Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh
Số liệu thống kê tính đến ngày 31/12/2022 cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý là 1.515.410 tỷ đồng, đạt 129% so với dự toán pháp lệnh, bằng 112,6% so với cùng kỳ năm 2021, với 63/64 đơn vị thu hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách được giao.
Đánh giá về kết quả công tác năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho rằng, ngành Thuế đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao.
Một điểm nhấn trong công tác thu ngân sách là ngành Thuế đã đẩy mạnh quản lý các nguồn thu mới thông qua việc tăng cường thanh, kiểm tra đối với lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nên tảng số. Cơ quan thuế các cấp đã triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, trong đó tập trung quản lý đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng bất động sản, để mở rộng cơ sở thuế, chống xói mòn nguồn thu.
Để góp phần hoàn thành mục tiêu tài chính ngân sách cả giai đoạn 2021 - 2025, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023 đã được Quốc hội, Chính phủ giao cho cơ quan thuế là 1.373.244 tỷ đồng, lãnh đạo Bộ Tài chính đã yêu cầu ngành Thuế triển khai các giải pháp liên quan đến động viên nguồn lực, như mở rộng cơ sở thuế; tăng cường chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán được giao.
Cơ quan thuế cũng cần tiếp tục triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nuôi dưỡng nguồn thu; đánh giá, tổng hợp kết quả để nghiên cứu, trình Chính phủ, Quốc hội các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hồi phục nhanh hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm nay và những năm tiếp theo, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách.
Ngày 23/2/2023, Tổng cục Thuế đã ban hành Kế hoạch quản lý công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính năm 2023.
Theo đó, lãnh đạo Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cơ quan thuế kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế. Vụ Kê khai và kế toán thuế được giao chủ trì, phối hợp với các vụ, đơn vị có liên quan để triển khai ứng dụng ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính điện tử từ các biên bản vi phạm hành chính điện tử đối với hành vi chậm nộp hồ sơ thuế.
Tổng cục Thuế tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra trực tiếp việc thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính tại một số Cục Thuế địa phương. Tập trung kiểm tra công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, phí, lệ phí, hóa đơn; tình hình đảm bảo các điều kiện thi hành pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính; tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong xử phạt vi phạm hành chính; báo cáo xử phát vi phạm hành chính về thuế phí, lệ phí và hóa đơn...
|
|
Theo quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính, Cục Kiểm tra nội bộ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng chống tham nhũng là tổ chức hành chính giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Ảnh trụ sở Bộ Tài chính: Thúy Hằng. |
Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc
Ngành Thuế được tổ chức theo hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương, số lượng công chức, viên chức, người lao động lớn; công việc thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế nên việc xây dựng văn hóa trong giao tiếp, thái độ, tác phong ứng xử, lề lối làm việc của công chức, viên chức trong thực thi công vụ, trong tiếp xúc với người nộp thuế là hết sức cần thiết, nhất là trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, Chính phủ đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ.
Vừa qua, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc nỗ lực, cố gắng hơn trong xây dựng kế hoạch, giải pháp, biện pháp, lộ trình phù hợp, hiệu quả để tổ chức triển khai công việc và tăng cường kỷ cương, kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức, viên chức thuế trong thực thi công vụ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của ngành Thuế năm 2023.
Cụ thể, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế cần tiếp tục phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của công chức, viên chức theo Luật cán bộ, công chức, viên chức và các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính về trách nhiệm nêu gương đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, đảng viên, về tiếp tục tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính đối với công chức, viên chức; tăng cường kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong công tác quản lý cán bộ và thực thi công vụ, chống chạy chức, chạy quyền…
Tập trung chỉ đạo triển khai Chỉ thị số 01/CT-TCT ngày 19/9/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm nêu gương đối với công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, đảng viên tại cơ quan thuế các cấp; quy định về 10 điều kỷ luật đối với công chức, viên chức ngành Thuế; Công văn số 1199/TCT-KTNB ngày 23/3/3020 của Tổng cục Thuế về việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật công vụ đối với công chức, viên chức trong toàn ngành Thuế.
Số điện thoại đường dây nóng của Cục Kiểm tra nội bộ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng chống tham nhũng tiếp nhận thông tin từ 08h00 - 12h00 và từ 13h00 - 17h00 các ngày làm việc là: (024) 39.725.048.
|
Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật Phòng, Chống tham nhũng, Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định, hướng dẫn có liên quan; Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 của Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành nhiệm vụ, công vụ; các chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.
Đẩy mạnh việc luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác theo đúng quy định để hạn chế tối đa tiêu cực có thể xảy ra. Đối với những công chức vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng; cố tình gây khó khăn phiền hà cho người nộp thuế, nếu chưa đến mức xử lý kỷ luật buộc thôi việc thì đơn vị không được bố trí ở các bộ phận: tổ chức cán bộ, kiểm tra nội bộ, tài vụ quản trị, bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế trong thời hạn tối thiểu là 5 năm.
Chú trọng, tập trung kiểm tra, giám sát công chức, viên chức trong thực thi công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vi phạm, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của ngành. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cũng như kiểm tra, giám sát đối công chức làm việc tại các chức năng quản lý thuế cơ bản và bộ phận thường xuyên tiếp xúc với người nộp thuế.
Phát động phong trào thi đua, phấn đấu rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính sáng tạo, sáng kiến, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ cương, kỷ luật, thái độ xứng xử, phong cách làm việc trong quá trình thực thi công vụ và tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp trên cơ sở bám sát chủ đề, khẩu hiệu thi đua năm 2023 của Ngành “Kỷ cương, trách nhiệm; đổi mới, sáng tạo; kịp thời, hiệu quả; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác thuế năm 2023”.
Riêng Cục Kiểm tra nội bộ; Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Phòng chống tham nhũng được giao tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức các đường dây nóng tại cơ quan, đơn vị để tiếp thu và lắng nghe ý kiến phản ảnh của người dân, người nộp thuế; tham mưu Tổng cục thành lập các Tổ kiểm tra của Tổng cục để kiểm tra đột xuất việc thực thi công vụ ở các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục và các Cục Thuế.
Các Cục Thuế thành lập các Tổ kiểm tra đột xuất việc thực thi công vụ của các đơn vị thuộc và trực thuộc.
Việc kiểm tra đột xuất công vụ tập trung vào các bộ phận trực tiếp tiếp xúc với người nộp thuế để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm của công chức thuế trong quá trình thực thi công vụ theo quy định.