Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, Thanh tra tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện năm 2024, trong đó, có giải pháp tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể, Chánh Thanh tra tỉnh quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm, đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc tại cơ quan; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về tiếp công dân, tiếp nhận, tham mưu giải quyết dứt điểm, kịp thời những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân và doanh nghiệp, nghiêm cấm tình trạng giải thích không rõ ràng thay vì giải quyết; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao.
Xây dựng đội ngũ công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức, đáp ứng chuyên môn, nghiệp vụ trong quá trình giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; xử lý nghiêm người đứng đầu, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý người có hành vi bao che tình trạng nhũng nhiễu của công chức và người lao động để vụ lợi.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước; thực hiện nghiêm quy chế văn hóa công sở, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát công chức trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
|
|
Tăng cường ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp |
Thực hiện cải cách hành chính
Tiếp tục đẩy mạnh công khai minh bạch các hoạt động của cơ quan. Văn phòng, các phòng nghiệp vụ tập trung rà soát thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực quản lý của Thanh tra tỉnh và kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung những thủ tục hành chính còn có kẽ hở, thiếu sót dễ gây ra tiêu cực, tham nhũng; rà soát thủ tục hành chính theo hướng tinh giản, loại bỏ ngay các thủ tục không cần thiết, rườm rà, khó thực hiện, rút ngắn thời gian, đưa ra lộ trình giải quyết; sau khi tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính theo quy định, không được yêu cầu doanh nghiệp, người dân bổ sung hồ sơ, tài liệu quá 01 lần.
Cùng với đó, tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; nhận diện, chỉ rõ các lĩnh vực trong giải quyết công việc dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, nguy cơ tham nhũng theo vị trí việc làm; có biện pháp khắc phục ngay những sơ hở, bất cập, thiếu sót đối với những vị trí việc làm mà công chức thường xuyên tiếp xúc giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp có cơ hội vụ lợi.
Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 43/KH-TTr ngày 09/01/2024 của Thanh tra tỉnh về chuyển đổi vị trí công tác năm 2024 đối với công chức cơ quan theo quy định.
Tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý của cơ quan, thực hiện giám sát bằng công nghệ (ghi âm, ghi hình) tại nơi thường xuyên giải quyết công việc với người dân, doanh nghiệp. Đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Thanh tra tỉnh và niêm yết tại trụ sở cơ quan số điện thoại, địa chỉ thư điện tử đường dây nóng của cơ quan.
Tổ chức tiếp nhận, xử lý, giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhất là về hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà; công khai kết quả xử lý, nếu có lỗi thì phải công khai xin lỗi người dân, doanh nghiệp và khắc phục hậu quả, xử lý vi phạm theo đúng quy định. Thường xuyên rà soát, đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với hoạt động của Thanh tra tỉnh. Giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử của công chức cơ quan.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát
Thanh tra tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng cường công tác tham mưu UBND tỉnh về thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Thường xuyên phối hợp, hướng dẫn các cơ quan, địa phương, đơn vị xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm; tổng hợp, rà soát chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện; kịp thời xử lý việc trùng lặp, chồng chéo giữa các cơ quan chức năng trong quá trình thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân để xảy ra tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh; định kỳ báo cáo hoặc đột xuất tổng hợp kết quả, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm thực thi công vụ công chức cơ quan, kiểm tra việc chấp hành kỷ cương, chấp hành giờ giấc làm việc, quy tắc ứng xử, việc giải quyết công việc và giải quyết thủ tục hành chính với người dân và doanh nghiệp của công chức; xử lý nghiêm các vi phạm của tập thể và cá nhân.
Thực hiện cơ chế giám sát, phát hiện vi phạm trong thực thi công vụ của công chức; ngăn ngừa những việc làm sai trái, tiêu cực, phòng ngừa, ngăn chặn suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của công chức, đảng viên.
Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 134/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh có liên quan.