Quảng Bình: Tình hình tham nhũng vẫn đang được kiềm chế

Thứ năm, 15/08/2024 14:30
(ThanhtraVietNam) - Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có chuyển biến tích cực. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cơ bản thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, đặc biệt đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên trên thực tế vẫn còn có một số sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng.

Vụ án Phúc Sơn, Thuận An: Khởi tố 31 bị can, thu giữ hàng trăm tỉ đồng

Kỷ luật 230 đảng viên tham nhũng, 4.004 đảng viên suy thoái

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tăng cường minh bạch và hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng tại Sơn La

Đẩy mạnh thanh tra, giám sát, lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra lãng phí, tiêu cực

Đoàn kiểm tra số 4 về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc tại Bình Phước

Đề nghị thi hành kỷ luật đối với đồng chí Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính

Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024 phục vụ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (kỳ báo cáo từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024) của UBND tỉnh Quảng Bình cho thấy, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC).

Trong đó, đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành về công tác PCTN, TC.

Đồng thời, chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của pháp luật về PCTN, TC, các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nhằm chủ động phòng ngừa hành vi tham nhũng trên địa bàn tỉnh. Xác định công tác PCTN, TC là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách, vừa lâu dài; là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, trước hết là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động, như: Các nội quy, quy chế; quy hoạch, kế hoạch quản lý, sử dụng đất; tài chính; đấu thầu các công trình, dự án có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước… Thực hiện nghiêm chế độ định mức, tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ thành lập Đoàn tiến hành kiểm tra về việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn tại 09 cơ quan, đơn vị, địa phương. Qua kiểm tra cho thấy các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước.

Đáng chú ý, từ ngày 01/10/2023 đến ngày 31/7/2024, toàn tỉnh đã chuyển đổi, thay đổi vị trí công tác đối với 207 vị trí. Cụ thể: Chuyển nội bộ 85 vị trí (công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý 81 vị trí; kế toán 04 vị trí); chuyển đổi giữa các đơn vị thuộc, trực thuộc 122 vị trí (công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý 16 vị trí; không giữ chức vụ 64 vị trí; kế toán 42 vị trí).

Thực hiện Luật PCTN năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) theo quy định. Kết quả, năm 2023 (số liệu kê khai tính từ ngày 01/01/2023 đến 31/12/2023; số liệu công khai từ 01/01/2023 đến 01/4/2024), trên địa bàn tỉnh có 3.943 người kê khai TSTN hàng năm; 54 người kê khai TSTN lần đầu; 96 người kê khai TSTN bổ sung. Theo đó, có 4.404 người đã công khai bản kê khai TSTN.

Tuy nhiên, qua công tác tự kiểm tra nội bộ, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra, kiểm toán, chưa phát hiện dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.

UBND tỉnh Quảng Bình nhận định, tình hình tham nhũng trên địa bàn hiện vẫn đang được kiềm chế; công tác PCTN, TC có chuyển biến tích cực. Song trên thực tế vẫn còn có một số sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng.

leftcenterrightdel
 Việc thực hiện các dự án xây dựng cơ bản là một trong những lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực (ảnh minh họa, nguồn: baoquangbinh.vn).

Hiệu quả phát hiện tham nhũng chưa cao

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCTN, TC tại Quảng Bình vẫn có những tồn tại, hạn chế. Việc tuyên truyền và nội dung tuyên truyền, giáo dục về PCTN, TC chưa thật sự hấp dẫn. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng về công tác PCTN, TC còn hạn chế, dẫn tới hiệu quả việc phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN, TC chưa cao.

Đáng nói, việc công khai, dân chủ trong hoạt động của một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức. Một số chế độ, định mức, tiêu chuẩn chậm được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, nhất là các quy định về chi tiêu tài chính. Tình trạng vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị. Trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, vẫn còn một số ít cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Công tác phát hiện các vụ việc, vụ án tham nhũng còn ít; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Các vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu thông qua tin báo tội phạm, báo chí, phản ánh của Nhân dân.

Theo UBND tỉnh Quảng Bình, nguyên nhân của tình trạng trên là do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN, TC, lãng phí. Lực lượng công chức làm công tác thanh tra, PCTN, TC ở cấp huyện, các sở, ngành thường xuyên có biến động nên những công chức mới công tác trong ngành thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Hơn nữa, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức thuộc các cơ quan chức năng có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, PCTN còn hạn chế, nên hiệu quả phát hiện tham nhũng chưa cao.

Công tác tự kiểm tra, giám sát một số cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên; việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp sai phạm còn thiếu kiên quyết. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn có sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để vi phạm. Hành vi vi phạm ngày càng phức tạp, tinh vi, khó phát hiện.

Ngăn chặn, xử lý nghiêm biểu hiện “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau”

Để thực hiện tốt công tác PCTN, UBND tỉnh Quảng Bình xác định nhiệm vụ thời gian tới là tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về PCTN.

Trong đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp. Đồng thời, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các quy đinh của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC nhất là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, TC, lãng phí; Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Luật PCTN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn thi hành...

Tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Các cơ quan chức năng, như: Nội chính, Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tích cực, chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, phát hiện xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, như: Quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước; tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; ngăn chặn, xử lý nghiêm những biểu hiện “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau”,...

Tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp. Kểm tra, xác minh kịp thời các đơn thư tố cáo có nội dung liên quan tham nhũng, tiêu cực.

Đặc biệt, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, Nhân dân; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông và mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong PCTN/.

Hoàng Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra