Sơn La: Đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp trong phát hiện và xử lý tham nhũng

Thứ sáu, 23/08/2024 17:43
(ThanhtraVietNam) - Trong tháng 9 năm 2024, tỉnh Sơn La sẽ đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng nhằm phát hiện và xử lý hiệu quả các vụ việc tham nhũng.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả

Trong tháng 8 năm 2024, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Sơn La đã tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) và tiêu cực. Cụ thể, UBND tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đồng thời đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Trọng tâm là xử lý và giải quyết triệt để các vấn đề nổi cộm, phức tạp, bức xúc về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, thu hút sự quan tâm của dư luận đã được chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, kịp thời, tạo niềm tin trong nhân dân.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCTN. Trong tháng 8, đã có 33 lượt tuyên truyền, phổ biến về PCTN cho 1.848 lượt người tham gia. Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và Trung tâm truyền thông văn hóa thành phố cũng đã đưa 20 lượt tin bài về chủ đề này.

Các hình thức tuyên truyền được đa dạng hóa, từ các cuộc họp giao ban, hội nghị học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến các sinh hoạt Đảng bộ, chi bộ, và đăng tải thông tin trên các trang thông tin điện tử. Nhờ đó, nhận thức về PCTN trong các cấp, các ngành, cũng như trong toàn xã hội, ngày càng được nâng cao.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (nguồn: baoxaydung.com.vn) 

Công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động

Một trong những yếu tố quan trọng giúp tăng cường hiệu quả công tác PCTN tại Sơn La là việc thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động. Các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã thực hiện công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính, chế độ chính sách, quản lý và sử dụng ngân sách, tài sản công, cũng như trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.

Các địa phương cũng duy trì hoạt động của số điện thoại “đường dây nóng” và hộp thư điện tử để tiếp nhận các thông tin tố cáo, phản ánh liên quan đến hành vi tham nhũng, tiêu cực. Đây là kênh thông tin quan trọng, giúp phát hiện kịp thời các vi phạm, từ đó có biện pháp xử lý nhanh chóng và hiệu quả.

Chuyển đổi vị trí công tác là một trong những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Trong tháng 8 năm 2024, các đơn vị, địa phương tại Sơn La đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác cho 14 người theo danh mục vị trí công tác định kỳ phải chuyển đổi.

Cùng với đó, công tác tiếp nhận, xử lý các tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố liên quan đến tham nhũng, tiêu cực cũng được chú trọng. Trong tháng, Công an tỉnh Sơn La đã tiếp nhận và giải quyết 4 tin báo liên quan đến tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Tổng số vụ án liên quan đến tham nhũng đang được thụ lý, điều tra là 14 vụ với 35 bị can. Trong đó, có 4 vụ mới được khởi tố, 1 vụ đã kết thúc điều tra và đề nghị truy tố, còn lại 13 vụ tiếp tục được điều tra, xác minh. Điều này cho thấy sự quyết tâm của các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực

Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Sơn La đã thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường phối hợp trong công tác phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Kế hoạch số 52-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư đã được thực hiện nghiêm túc. Các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự trong việc cung cấp thông tin liên quan, giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, đặc biệt là trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.

Cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp cũng đã phối hợp trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án tham nhũng. Chất lượng xét xử được nâng cao, góp phần tạo niềm tin trong nhân dân về sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

Nhìn chung, trong tháng 8 năm 2024, công tác PCTN, tiêu cực tại Sơn La đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, các vấn đề phức tạp nổi lên về trật tự an toàn xã hội đã được xử lý kịp thời.

Trong tháng 9 năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục tập trung vào việc bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác điều tra, xét xử và thi hành án, đảm bảo chất lượng và tiến độ xử lý các vụ án, vụ việc phức tạp mà dư luận quan tâm.

Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường thực hiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng.

Dương Nguyễn

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra