Tình hình tham nhũng tại Đắk Nông còn diễn biến phức tạp
Từ tháng 10/2022 đến hết tháng 7/2023, ngành Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã triển khai 110 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 884 đơn vị, tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra phát hiện 597 đơn vị, tổ chức, cá nhân có sai phạm về kinh tế với tổng số tiền là 38.769,87 triệu đồng (các dạng sai phạm chủ yếu tập trung trong lĩnh vực: Quản lý, sử dụng ngân sách, các khoản đóng góp của phụ huynh học sinh; mua sắm trang thiết bị giáo dục; đầu tư xây dựng; hoạt động quản lý, cho vay vốn từ quỹ đầu tư phát triển; quản lý, sử dụng đất đai...), sai phạm về đất đai với diện tích 103.342,8 m2; kiến nghị thu hồi số tiền là 3.406,97 triệu đồng; kiến nghị thu hồi đất cho thuê tại 03 dự án với diện tích 59.974m2; kiến nghị xử lý khác số tiền là 35.362,90 triệu đồng; ban hành 173 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân với số tiền là 2.403,14 triệu đồng. Kiến nghị xử lý hành chính 70 tổ chức và 216 cá nhân; chuyển thông tin, vụ việc đến Cơ quan Cảnh sát điều tra 09 vụ việc với 12 đối tượng.
Đáng chú ý, cơ quan thanh tra đã kiến nghị khởi tố 02 vụ việc có dấu hiệu sai phạm về kinh tế, tham nhũng trong quá trình thanh tra, không chờ đến khi kết thúc thanh tra theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC). Đó là các vụ việc: (1) Việc xét, cấp giấy (chứng nhận quyền sử dụng đất) CNQSDĐ cho một số cá nhân trên diện tích đất Nhà nước giao cho tổ chức quản lý; (2) 01 cá nhân có dấu hiệu vụ lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc kê khai đăng ký đề nghị cấp giấy CNQSDĐ đã cấp cho tổ chức. Trong các vụ việc chuyển điều tra, có 01 vụ việc/01 cá nhân có dấu hiệu vụ lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn; 01 vụ việc/02 cá nhân có dấu hiệu tiêu cực.
Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố mới 09 vụ/15 bị can liên quan đến tội phạm tham nhũng. Số vụ án tham nhũng được Viện Kiểm sát nhân dân các cấp truy tố chuyển Tòa là 05 vụ/16 bị can; qua thụ lý, giải quyết, Tòa án nhân dân tỉnh đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung 02 vụ/08 bị can. Tòa án nhân dân các cấp đã tiến hành xét xử 01 vụ/01 bị cáo; đang xem xét, thụ lý giải quyết 01 vụ/06 bị cáo liên quan đến tội tham nhũng.
Qua hoạt động thanh tra hành chính, kiến nghị thu hồi 40.000.000 đồng. Tổng số tiền tài sản tham nhũng phát hiện được trong giai đoạn điều tra, khởi tố là 1.132.690.000 đồng, đã thu hồi 1.125.080.000 đồng bằng biện pháp hành chính các đối tượng có hành vi phạm tội liên quan đến tham nhũng.
Hiện nay, Đắk Nông đang xem xét, xử lý trách nhiệm 01 người đứng đầu để xảy ra hành vi tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách, đó là trường hợp cá nhân là Nguyên giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Đắk Song.
Có thể nói, tình hình tham nhũng tại Đắk Nông còn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, trong hầu hết các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực tài chính, quản lý, sử dụng đất đai... Số vụ án tham nhũng được các cơ quan chức năng khởi tố tăng, số đối tượng tham nhũng cũng tăng so với thời kỳ trước. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng rèn luyện, lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Công tác quản lý nhà nước về đất đai ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế, yếu kém dễ bị lợi dụng để tham nhũng tiêu cực,…
Tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nói trên, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác PCTN tại địa phương, trong thời gian tới, Đắk Nông tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực; trong đó, xác định các giải pháp phòng ngừa là chính; xác định những nội dung, lĩnh vực trọng điểm, dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng để xây dựng các giải pháp phòng, chống thích hơp, hiệu quả; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt; đồng thời, xử lý trường hợp vi phạm, chấn chỉnh sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước để phòng ngừa tham nhũng. Thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về PCTN để toàn thể cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), Nhân dân và người lao động trên địa bàn nhận thức đúng và chấp hành thực hiện tốt các quy định về PCTN; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Theo đó, các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền Nhà nước, nhất là Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; các kết luận, chỉ thị của cấp có thẩm quyền về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực...
Triển khai kịp thời các cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN trên địa bàn tỉnh đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả và các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Thủ trưởng cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các vụ việc mà báo chí, dư luận có nhiều ý kiến...; xác minh kê khai tài sản, thu nhập năm 2023; tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ về đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Các cơ quan tư pháp kịp thời điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng đã phát hiện; đồng thời, tiếp tục xử lý, giải quyết dứt điếm những vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng còn tồn đọng; chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng mới, nhất là tập trung xác minh điều tra làm rõ yếu tố tư lợi, chiếm đoạt tài sản trong các vụ án, vụ việc; các cấp, các ngành xử lý, giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tổ cáo có liên quan đến tham nhũng.
Các cơ quan thanh tra phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện trong quá trình thanh tra; công khai kết quả xử lý, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa chung.
Các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, kiên quyết đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra tham nhũng; tăng cường hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng gây phiền hà, sách nhiễu người dân, doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chính quyền các cấp chủ động, tăng cường phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, HĐND các cấp trong việc thực hiện vai trò phản biện, giám sát đối với công tác phòng, ngừa tham nhũng trên địa bàn tỉnh./.
K. Dung