” và đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”.
Để thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nhằm mục tiêu ngăn chặn từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền của dân do dân vì dân; đội ngũ cán bộ, công chức kỹ cương liêm chính, Đảng ta đã đề ra những giải pháp cơ bản sau:
- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của NN để đảm bảo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu lực, hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản; thu chi ngân sách, mua sắm công, tài chính, ngân hàng, thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; công tác cán bộ; quản lý doanh nghiệp NN; giáo dục, đào tạo và y tế.
- Tiếp tục đẩy mạng công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động. Nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của tổ chức đảng và đảng viên, tăng cường vai trò của chi bộ trong quản lý, giáo dục đảng viên. Tiếp tục hoàn thiện công tác cán bộ phục vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết xử lý và kịp thời thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình trực tiếp quản lý, các cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm về kê khai và minh bạch tài sản, thu nhập; kiên quyết thu hồi tiền, tài sản bị tham nhũng...
- Đẩy mạnh cải cách chính sách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, đảng viên, công chức để góp phần phòng chống tham nhũng. Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Kiên quyết, kiên trì xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng.
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế xã hội. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn quan hệ ''lợi ích nhóm''; chống đặc quyền, đặc lợi, khắc phục ''tư duy nhiệm kỳ''; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp.
- Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế khuyến khích và bảo vệ tổ chức, cá nhân phát hiện, tố cáo tham nhũng, lãng phí. Hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng.
2. Một số giải pháp để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong cán bộ, đảng viên được hiệu quả
- Hàng năm xây dựng chương trình, kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí triển khai đến toàn thể CBCNV. Định kỳ hàng quí, 6 tháng, năm có sơ tổng kết. Qua công tác triển khai cán bộ, đảng viên, nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
- Hàng tháng, thông qua các cuộc họp giao ban, họp chi bộ công khai minh bạch kết quả hoạt động của đơn vị để cho toàn thể cán bộ, đảng viên được nắm tình hình hoạt động, thực hiện quản lý tài chính đúng nguyên tắc. Định kỳ, thực hiện kê khai tài sản đối với cán bộ quản lý và các đối tượng phải kê khai tài sản theo quy định để nộp về cấp trên.
- Luôn tạo điều kiện cán bộ, người lao động tham gia giám sát công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí của đơn vị... thông qua các cuộc họp, cán bộ nêu lên ý kiến của mình về công tác xây dựng góp ý cán bộ, đảng viên góp phần xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch vững mạnh. Dân chủ cơ sở luôn được chú ý phát huy ở cơ quan, cộng đồng dân cư.
- Vai trò lãnh đạo của người đứng đầu đơn vị luôn thực hiện tính gương mẫu trong công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí, tiết kiệm trong công tác chi tiêu. Các khoản đóng góp, việc sử dụng các quỹ điều được công khai minh bạch. Công khai minh bạch trong việc sử dụng kinh phí mua sắm tài sản tại đơn vị. Thực hiện triệt để chủ trương cắt giảm chi phí hàng năm của cơ quan cấp trên, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả chi phí trong hoạt động kinh doanh.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhắc nhở quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí. Hàng năm, triển khai chương trình kiểm tra, giám sát đảng viên, đưa nội dung phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí vào các kỳ kiểm tra, giám sát.