Thanh tra Chính phủ trả lời cử tri về thu hồi tài sản tham nhũng

Thứ tư, 04/09/2024 14:00
(ThanhtraVietNam) - Công tác phòng, chống tham nhũng nói chung và nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng, công khai tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng là những kiến nghị của cử tri thành phố Đà Nẵng đã được Thanh tra Chính phủ trả lời.

Tổ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng Tiền Giang

Thụ lý mới 3.895 việc thi hành án các vụ việc kinh tế, tham nhũng

44 năm tù giam cho 2 cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam

Sơn La: Đẩy mạnh thực hiện quy chế phối hợp trong phát hiện và xử lý tham nhũng

Tăng cường công tác quản lý nhằm phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động kiểm định xe cơ giới

Bộ Công Thương: Để công tác kiểm soát tài sản, thu nhập hiệu quả hơn trong thời gian tới

Quảng Bình: Tình hình tham nhũng vẫn đang được kiềm chế

Thanh tra Chính phủ đã có Báo cáo số 175/BC-TTCP về kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong đó, những kiến nghị của cử tri thành phố (TP) Đà Nẵng về công tác tham nhũng đã được Thanh tra Chính phủ trả lời cụ thể, rõ ràng.

Nhiều biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng được áp dụng

Theo cử tri TP Đà Nẵng, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cần được thực hiện thường xuyên và mạnh mẽ hơn; cần xem xét có biện pháp, chế tài để thu hồi các tài sản tham nhũng, có biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn; cần có cơ chế, quy trình xây dựng, giáo dục đội ngũ cán bộ của Đảng; cần kịp thời thông tin công khai cho người dân về tiến độ xử lý các vụ án tham nhũng, việc thu hồi tài sản của Nhà nước từ các vụ án tham ô, tham nhũng để tránh các thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận.

Về nội dung nêu trên, Thanh tra Chính phủ cho biết, những năm qua, nhiều biện pháp thu hồi tài sản đã được áp dụng cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế. Trong đó, các cơ quan chức năng đã chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của các đối tượng phạm tội tham nhũng ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả, thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Điều này được quy định rõ trong Luật PCTN năm 2018. Cụ thể, tài sản tham nhũng phải được thu hồi, tịch thu cho Nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp. Coi việc thu hồi tài sản tham nhũng là một trong những tiêu chí đánh giá về công tác PCTN.

Mặt khác, Điều 91 Luật PCTN cũng quy định cụ thể về hợp tác quốc tế về thu hồi tài sản tham nhũng. Theo đó, trên cơ sở Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu hoặc thu hồi tài sản tham nhũng và trả lại tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp.

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan trung ương về hợp tác quốc tế thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận, xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam.

Thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là hạn chế của công tác PCTN

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành Thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.688 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 1.704 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện (chiếm 46,2% tổng số kết luận thanh tra được đôn đốc, kiểm tra).

Qua đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, các cơ quan chức năng đã thu hồi 760,8 tỷ đồng, 18 ha đất; xử lý hành chính 852 tổ chức, 3.326 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 327 vụ, 70 đối tượng; khởi tố 09 vụ, 14 đối tượng; ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 101 văn bản về cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại các kết luận thanh tra. 

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa, nguồn internet 

Thanh tra Chính phủ đánh giá, mặc dù kết quả thu hồi tài sản đạt năm sau cao hơn năm trước, song việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế của công tác PCTN ở nước ta hiện nay.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do số tiền phải thu hồi rất lớn song những người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc tài sản bị tấu tán, che giấu... hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng; vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản, ảnh hưởng đến quá trình thi hành án; một số vụ án vẫn xảy ra trường hợp đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp còn gặp nhiều khó khăn...

Tiếp tục phối hợp và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Thanh tra Chính phủ cho biết, để khắc phục tình trạng trên, nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, các cơ quan chức năng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác PCTN, tiêu cực nói chung và công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nói riêng. Qua đó, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm liên quan đến công tác thu hồi tài sản, nhất là việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản trong thi hành án.

Đồng thời, tăng cường phối hợp, tích cực chủ động hơn nữa trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Tăng cường hợp tác quốc tế để thu hồi tài sản tham nhũng trong tố tụng hình sự; tiếp nhận xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của nước ngoài về thu hồi tài sản tham nhũng và đề nghị nước ngoài thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự về thu hồi tài sản tham nhũng của Việt Nam.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng tẩu tán tài sản, các cấp, các ngành cần phối hợp và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Nâng cao tính trung thực, trách nhiệm trong việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; có hình thức xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập; có cơ chế đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong việc giao dịch mua, bán các tài sản có giá trị lớn để thuận tiện trong việc kiểm soát thu nhập cũng như truy tìm tài sản đã bị tẩu tán.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang triển khai thực hiện Đề án “xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập”. Đây là cơ sở dữ liệu quan trọng trong PCTN, tiêu cực nói chung và việc thu hồi tài sản tham nhũng nói riêng.

Riêng đối với việc xử lý tài sản là các dự án, đất đai liên quan đến các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố, Thanh tra Chính phủ được giao chủ trì xây dựng Đề án 153 “Phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố” báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ để Ban cán sự đảng Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị. Hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Kế hoạch của Ban cán sự đảng Chính phủ thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Đề án này./.

Hoàng Minh

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra