Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết

Thứ ba, 26/11/2024 12:00
(ThanhtraVietNam) - Trình bày trước Quốc hội, sáng ngày 26/11, ông Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.

 Tham nhũng vẫn là vấn nạn đầy thách thức

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, trong thời gian tới, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tham nhũng vẫn là vấn nạn chung của thế giới và khu vực. Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC).

Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng; có sự cấu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất trong bộ máy nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc của một bộ phận cán bộ, công chức cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, năm 2025 cũng là năm cuối thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đồng thời là năm triển khai Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội phải phấn đấu hoàn thành. Trong đó công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác cán bộ là rất quan trọng, đòi hỏi công tác PCTNTC phải được đẩy nhanh, toàn diện, kịp thời không để “lọt” vào cấp ủy những trường hợp tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật.

Vì vậy, cần phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, đẩy mạnh hơn nữa công tác PCTNTC, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng, chuẩn bị Đại hội Đảng lần thứ XIV.

leftcenterrightdel
 Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trước Quốc hội. (Ảnh: Nam Anh)

10 giải pháp và 2 kiến nghị

Xác định rõ PCTNTC là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. PCTNTC phải đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Đảng lên trên hết, phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự xã hội.

Do đó, Chính phủ yêu cầu thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về PCTNTC. Nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, quan điểm, định hướng lớn về PCTNTC phục vụ xây dựng các dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng, gắn công tác PCTNTC với công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia PCTNTC đến năm 2030.

Thứ hai, nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương nhất là trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCTNTC. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý tình trạng làm việc cầm chừng, bảo vệ những người đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung với động cơ trong sáng.

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về PCTNTC, trọng tâm là hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, PCTNTC; về bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; về xử lý vật chứng, tài sản bị tạm giữ, kê biên, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc; về thanh toán không dùng tiền mặt...

Khẩn trương khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị của Đảng đoàn Quốc hội và các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh đôn đốc việc thực hiện kết luận, chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra; kịp thời chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua thanh tra sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác định hướng, thông tin, tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên, báo chí và Nhân dân trong đấu tranh PCTNTC.

Thứ bảy, giải quyết kịp thời các tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp. Kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo yêu cầu tại Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Thứ tám, đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Thứ chín, tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở, khắc phục tệ “tham nhũng vặt” và tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Tăng cường kiểm soát việc thực thi quyền lực, xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTNTC.

Thứ mười, thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập; triển khai xây dựng và thực hiện có hiệu quả Đề án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; triển khai và hoàn thành đánh giá công tác PCTN của các địa phương theo Bộ Chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh.

Tăng cường hợp tác quốc tế về PCTN nhất là các hoạt động tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm, thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài; mở rộng các hoạt động hợp tác song phương và đa phương để tiếp thu, học tập những kinh nghiệm về công tác PCTN.

Đồng thời, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTNTC, Chính phủ kiến nghị:

Một là: Đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, vướng mắc dễ tạo điều kiện cho tham nhũng tiêu cực trong các văn bản quy phạm pháp luật góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Hai là: Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí, truyền thông và Nhân dân tăng cường phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp thực hiện tốt hoạt động giám sát, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTNTC; cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng tiêu cực theo quy định pháp luật.

M. Phương

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra