Tự đánh giá về công tác PCTN trong năm vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về ban hành Chương trình công tác năm 2022 và Kế hoạch về công tác PCTN,TC 2022 của tỉnh Quảng Ngãi; trong đó, tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện, thể chế hóa, cụ thể hóa văn bản, quy định, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh, xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung. Trong đó, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc ban hành chỉ đạo chung tại Kế hoạch PCTN, TC năm 2022, UBND tỉnh đã cụ thể hóa riêng từng nội dung như: Ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 trên địa bàn tỉnh, kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở và xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh năm 2022, Kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2022 trên địa bàn tỉnh; theo đó, 35/35 các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động và báo cáo kết quả thực hiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị đảm bảo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Cùng với đó, trong năm qua, UBND tỉnh đã thực hiện thẩm định 106 lượt đề nghị xây dựng nghị quyết và văn bản quy phạm do các sở, ban ngành gửi đến; tự kiểm tra 55 văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh; kiểm tra 95 văn bản quy phạm pháp luật do các huyện, thị xã, thành phố gửi đến sau khi ban hành; ban hành Quyết định công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh hết hiệu lực toàn bộ và một phần và ngưng hiệu lực trong năm 2022; UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn đã ban hành 67 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, áp dụng các quy định của nhà nước về quản lý hành chính, tổ chức, bộ máy; quản lý kinh tế, quản lý xã hội, giáo dục, y tế, an ninh, trật tự ... nhằm phòng ngừa tham nhũng, giúp phát hiện và xử lý tham nhũng.
Đồng thời, thông qua hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, các sở, ban, ngành tỉnh đã phát hiện những sơ hở, bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội, kiến nghị UBND tỉnh tăng cường quản lý, siết chặt, loại bỏ điều kiện phát sinh tham nhũng. Trong công tác tiếp công dân đã được Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Luật Tiếp công dân, ngay từ đầu năm đã ban hành Thông báo lịch tiếp công dân định kỳ trong năm 2022 để người dân được biết và đăng ký tiếp công dân theo quy định.
Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng
Về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, các nội dung lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh đều được công khai bằng nhiều hình thức như: Tại cuộc họp, phát hành ấn phẩm, trên Cổng/Trang thông tin điện tử của tỉnh, của ngành, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, như: Tài chính ngân sách, đầu tư phát triển; chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức, công tác cán bộ; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kết quả xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị, kết luận thanh tra và xử lý vi phạm,... UBND tỉnh đã tổ chức họp báo định kỳ, đột xuất và kịp thời công khai, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, trả lời, giải trình đối với các vấn đề dư luận xã hội quan tâm; công khai kết quả tiếp công dân định kỳ của lãnh đạo UBND tỉnh; ban hành 11 văn bản tổ chức kiểm tra thông tin phản ánh do cơ quan báo chí, doanh nghiệp cung cấp và phúc đáp kịp thời kết quả sau kiểm tra, giải quyết.
|
|
Quảng Ngãi cụ thể hóa từng nội dung trong công tác PCTN. Ảnh: PV |
Về thực hiện định mức, chế độ, tiêu chuẩn, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành 08 văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ đảm bảo tính đồng bộ và đúng theo quy định của pháp luật; đã thực hiện phân cấp, phân quyền về định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng của các cơ quan, tố chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã ban hành đầy đủ các quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý tài sản công. Trong năm, 35/35 cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra có nội dung về thực hiện định mức tiêu chuẩn; kết quả có 35/35 đơn vị đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra hoặc được thanh tra, kiểm tra về thực hiện chế độ định mức, tiêu chuẩn; phát hiện 13 đơn vị có sai phạm với số tiền kiến nghị xử lý thu hồi 402,51 triệu đồng, đã được các đơn vị thực hiện khắc phục xong.
Về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, 100% cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác, theo kế hoạch trong năm chuyển đổi 461 người và 35/35 có quan, đơn vị đã báo cáo kết quả thực hiện; theo đó đã chuyển đổi vị trí công tác 357/461 công chức, viên chức. Trong đó: 103 trường hợp là công chức, viên chức thuộc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh; 254 trường hợp là công chức, viên chức thuộc UBND các huyện, thị xã, thành phố. Số công chức, viên chức chưa thực hiện chuyển đối vị trí công tác là 104/461 trường hợp. Nguyên nhân do: Các đối tượng này thuộc trường hợp đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, đang điều trị bệnh hiểm nghèo... và một số trường hợp do cơ quan, đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi (đặc biệt là vị trí kế toán) mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại của cơ quan, đơn vị.
Về thực hiện quy tắc ứng xử, UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về thực hiện quy định về quy tắc ứng xử tại Công văn số 5675/UBND-NC tăng cường kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính; yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các qui tắc ứng xử văn hóa, đạo đức công vụ. 35/35 sở, ban ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện quy tắc ứng xử. Trong năm, có 07 người vi phạm về quy tắc ứng xử và đã kịp thời xử lý theo quy định.
Về kiểm soát tài sản, thu nhập, UBND tỉnh đã triển khai Quyết định số 56-QĐ/TW của Bộ Chính trị về ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập đến các cơ quan, đơn vị, địa phương để làm căn cứ thực hiện. Trong năm 2022, căn cứ định hướng xây dựng kế hoạch xác minh của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 của Thanh tra tỉnh tại Quyết định số 977/QĐ-UBND với số đối tượng được xác minh là 36 cá nhân. Kết quả xác minh về kê khai tài sản, thu nhập của 36 người thuộc diện kê khai hàng năm (đã ban hành 36 kết luận) thấy có 32 người kê khai chưa đảm bảo đầy đủ, rõ ràng trong bản kê khai tài sản, thu nhập (chưa phát hiện có trường hợp kê khai, giải trình không trung thực) đã kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm về các sai sót.
Công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, UBND tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các công tác hoạt động của các doanh nghiệp cũng như trong phòng ngừa tham nhũng của doanh nghiệp, tổ chức, khu vực ngoài Nhà nước; trong đó, chỉ đạo, khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị khu vực ngoài Nhà nước căn cứ quy định của Luật PCTN và pháp luật khác có liên quan, ban hành quy tắc đạo đức kinh doanh, quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với người lao động, thành viên, hội viên của mình; các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh xác định việc xây dựng văn hóa kinh doanh không tham nhũng có vai trò hết sức quan trọng để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng, hướng tới sự phát triển bền vững của chính các doanh nghiệp, đồng thời góp phần phòng ngừa tham nhũng trong cả khu vực Nhà nước nói chung. Trong năm, có 01 đơn vị được tranh tra về công tác PCTN, qua đó đã chấn chỉnh các thiếu sót, hạn chế tại đơn vị.
Đánh giá chung tiến triển của công tác PCTN trong năm qua, đối chiều kết quả đánh giá công tác PCTN với năm trước cho thấy kết quả thực hiện công tác PCTN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cơ bản đã đạt mục tiêu, kế hoạch đề ra và có những bước tiến bộ hơn so với năm trước, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử đã được chú trọng tăng cường, đẩy mạnh nhằm phát hiện, xử lý các hành tham nhũng đã góp phần hạn chế được những hành vi tham nhũng.
Còn đó những khó khăn, vướng mắc trong công tác PCTN
UBND tỉnh cũng đưa ra những khó khăn, vướng mắc chủ yếu trong việc thực hiện công tác PCTN như các quy định trong Luật PCTN năm 2018 đến nay còn có những nội dung chưa có hướng dẫn cụ thế (như quy định về quy trĩnh thực hiện rà soát xung đột lợỉ ích, xử lý kỷ luật hành chính đối với tổ chức...) dẫn đến việc thực hiện còn lúng túng. Đối với các đơn vị thuộc khu vực ngoài Nhà nước chưa tích cực trong thực hiện các quy định pháp luật về PCTN,TC nhưng chưa có chế tài xử lý, xử phạt hành chính, chưa được quy định cụ thể về quy trình, thẩm quyền.
Tình trạng tham nhũng vẫn còn tiềm ẩn, diễn biến phức tạp ở nhiều lĩnh vực, hiện tượng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc vẫn còn diễn ra ở một số ngành, lĩnh vực; tuy nhiên, qua thanh tra, kiểm tra không có đầy đủ chứng cứ đê xác định hành vi tham nhũng, không có quy định cụ thể về định lượng để xác mức độ vi phạm, hình thức xử lý vi phạm...
Từ đó, UBND tỉnh đề xuất giải pháp để tiếp tục tăng cường thực hiện, nâng cao hiệu quả các giải pháp PCTN nhằm thực sự ngăn chặn, đây lùi được tệ nạn tham nhũng trong thời gian tới như:
Đối với các cơ quan trung ương, UBND tỉnh đề xuất cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, sát tình hình phát triển đất nước; trong đó, các bộ, ngành Trung ương cần có sự phối hợp, thống nhất trong việc tham mưu hoặc ban hành các văn bản quy định cụ thể, nhất là sự đồng bộ trong quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư, quản lý tài sản công. Có quy định hướng dẫn cụ thể về hệ thống các cơ quan chuyên trách thực hiện công tác PCTN, TC từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo sự thống nhất, tránh chồng chéo hoặc bỏ ngỏ các lĩnh vực trong hoạt động PCTN, TC. Trên cơ sở đó có các biện pháp kiện toàn, củng cố theo hướng thống nhất hóa, chuyên môn hóa, với các chế độ, chính sách đặc thù, có quyền hạn tương xứng với nhiệm vụ được giao để có thể đảm đương tốt công tác PCTN, TC trong điều kiện tình hình hiện nay.
Đối với Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh đề nghị triển khai xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất sử dụng chung cho các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập. Tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập với các cơ quan, đơn vị có liên quan như Ngân hàng, cơ quan quản lý đất đai, các cơ quan cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản... để các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập khai thác, sử dụng các dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai để phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập.
Việc kiểm soát xung đột lợi ích được thực hiện có hiệu quả sẽ góp phần loại bỏ điều kiện, hoàn cảnh có thế xảy ra hành vi tham nhũng trên thực tế vì vậy đề nghị có sự hướng dẫn cách thức, quy trình, thẩm quyền tổ chức rà soát để phòng ngừa, phát hiện và xử lý xung đột lợi ích; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nhận biết và kiếm soát xung đột lợi ích.
Ngoài ra, Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN hàng năm cần đảm bảo sát đúng với điều kiện thực tế của các địa phương, một số tiêu chí cần hoàn chỉnh vì vẫn còn có những bất cập dẫn đến đánh giá không chính xác công tác PCTN, cũng như tình hình tham nhũng tại các địa phương./.