Ngay đầu năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Cùng với quyết tâm cao của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân nên công tác PCTN, tiêu cực trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
UBND tỉnh Quảng Bình nhận định, tình hình tham nhũng hiện vẫn đang được kiềm chế. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, đặc biệt đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, như: Quản lý thu chi ngân sách, tài sản công, đầu tư xây dựng, quản lý đất đai... Qua đó, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; củng cố niềm tin của Nhân dân, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Hành vi tham nhũng ngày càng phức tạp, tinh vi, khó phát hiện
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế. Đó là việc tuyên truyền và nội dung tuyên truyền, giáo dục về PCTN chưa thật sự hấp dẫn; số Báo, Đài có chuyên trang, chuyên mục về PCTN còn ít và chưa duy trì thường xuyên. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng về công tác PCTN còn hạn chế, dẫn tới hiệu quả việc phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về PCTN chưa cao.
Việc công khai, dân chủ trong hoạt động của một số cơ quan, đơn vị còn mang tính hình thức. Một số chế độ, định mức, tiêu chuẩn chậm được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn, nhất là các quy định về chi tiêu tài chính. Tình trạng vi phạm về chế độ, định mức, tiêu chuẩn vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị. Trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, vẫn còn một số ít cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn có biểu hiện nhũng nhiễu, gây khó khăn cho Nhân dân và doanh nghiệp.
Công tác phát hiện các vụ việc, vụ án tham nhũng còn ít. Hơn nữa, việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu; các vụ việc tham nhũng được phát hiện chủ yếu thông qua tin báo tội phạm, báo chí, phản ánh của Nhân dân.
|
|
Toàn cảnh Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: quangbinh.gov.vn) |
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN, tiêu cực, lãng phí. Lực lượng công chức làm công tác thanh tra, PCTN ở cấp huyện, các sở, ngành thường xuyên có biến động dẫn đến những công chức mới công tác trong ngành thiếu kinh nghiệm trong thực tiễn. Đặc biệt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức thuộc các cơ quan chức năng có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, PCTN nhũng còn hạn chế, nên hiệu quả phát hiện tham nhũng chưa cao.
Ngoài ra, công tác tự kiểm tra, giám sát của một số cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên; việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp sai phạm còn thiếu kiên quyết; cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực còn có sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để vi phạm. Đáng nói, hành vi vi phạm ngày càng phức tạp, tinh vi, khó phát hiện.
Thực hiện đồng bộ 5 nhiệm vụ, giải pháp
Nhận định tình hình tham nhũng hiện vẫn đang được kiềm chế và công tác PCTN trên địa bàn có chuyển biến tích cực song UBND tỉnh Quảng Bình đánh giá trên thực tế vẫn còn có một số sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng.
Do đó, UBND tỉnh xác định nhiệm vụ trong năm 2025 là tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, trong đó tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt 5 nhiệm vụ, giải pháp.
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nội chính, PCTN và cải cách tư pháp. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực tại các Phiên họp Ban Chỉ đạo, Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo và các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo về PCTN, tiêu cực tỉnh; nhất là trong công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.
Hai là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, nhất là Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí”; Chỉ thị số 12/CT- TTg ngày 28/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Luật PCTN, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn thi hành...
Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Các cơ quan chức năng, như: Nội chính, Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tích cực, chủ động tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, phát hiện xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, như: Quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên, khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước; tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ; ngăn chặn, xử lý nghiêm những biểu hiện “lợi ích nhóm”, doanh nghiệp “sân sau”,...
Bốn là, tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; kiểm tra, xác minh kịp thời các đơn thư tố cáo có nội dung liên quan tham nhũng, tiêu cực.
Năm là, phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, của Nhân dân, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông và mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong PCTN; biểu dương, khen thưởng những tấm gương điển hình và có biện pháp bảo vệ người tố cáo để khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia PCTN./.