Thành phố Hồ Chí Minh:

Tăng cường phản biện nhằm hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ tư, 08/05/2024 13:25
(ThanhtraVietNam) - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2024.

Thanh tra định kỳ, đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Chú trọng giám sát các hành vi tham nhũng vặt

Theo đó, Kế hoạch đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường công tác giám sát việc thực hiện cải cách hành chính nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính và tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan công quyền và cán bộ, công chức Nhà nước; có hình thức thích hợp để vận động nhân dân tích cực ủng hộ các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hoạt động giám sát thông qua việc tiếp nhận thông tin về phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực phản ánh của người dân, của báo chí để đấu tranh, xử lý có hiệu quả các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhất là các hành vi “tham nhũng vặt”.

Tổ chức các phong trào, cuộc vận động, sinh hoạt chính trị - văn hóa có chủ đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng đạo đức liêm chính; các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại, nói chuyện chuyên đề có nội dung, chủ đề về vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong giám sát hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường phản biện xã hội, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng, tiêu cực nhất là hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt; cung cấp thông tin cho cơ quan, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; thường xuyên giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

UBND Thành phố đề nghị các Hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn cho người lao động, thành viên, hội viên của đơn vị mình thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, tiêu cực; kịp thời thông báo với các cơ quan có thẩm quyền về hành vi tham nhũng, tiêu cực; kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

leftcenterrightdel
Một hội thảo về giám sát, phản biện xã hội do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức 

Công khai minh bạch thu chi tài chính

Các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, định hướng, giải pháp của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cung cấp thông tin, phản ánh của nhân dân, của cán bộ và phát hiện của báo chí để các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý. Theo dõi, phản ánh và giám sát quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được phát hiện.

Đối với Sở Nội vụ, UBND Thành phố yêu cầu, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị trong việc triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính; trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; trong công tác tổ chức cán bộ, kiểm soát xung đột lợi ích của cơ quan, tổ chức, đơn vị và việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ, việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp, việc tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, việc chuyển đổi vị trí của các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Thanh tra, kiểm tra, theo dõi, tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đối với các tổ chức xã hội do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện trên địa bàn Thành phố (thông qua Thanh tra Thành phố) theo quy định.

Đối với Sở Tài chính, tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý sử dụng ngân sách nhà nước; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng, ban hành mới tiêu chuẩn, định mức thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Hướng dẫn việc thực hiện, công khai minh bạch về thu chi, tài chính ngân sách; mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công theo quy định.

Đình Thuyết

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra