Bạc Liêu:

Tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân và doanh nghiệp

Thứ năm, 02/03/2023 14:44
(ThanhtraVietNam) - Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có “tham nhũng vặt” là một nhiệm vụ chính trị quan trọng phải thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài và là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị hàng năm.

Mới đây, Chánh Văn phòng UBND tỉnh UBND tỉnh Bạc Liêu có ý kiến chỉ đạo Thủ trưởng các Phòng, Ban, Trung tâm trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh về việc thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh này đối với việc tăng cường xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, nhằm tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp về phòng, chống tham nhũng, nhất là tệ nạn “tham nhũng vặt”.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường trách nhiệm quản lý không để cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp hoặc có biểu hiện bao che, dung túng nhân viên thuộc quyền quản lý có hành vi sai trái, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các ngành, các cấp phải coi đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có “Tham nhũng vặt” là một nhiệm vụ chính trị quan trọng phải thực hiện thường xuyên, liên tục, lâu dài và lấy đó làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị hàng năm; không ngừng nâng cao sự hài lòng của người dân đối với cơ quan nhà nước.

Từng cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân và doanh nghiệp; thường xuyên có bộ phận theo dõi, giám sát và lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân sau khi được giải quyết công việc./.

Hồng Oai
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra