Ninh Bình:

Tỉ lệ thu hồi tài sản bị thiệt hại do tham nhũng đạt 97,9%

Thứ sáu, 15/09/2023 14:42
(ThanhtraVietNam) - Gần 1 năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC). Qua đó, đã góp phần nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản bị thiệt hại do tham nhũng, năm 2023 đạt 97,9% so với năm 2022 là 90,6%.

Tỉnh Ninh Bình những năm gần đây kinh tế phát triển mạnh, thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, đấu thầu, thực hiện chính sách an sinh xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đòi hỏi các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa các giải pháp ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực; thực hiện công khai minh bạch, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát nội bộ cơ quan, đơn vị, ngăn chặn, phát hiện xử lý kịp thời các tham nhũng, tiêu cực.

Chính vì vậy, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch các hoạt động theo quy định của pháp luật về PCTN, tập trung công khai trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: đầu tư công, quản lý tài chính - ngân sách, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, thực hiện chính sách xã hội, công tác cán bộ, y tế, giáo dục, thuế, phí, các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng nông thôn mới, công khai theo quy định ở các lĩnh vực, ngành. Công bố công khai địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng, cổng/trang thông tin điện tử của các đơn vị, của tỉnh để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tập trung công khai ở các lĩnh vực dễ xẩy ra tham nhũng để cán bộ, công chức, nhân dân tham giám sát, phát hiện xử lý kịp thời các hành vi nhũng nhiễu, vi phạm tham nhũng.

leftcenterrightdel
 Hội nghị phiên thường kỳ UBND tỉnh Ninh Bình. Ảnh: noichinh.vn

Rà soát, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức kinh tế; công khai quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản công, các tiêu chuẩn, định mức; công tác cán bộ, bổ nhiệm, luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng, khen thưởng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành công vụ.

Bên cạnh  đó, các cơ quan, đơn vị tiếp tục sửa đổi, bổ sung các chế độ, định mức, tiêu chuẩn và ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý tài sản công, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, công khai dân chủ, triển khai 11 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn trong cơ quan, đơn vị. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ củu mình đã ban hành mới 31 văn bản, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 14 văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ liên quan đến lĩnh vực tài chính; tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành mới 07 văn bản quy định về định mức, tiêu chuẩn, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 05 văn bản về định mức, tiêu chuẩn.

Sở Nội vụ đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với 18 đơn vị (trong đó có 15 đơn vị cấp xã; 3 đơn vị sở ngành, huyện, thành phố) về thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, văn hóa giao tiếp với nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Qua đó, đã chỉ rõ những ưu điểm hạn chế, kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu các đơn vị khắc phục.  

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-UBND ngày 13/01/2023 về việc chuyển đổi vị trí công tác năm 2023 trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện rà soát đối tượng, xây dựng kế hoạch, thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức tập trung các lĩnh vực, ngành, nghề định kỳ phải chuyển đổi vị trí công tác theo quy định để nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ và các quy định về phòng, ngừa tham nhũng. Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 145 lượt cán bộ, công chức, viên chức.

Thực hiện Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn và Quyết định số 56-QĐ/TW ngày 08/02/2022 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát TSTN, Thanh tra tỉnh đã đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện việc kê khai, công khai TSTN năm 2022 theo quy định. Kết quả, đã có 40/40 cơ quan, đơn vị với 1.420/1.420 người có nghĩa vụ kê khai TSTN do Thanh tra tỉnh kiểm soát; 100% đã kê khai và công khai bằng hình thức niêm yết hoặc công khai tại cuộc họp.

Đáng chú ý, các cơ quan tố tụng tỉnh Ninh Bình đã tiến hành điều tra, khởi tố 06 vụ, 14 bị can (kỳ trước chuyển sang 02 vụ 07 bị can) phạm tội về tham nhũng với các tội danh “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hiện đã đưa ra xét xử 02 vụ, 07 bị can. Số lượng các vụ việc, vụ án tham nhũng trong năm 2023 bằng cùng kỳ năm trước; tuy nhiên thiệt hại về tài sản giảm, mức độ nghiêm trọng của vụ việc tham nhũng có chiều hướng giảm. Đặc biệt, tỉ lệ thu hồi tài sản bị thiệt hại do tham nhũng tăng so với cùng kỳ năm trước, năm 2023 đạt 97,9% so với năm 2022 là 90,6%.

Nhìn chung, công tác PCTN, TC được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh nhất là Ban chỉ đạo PCTN, TC của tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành; UBND tỉnh đã kịp thời xây dựng các chương trình, kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện, tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành, người đứng đầu đơn vị thực hiện các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, tiêu cực, tham nhũng trong từng ngành, cơ quan, đơn vị, đề cao ý thức trách nhiệm người đứng đầu; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tình hình để ngăn chặn, phát hiện xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, qua đó đã có chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động trong công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Bình cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong kế hoạch PCTN, TC năm 2023; trọng tâm là tăng cường theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo PCTN, TC Trung ương; Thanh tra Chính phủ; các Nghị quyết, Quy định của Trung ương, Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; triển khai thực hiện các Chương trình, Kế hoạch của Tỉnh ủy, HĐND trong công tác PCTN, TC đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Hai là, đẩy mạnh phân cấp quản lý, cải cách hành chính, cải cách thể chế, tài chính, công tác cán bộ, thực hiện có hiệu quả việc công khai, đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị; thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn đúng quy định; thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác, việc tặng quà, nộp lại quà tặng, quy tắc ứng xử …, chú trọng quy định những việc không được làm liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Ba là, phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nội chính trong trao đổi, cung cấp thông tin, xử lý thông tin về tham nhũng, tiêu cực; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các tổ chức và công dân liên quan đến công tác PCTN, TC; phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong PCTN, TC./.

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra