Thừa Thiên Huế:

Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

Thứ ba, 02/04/2024 18:00
(ThanhtraVietNam) - Công tác phòng ngừa tham nhũng đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt với các biện pháp như tăng cường tính công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ…

Cụ thể, về thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công khai, minh bạch các hoạt động của cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) gắn với cải cách thủ tục hành chính, trong đó tập trung công khai ở các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: công khai các thủ tục hành chính, công khai việc phân bổ, sử dụng ngân sách Nhà nước, công khai mua sắm tài sản công, công khai việc tuyển dụng công chức, viên chức và các chính sách xã hội...; tăng cường phân cấp quản lý cho các cấp, các ngành; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức kinh tế.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức công khai các hoạt động của cơ quan, đơn vị như: việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động; dự toán ngân sách năm 2024; việc giao biên chế tại các cơ quan quản lý Nhà nước và phân bổ người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập; công tác quy hoạch cán bộ; công khai nội quy, quy chế làm việc và các thủ tục hành chính mới được sửa đổi, thay thế,...

leftcenterrightdel
Thừa Thiên Huế  thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng (Ảnh: thuathienhue.gov.vn)

Trong thời gian qua, đã có 43 cơ quan, đơn vị được kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động. Qua kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót góp phần vào việc phòng ngừa tham nhũng phát sinh.

Về xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã ban hành mới 65 văn bản và sửa đổi, bổ sung 47 văn bản liên quan đến các chế độ, định mức, tiêu chuẩn trên các lĩnh vực tài chính, đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng tài sản công, giá giao đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Cơ quan thanh tra các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện 04 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ tại các đơn vị, địa phương. Đến thời điểm báo cáo chưa có vi phạm quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

Về thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấp hành tốt các quy tắc ứng xử nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính các cấp; Chỉ thị của UBND tỉnh về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động bộ máy Nhà nước trên địa bàn tỉnh… Thông tư số của Thanh tra Chính phủ quy định quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thanh tra và cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, đã có 82 cơ quan, đơn vị được kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử. Qua kiểm tra, không có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử.

Về chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 54 công chức, viên chức.

Về thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt, có 2.022 thủ tục hành chính được áp dụng trên địa bàn tỉnh, trong đó có 1.859 thủ tục hành chính được áp dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần tại các cơ quan, đơn vị.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực nhằm phát triển Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và chuyển đổi số; đồng thời thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh đảm bảo 100% văn bản đến và văn bản đi đều được theo dõi, xử lý trên môi trường mạng; thực hiện tốt việc khai thác và quản lý mạng tin học diện rộng, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các trang thông tin điện tử.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã được các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc. Đến nay, 100% các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện đã thực hiện việc trả lương cho công chức, viên chức và người lao động qua tài khoản; việc thanh toán các dịch vụ, mua sắm văn phòng phẩm, trang thiết bị, tài sản và các khoản thanh toán khác đều thực hiện bằng hình thức chuyển khoản.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai cho công chức, viên chức và người lao động cài đặt ví điện tử trên HueS để thanh toán các dịch vụ của gia đình như tiền điện, nước, cước phí internet, điện thoại,…

Về thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 367/KH-UBND về triển khai công tác kê khai, công khai tài sản, thu nhập. Trên cơ sở đó, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc kê khai, tiếp nhận, bàn giao cho Cơ quan kiểm soát có thẩm quyền theo quy định. Theo báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương có 3.863 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập; 100% bản kê khai tài sản, thu nhập được công khai theo quy định.

Căn cứ vào định hướng xác minh tài sản, thu nhập của Thanh tra Chính phủ tại Công văn số 2767/TTCP-C.IV , UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 137/QĐ-UBND  phê duyệt Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên cơ sở đó, Thanh tra tỉnh đã tổ chức bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên 32 người tại các cơ quan, đơn vị để xác minh tài sản, thu nhập năm 2024.

Đồng thời, để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác kê khai tài sản, thu nhập của các cơ quan, đơn vị, địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 991/UBND-NC về việc chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong việc tổ chức kê khai tài sản, thu nhập.

Có thể nói, công tác PCTN, tiêu cực đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt với các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan, đơn vị như tăng cường tính công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động. Trong đó, tập trung vào công tác quản lý nhà nước ở những lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng: tài chính ngân sách Nhà nước, quản lý đầu tư xây dựng, các dự án đầu tư công và tài sản công, quản lý sử dụng đất; tổ chức cán bộ; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thực hiện quy tắc ứng xử và chuyển đổi vị trí công tác, thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và cải cách hành chính./.

An Khang

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra