Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác PCTN của ngành KH&CN còn một số vướng mắc như, công tác tự giám sát, kiểm tra, thực hiện công khai trong quản lý còn một số vấn đề tồn tại; một số đơn vị, cá nhân chưa hiểu hết về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác PCTN và công tác tự kiểm tra, giám sát; công tác xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đang gặp nhiều vướng mắc.
Những vướng mắc trên xuất phát từ những nguyên nhân sau: Hệ thống pháp luật chưa thống nhất giữa các quy định về lĩnh vực KH&CN với các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thiếu một số quy định quan trọng (trường hợp khẩn cấp, đặc biệt); một số quy định pháp luật còn chưa phù hợp với thực tiễn. Công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt về PCTN tại một số đơn vị chưa cụ thể; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, thiết thực.
Trong thời gian tới, Bộ KH&CN tiếp tục thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, cụ thể: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua việc tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến và quán triệt các quy định mới của pháp luật về PCTN đối với các đơn vị trực thuộc Bộ; tuyên truyền đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động về Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (Khóa XII) về việc đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phổ biến đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động thuộc Bộ về Nghị quyết số 81/NQ-BCSĐ ngày 17/11/2022 của BCSĐ Bộ KH&CN về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lĩnh vực KH&CN; và tuyên truyền, cung cấp kịp thời các thông tin về cơ chế, chính sách và các kết quả hoạt động KH&CN đến cơ quan quản lý các cấp, các ngành và nhân dân.
Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch hóa
Năm 2024, Bộ KH&CN tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật thuộc thẩm quyền và đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt chú trọng các quy định pháp luật về quản lý nhiệm vụ KH&CN. Hiện nay, Bộ KH&CN dự kiến trình Quốc hội xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN theo hướng tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước.
BCSĐ và Lãnh đạo Bộ KH&CN tiếp tục chỉ đạo thực hiện việc kê khai, công khai về tài sản, thu nhập theo quy định; tổ chức việc xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch được phê duyệt; thực hiện chế độ báo cáo về công tác kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; các khâu trong quản lý, đặc biệt là trong việc xét, tuyển chọn, giao trực tiếp, tài trợ thực hiện nhiệm vụ KH&CN và việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN và hoạt động của các cơ quan, đơn vị; cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị trực thuộc Bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đến giải quyết công việc.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ nhằm phòng ngừa, phát hiện dấu hiệu, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực có thể xảy ra trong hoạt động của các đơn vị trực thuộc Bộ và hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN; rà soát, xác định các khâu, lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, được dư luận xã hội quan tâm trong cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ nhằm phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật để kịp thời xử lý theo quy định pháp luật.
Đồng thời, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ ngày 06/6/2023 của BCSĐ Thanh tra Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra.
Ngoài ra, Bộ KH&CN tiếp tục thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo yêu cầu tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ./.