Tổ Kiểm tra, giám sát gồm 6 thành viên, do bà Lê Thị Kim Dung, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Thanh tra tỉnh Tiền Giang làm Tổ trưởng. Theo quyết định, Tổ Kiểm tra, giám sát có trách nhiệm thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động của cán bộ, công chức tại cơ quan, cụ thể: Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, nội quy, quy chế làm việc của cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu các phòng thuộc Thanh tra tỉnh.
Bên cạnh đó, kiểm tra, việc triển khai, thực hiện các nội dung về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan; chú trọng công khai, minh bạch trong các hoạt động về thu, chi tài chính, mua sắm công, công tác tổ chức cán bộ, chế độ, tiêu chuẩn, định mức… Việc chấp hành các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thanh tra theo quy định tại Điều 8 Luật Thanh tra năm 2022.
|
|
Thanh tra tỉnh Tiền Giang (Ảnh: TTT.TG) |
Song song với đó, giám sát các hành vi có dấu hiệu xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, kiểm tra việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa; chú trọng việc phát hiện, xử lý các hành vi gây phiền hà, nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị khi quan hệ công tác.
Những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán theo quy định tại Điều 4 Quy định số 131-QĐ/TW.
Chánh Thanh tra tỉnh giao Tổ kiểm tra, giám sát phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, Ban Thanh tra nhân dân xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kiểm tra, giám sát nghiêm túc các nội dung được giao. Đồng thời, thực hiện báo cáo kết quả với Chánh Thanh tra tỉnh để xem xét, xử lý các hành vi vi phạm (nếu có) và chấn chỉnh kịp thời việc chấp hành nội quy, quy chế, các quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại cơ quan.