Quá trình thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta đã xác định: Đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Từ đó đề ra mục tiêu tổng quát, định hướng các nhiệm vụ và giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Sức mạnh và động lực to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng tham gia tích cực của Nhân dân và cả hệ thống chính trị, báo chí mà nòng cốt là các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không ngừng đổi mới cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.
Có thể khẳng định, cho đến nay, các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tương đối đầy đủ. Tuy nhiên cần phải tiếp tục chú trọng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để đảm bảo “Không thể”, “Không dám”, “ Không muốn” và “Không cần” tham nhũng, tiêu cực. Trước hết là cơ chế “Không thể” tham nhũng, tiêu cực.
Theo đó, ở Tỉnh Quảng Ngãi, hàng năm đã kiểm tra, rà soát trên 160 văn bản quy phạm của địa phương; ban hành trên 70 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phòng ngừa tham nhũng, giúp phát hiện và xử lý tham nhũng. Đồng thời, thông qua hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, các sở, ban ngành tỉnh đã phát hiện những sơ hở, bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội, kiến nghị UBND tỉnh tăng cường quản lý, siết chặt, loại bỏ điều kiện phát sinh tham nhũng.
Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực. Công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình càng tốt thì càng tạo điều kiện cho các chủ thể giám sát có hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh công khai quá trình sử dụng quyền lực theo pháp luật để nhân dân giám sát, đảm bảo việc sử dụng đúng đắn quyền lực. Về vấn đề này, ở tỉnh Quảng Ngãi trong những năm qua đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, theo đó định kỳ hàng năm UBND tỉnh, các Sở, ban ngành, địa phương đã công khai đầy đủ 100% các nội dung theo từng lĩnh vực quy định như: Công khai dự toán, quyết toán ngân sách, về đầu tư công, về quy hoạch, về công tác cán bộ….đảm bảo theo quy định.
Việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được đẩy mạnh và góp phần tích cực vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiệm vụ cải cách hành chính được xác định là rất quan trọng, bởi lẽ trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, cán bộ, công chức đã có tình trạng gây khó khăn, phiền hà, nhũng nhiễu gây bức xúc trong người dân và doanh nghiệp. Nhận diện được hạn chế này, tỉnh Quảng Ngãi đã quyết liệt tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy đạt kết quả tích cực, như trước năm 2020 các chỉ số này được đánh giá, xếp loại vào tốp cuối của 63 tỉnh thành, nhưng đến năm 2022 được đánh giá: Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 27; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) xếp thứ 23; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 33. Đây là sự cố gắng cần tiếp tục tăng cường hơn nữa nhằm góp phần trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian đến.
|
|
Hoàn thiện pháp luật, tăng cường hiệu quả tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi |
Giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành nền hành chính là một trong những biện pháp hữu hiệu. Bởi lẽ thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, hạn chế việc tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp của công chức sẽ hạn chế được sự nhũng nhiễu, tiêu cực trong thi hành công vụ; góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí của nhà nước và của người dân, doanh nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ thông tin, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đạt kết quả tích cực. Theo đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi xếp hạng thứ 26/63 tỉnh thành.
Công tác tiếp nhận, xử lý, giải đáp, phản hồi những ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, coi trọng thực hiện dân chủ cơ sở và đối thoại với các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp đã được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường việc kiểm soát tài sản, thu nhập; chuyển đổi vị trí công tác; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu; thanh toán không dùng tiền mặt; sửa đổi, ban hành chế độ định mức, tiêu chuẩn, cải cách tiền lương, thu nhập; nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức….đã góp phần tích cực công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy rằng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, phải thường xuyên hoàn thiện pháp luật, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa tham nhũng bằng các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, hình sự với những bước đi vững chãi, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Từ thực tiễn cho thấy để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cái cần nhất lúc này đó là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực hiện nhằm khắc phục bằng được tình trạng mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ ra, đó là tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Do vậy, trong thời gian đến cần phải thực hiện một số giải pháp cụ thể nhằm khắc phục khâu yếu là tổ chức thực hiện như sau:
Thứ nhất, phải tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, làm cho mọi người thấy rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng nhằm tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị và tăng cường niềm tin của nhân dân tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động của cán bộ, công chức và nhân dân trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; … để khắc phục các bất cập, những “khoảng trống”, “kẻ hở”, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi thể chế, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Đảng. Trước hết trong năm 2024 cần cụ thể hóa để hướng dẫn một số nội dung theo quy định của Luật PCTN năm 2018 như:
Triển khai phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất sử dụng dữ liệu chung cho các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Ban hành văn bản quy định quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập với các cơ quan, đơn vị có liên quan như Ngân hàng, cơ quan quản lý đất đai, các cơ quan cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản... để các cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập khai thác, sử dụng các dữ liệu về tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai để phục vụ cho việc xác minh tài sản, thu nhập; ban hành quy định về quy trình thực hiện kiểm soát xung đột lợi ích; trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; quy định xử lý tài sản, thu nhập không được chứng minh, giải trình rõ ràng của người kê khai tài sản, thu nhập,…; thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương để đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập, cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ trong giai đoạn mới và tăng cường giám sát thực thi quyền lực.
Trước hết người đứng đầu phải nâng cao trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, liêm chính, gương mẫu đi đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực. Thực hiện nghiêm túc trong việc kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ.
Thứ tư, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tiêu cực; kiên quyết xử lý các vi phạm, kịp thời chuyển vụ việc qua cơ quan điều tra để xử lý theo quy định. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo mô hình chuyên trách.
Xét đến cùng, sự thành bại trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đều là vấn đề con người, do con người, vì con người. Bởi vậy, để công tác này hiệu quả thì trước tiên cán bộ, công chức, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước Nhân dân; gương mẫu, đi đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện, chấp hành tốt các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển, phục vụ nhân dân./.