Tình trạng lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên còn phổ biến
Theo Báo cáo của Chính phủ ngày 25/4/2024 về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023, kết quả xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, tiến độ. Việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại một số địa phương còn chậm.
Tình trạng lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên còn phổ biến như: Đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Khiếu kiện liên quan đến đất đai có xu hướng giảm so với trước đây nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai còn xảy ra ở nhiều nơi: Năm 2023, qua thanh tra, kiểm tra, ngành Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị thu hồi 366 ha đất. Cũng qua công tác thanh tra, kiểm tra, tại các địa phương đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm, gây lãng phí đất đai, như: Đắk Lắk thu hồi 0,4 ha đất, Kon Tum thu hồi hàng trăm nghìn m² đất, Quảng Bình thu hồi 400 m² đất, Tiền Giang thu hồi gần 2,5 nghìn m² đất, Hà Tĩnh thu hồi 300 m² đất, Bắc Giang thu hồi 123 m² đất, Thái Nguyên thu hồi hơn 100 nghìn m² đất, Gia Lai thu hồi hơn 35 nghìn m² đất...
Liên quan đến tài nguyên nước, việc sử dụng nguồn tài nguyên này còn lãng phí, hiệu quả thấp, nhất là trong nông nghiệp. An ninh nguồn nước đang trở thành vấn đề lớn trong bối cảnh phần lớn các hệ thống sông lớn của Việt Nam đều là các sông xuyên biên giới mà Việt Nam là quốc gia ở hạ nguồn. Tình trạng thiếu nước, hạn hán, thiên tai sẽ còn tiếp diễn nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Trong khi đó, tình trạng vi phạm quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước vẫn còn xảy ra. Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tài nguyên nước trên các lưu vực sông Mê Kông và Bắc Trung Bộ, tiến hành kiểm tra 15 tổ chức, cá nhân, đột xuất 03 cuộc và đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 17 tổ chức với số tiền gần 3 tỷ đồng.
Riêng trong Quý III/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện kiểm tra theo kế hoạch 13 cuộc về việc chấp hành các quy định của pháp luật tài nguyên nước trên các lưu vực sông đối với 31 tổ chức. Qua đó đã phát hiện các sai phạm liên quan đến việc: Không bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định đối với hồ chứa và đập dâng; làm sai lệch số liệu quan trắc, giám sát tài nguyên nước; báo cáo không trung thực, báo cáo không đầy đủ về hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước; không lắp đặt thiết bị quan trắc giám sát theo quy định.
Trên phạm vi cả nước còn tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản. Năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện thực hiện 70 cuộc kiểm tra, qua kiểm tra đã phát hiện 12 tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật, ban hành 12 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Một số địa phương phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm về khoáng sản, như: Nghệ An gần 5 tỷ đồng, Đồng Nai 2,3 tỷ đồng, Hà Giang hơn 2 tỷ đồng...
Riêng Quý III/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện kiểm tra 09 cuộc theo kế hoạch tại 09 tỉnh với 82 tổ chức; kiểm tra 26 cuộc đột xuất tại 26 tỉnh và thành phố đối với 26 tổ chức. Qua đó phát hiện 53 tổ chức có vi phạm liên quan đến: Khai thác không đúng thiết kế mỏ được phê duyệt; lập, phê duyệt, sử dụng thiết kế mỏ có nội dung không phù hợp với giấy phép khai thác khoáng sản; lập không đầy đủ sổ sách, chứng từ, văn bản, tài liệu liên quan để xác định sản lượng khai thác thực tế hàng năm; không lắp đặt trạm cân tại nơi vận chuyển khoáng sản nguyên khai ra khỏi mỏ để theo dõi, lưu trữ thông tin liên quan; thực hiện không đầy đủ số lượng, khối lượng các hạng mục công trình, các giải pháp đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn, phục hồi đất đai xác định trong đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, vấn đề vi phạm quy định về lâm nghiệp có giảm, nhưng vẫn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép gây lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên rừng, như: Thanh Hóa xử lý 236 vụ vi phạm hành chính liên quan đến tài nguyên rừng, Bắc Giang tịch thu gần 16 nghìn m² gỗ, thu nộp ngân sách gần 01 tỷ đồng; Lâm Đồng xử lý 200 vụ, tịch thu gần 1000 m² gỗ tròn/gỗ xẻ; Kiên Giang thu hồi gần 200 ha rừng bị lấn chiếm; Thái Nguyên tịch thu hàng trăm m² gỗ tròn ....
|
|
Nhiều khu rừng đang bị tàn phá, xâm phạm nghiêm trọng, gây thất thoát, lãng phí tài nguyên của đất nước. (Ảnh minh họa: ITN) |
Công tác thanh tra, kiểm tra góp phần giảm thiểu, ngăn ngừa nguy cơ lãng phí tài nguyên của đất nước
Trước thực trạng nói trên, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã bám sát định hướng chương trình thanh tra và sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Nghị quyết 74/2022/QH15 của Quốc hội.
Trong công tác xây dựng định huớng, chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm, ngành Thanh tra đã lồng ghép nội dung thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào nội dung thanh tra, kiểm tra trách nhiệm, hành chính. Trong đó, chú trọng lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản... với tinh thần quyết liệt, sai đến đầu kiến nghị xử lý tới đó, áp dụng kịp thời các biện pháp theo thẩm quyền nhằm phát hiện, ngăn chặn, phòng ngừa, xử lý các hanh vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thu hồi tiền, tài sản nhà nước do các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị gây ra.
Đẩy nhanh tiến độ ban hành kết luận thanh tra; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật; quan tâm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra. Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra. Kết quả công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục đóng góp quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và góp phần tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Trong năm 2023, ngành Thanh tra cả nước đã triển khai gần 7,7 nghìn cuộc thanh tra hành chính và gần 200 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (đã lồng ghép nội dung thanh tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vào nội dung thanh tra trách nhiệm, thanh tra hành chính); phát hiện vi phạm về kinh tế gần 300 nghìn tỷ đồng, hơn 600 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 200 nghìn tỷ đồng (trong đó thu hồi về ngân sách nhà nước gần 60 nghìn tỷ đồng, thu hồi về tổ chức, đơn vị hơn 130 nghìn tỷ đồng) và thu hồi gần 170 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý gần 70 nghìn tỷ đồng, 450 ha đất; ban hành gần 130 nghìn quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, với số tiền gần 6,5 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính đối với hơn 5,5 nghìn tập thể và gần 8 nghìn cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý gần 500 vụ/ gần 500 đối tượng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn ngành Thanh tra đã triển khai hơn 6 nghìn cuộc thanh tra hành chính và hơn 80 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế hàng trăm nghìn tỷ đồng, hơn 300 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi gần 80 nghìn tỷ đồng và 25 ha đất; ban hành gần 60 nghìn quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền gần 3 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính hàng nghìn tập thể và gần 6000 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý gần 200 vụ, với hàng trăm đối tượng.
Qua công tác thanh, kiểm tra, ngành Thanh tra kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, vốn nhà nước và đặc biệt là góp phần giảm thiểu, ngăn ngừa nguy cơ lãng phí các nguồn lực, tài nguyên của đất nước.
Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra - đẩy lùi lãng phí tài nguyên của đất nước
Trong bài viết về “Chống lãng phí” đăng trên Tạp chí Xây dựng Đảng ngày 14/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây cũng là thời điểm để định hình tương lai của chúng ta. Để nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực chăm lo cho Nhân dân, làm giàu cho đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, xây dựng tương lai tốt đẹp, công tác phòng, chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, đồng bộ với những giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, trở thành tự nguyện, tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân, văn hóa ứng xử trong thời đại mới.”
Để nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tài nguyên của đất nước, Chính phủ yêu cầu:
Cần tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản; kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế; nâng cao chất lượng quy hoạch để bảo đảm khai thác, sử dụng đất, tài nguyên, khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, bền vững, giảm thiểu thất thoát, lãng phí, tác động tiêu cực đến môi trường; tập trung xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất theo các định hướng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW. Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên đất theo đúng Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin việc lập và giám sát, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dự báo, cảnh báo điều tra, đánh giá, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai và hội nhập quốc tế. Công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; rà soát, đánh giá đúng thực trạng các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất trên phạm vi toàn quốc, đề xuất các giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm giải phóng nguồn lực đất đai, đẩy nhanh việc thực hiện dự án, đưa đất đai vào sử dụng có hiệu quả, phát huy nguồn lực đất đai.
Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và pháp luật chuyên ngành. Trong đó, tập trung các lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Thanh tra đã xây dựng Định hướng Chương trình Thanh tra năm 2025, trong đó có những nội dung quan trọng góp phần giảm thiểu, ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ lãng phí các nguồn tài nguyên của đất nước.
Cụ thể, các nội dung trọng tâm đó là: Thanh tra công tác quản lý nhà nước và thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai; thanh tra việc sử dụng các dự án nhà xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị; thanh tra việc thực hiện pháp luật trong quản lý, sử dụng khoáng sản và các hoạt động liên quan đến hoạt động địa chất, khoáng sản, công nghiệp khai khoáng; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực dầu khí;...
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung: Thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường đối với ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và một số tổ chức; thanh tra việc chấp hành pháp luật về đất đai; thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, trong đó tập trung đối với tổ chức do Bộ cấp giấy phép khai thác khoáng sản; thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước đối, trong đó tập trung đối với tổ chức do Bộ cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đối với các dự án được giao, sử dụng khu vực biển; đồng thời, thực hiện thanh tra đột xuất theo quy định của pháp luật./.
K. Dung