Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Sóc Trăng

Thứ năm, 23/06/2022 09:22
(ThanhtraVietNam) - Tỉnh ủy Sóc Trăng vừa tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực tỉnh. Tham dự có đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan Trung ương đóng tại địa phương và lãnh đạo huyện ủy, thị ủy, thành ủy.

Theo quyết định số 702-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Sóc Trăng, Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh gồm 15 thành viên. Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng giữ vai trò Trưởng Ban chỉ đạo; đồng chí Nguyễn Văn Sắc - Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy giữ vai trò Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh Sóc Trăng.

Tại buổi lễ, đã lần lượt thông qua Quy chế làm việc số 01-QC/BCĐ của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực (gồm 4 chương, 16 điều) quy định rõ về nguyên tắc, trách nhiệm, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác và cách thức, trình tự giải quyết công việc. Đồng thời, thông qua Quyết định số 01-QĐ/BCĐ của Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tỉnh về việc phân công nhiệm vụ các thành viên.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi công bố quyết định thành lập BCĐPCTN,TC tỉnh Sóc Trăng (Ảnh: BST) 

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lâm Văn Mẫn nhấn mạnh về tầm quan trọng trong công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực và việc thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực cấp tỉnh là quyết sách đúng đắn, có tính tất yếu, phù hợp thực tiễn tình hình hiện nay. Trên cơ sở quy chế làm việc, nhiệm vụ được phân công, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo, từng thành viên phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác của mình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Chủ động chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát công tác PCTN, tiêu cực tại cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị được phân công theo dõi, phụ trách; định kỳ báo cáo Ban Chỉ đạo về kết quả thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo quy chế.

Đồng chí cũng yêu cầu, Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ động tham mưu thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ; chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo về chủ trương, định hướng xử lý vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm xảy ra trên địa bàn. Các cơ quan có thẩm quyền cần đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Đồng chí cũng lưu ý, các cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để Ban Chỉ đạo, thành viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ PCTN, tiêu cực tại đơn vị theo quy định. Đặc biệt, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên trong tỉnh cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, chủ động tích cực học tập, quán triệt sâu sắc, toàn diện, triệt để đường lối, chủ trương của Đảng trong công tác PCTN, tiêu cực. Các cơ quan thông tấn, báo chí cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về công tác PCTN, tiêu cực…

Ban Chỉ đạo làm việc theo Quy định 67-QĐ/TW, ngày 2/6/2022 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ban Chỉ đạo có con dấu riêng để phục vụ hoạt động…

Trưởng Ban Chỉ đạo là người phân công nhiệm vụ đối với các thành viên; Ban Chỉ đạo quyết định ban hành Quy chế làm việc, quy định về công tác kiểm tra, giám sát và xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác,...

Đình Thuyết
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra