Quy định vị trí chuyển đổi vị trí công tác sai đối tượng
Qua thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Sở Ngoại vụ, giai đoạn 2020 - 2022, Thanh tra tỉnh Lạng Sơn ghi nhận, trong thời kỳ thanh tra, Giám đốc Sở Ngoại vụ có chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác này như: Đã xây dựng và ban hành các kế hoạch về công tác PCTN năm 2021, 2022, kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác; phê duyệt danh sách người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; xây dựng các Quy chế chi tiêu nội bộ; thành lập đoàn kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với Phòng Lãnh sự - Hợp tác quốc tế, Trung tâm Thông tin và Dịch vụ đối ngoại và Văn phòng...
Tuy nhiên, kết quả kiểm tra, xác minh lại chỉ ra không ít tồn tại, thiếu sót, sai phạm trong thực hiện quy định đối tượng phải chuyển đổi vị trí công tác; kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; quy trình, thủ tục về quy hoạch, điều động, bổ nhiệm lãnh đạo quản lý thuộc phạm vi quản lý; thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ.
Đó là, chưa được cụ thể hóa các giải pháp phòng ngừa tham nhũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Sở; không xây dựng Kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2020 theo yêu cầu; việc kê khai tài sản, thu nhập còn có thiếu sót (không ghi đầy đủ thông tin về quyền sử dụng thực tế đối với đất, nhà ở, công trình xây dựng; các bản kê khai tài sản hằng năm kê khai thiếu mục 10, tổng thu nhập giữa hai lần kê khai, kê khai biến động tăng, giảm tài sản chưa đúng mẫu...); kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác năm 2022 quy định vị trí chuyển đổi không đúng đối tượng theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật PCTN; năm 2020, 2021, khi rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý cấp phòng không thực hiện bước 1, bước 2 theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy; trình tự thực hiện bổ nhiệm năm 2020, 2022 còn có nội dung chưa đảm bảo quy định…
Đối với việc xây dựng và thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, kết luận thanh tra đã chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót như: các Quy chế chi tiêu nội bộ không quy định việc xử lý vi phạm và giải quyết các trường hợp đặc biệt khi sử dụng vượt mức khoán theo quy định; quy định khoán tiền công tác phí theo tháng cho thủ quỹ là không đúng đối tượng; không quy định cụ thể về thủ tục xác nhận làm thêm giờ làm căn cứ thanh toán.
|
|
Sở Ngoại vụ đã ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ mới. Ảnh: NT |
Yêu cầu quán triệt, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa
Đáng chú ý, kết quả thanh tra tại Trung tâm Thông tin và Dịch vụ đối ngoại và Văn phòng Sở cho thấy, còn có một số nội dung cần được xử lý.
Cụ thể, Văn phòng Sở đã chi tiền cước điện thoại tại các phòng chuyên môn vượt định mức 3.070.000 đồng; chi khoán công tác phí cho thủ quỹ không đúng đối tượng 12.000.000 đồng; 2 hóa đơn thanh toán ghi “chi mua hoa” 19.200.000 đồng không thể hiện có đề xuất mua hoa, đối tượng được tặng; chi mua bàn ghế tiếp khách, mua điều hòa, sửa chữa điều hòa không đảm bảo trình tự, thủ tục 41.956.000 đồng; chi sai nguồn (mua túi đựng quà, phong bì từ nguồn kinh phí tuyên truyền 03 văn kiện pháp lý) với số tiền 20.160.000 đồng.
Theo phạm vi thanh tra, Đoàn thanh tra không thanh tra việc chấp hành pháp luật về đầu tư, về xây dựng đối với Công trình “Sửa chữa trụ sở làm việc Sở Ngoại vụ” mà chỉ thanh tra việc thực hiện định mức, đơn giá trong lập dự toán, thanh toán, quyết toán dự án hoàn thành. Qua thanh tra cho thấy, một số công việc xây dựng đã được lập dự toán, thanh toán, quyết toán không đảm bảo về khối lượng, định mức, đơn giá, với tổng số tiền là 43.577.000 đồng, cần xử lý thu hồi. Trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý dự án và các chủ thể tham gia dự án (nhà thầu tư vấn thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; nhà thầu thi công xây dựng). Mặc dù nhà thầu thi công xây dựng đã khắc phục nộp số tiền sai phạm trên vào ngân sách nhà nước nhưng cần được nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.
Giám đốc Sở có giao Trung tâm Thông tin và Dịch vụ đối ngoại thực hiện in, phát hành bản tin đối ngoại và in các tài liệu, ấn phẩm phục vụ việc quảng bá tiềm năng thế mạnh, sản phẩm đặc trưng của địa phương phục vụ cho các hoạt động đối ngoại của tỉnh như đoàn ra, đoàn vào, các tổ chức đến công tác làm việc tại tỉnh, hội nghị xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh...
Tuy nhiên, sau khi in, phát hành các ấn phẩm, Sở và Trung tâm không có hướng dẫn về mục đích sử dụng của ấn phẩm khi bàn giao ấn phẩm về các huyện nên sau khi được cấp phát, UBND huyện Đình Lập, Hữu Lũng đã bàn giao cho các xã, thị trấn, phòng, ban chuyên môn, các cơ quan đảng, chính quyền, tổ chức chính xã hội... trên địa bàn, chưa kịp thời phát huy hiệu quả của ấn phẩm.
Ngoài ra, qua kiểm tra Sổ kho quản lý việc cấp phát tài liệu, ấn phẩm do Trung tâm lập cho thấy, việc tổ chức in, phát hành các tài liệu, ấn phẩm không sát với tình hình thực tế, dẫn đến đến thời điểm thanh tra, nhiều ấn phẩm chưa được sử dụng, để tồn kho.
Theo Thanh tra tỉnh Lạng Sơn, những thiếu sót, vi phạm trên xuất phát từ việc chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra của Giám đốc Sở Ngoại vụ đối với việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ phận, đơn vị trực thuộc có lúc chưa kịp thời, cụ thể; hiệu quả công tác phổ biến, quán triệt, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN và năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của một số công chức, viên chức còn có hạn chế.
Từ kết quả thanh tra nêu trên, Chánh Thanh tra tỉnh Lạng Sơn đã yêu cầu Giám đốc Sở Ngoại vụ nghiêm túc chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và khắc phục ngay những hạn chế, thiếu sót đã được chỉ ra qua thanh tra.
Đồng thời, tăng cường công tác phổ biến, quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về PCTN, nhất là các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; chú trọng công tác kiểm tra nội bộ để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh khắc phục các hạn chế, thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, không để hình thành vi phạm pháp luật. Kịp thời chỉ đạo có phương án sử dụng các ấn phẩm, tài liệu đã được in ấn, phát hành nhằm phát huy hiệu quả, mục đích sử dụng. Tổ chức thu hồi, nộp số tiền 58.647.000 đồng vào Tài khoản tạm giữ chờ xử lý của Thanh tra tỉnh.