Bình Định:

Tình hình tiêu cực, tham nhũng trên một số lĩnh vực từng bước được kiềm chế

Thứ ba, 20/09/2022 08:23
(ThanhtraVietNam) - Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được UBND tỉnh Bình Định và các ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên, kiên quyết, đạt được những kết quả tích cực. Người đứng đầu nhiều ngành, địa phương đã thể hiện ngày càng rõ hơn trách nhiệm và quyết tâm chính trị trong công tác PCTN.

Đó là đánh giá của UBND tỉnh Bình Định tại Báo cáo tự đánh giá công tác PCTN năm 2021 của UBND tỉnh.

Triển khai 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Trong năm 2021, UBND tỉnh và các ngành, địa phương đã ban hành 130 văn bản chỉ đạo triển khai kế hoạch PCTN và một số nhiệm vụ khác có liên quan theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ. Cụ thể, UBND tỉnh, UBND 11/11 huyện, thị xã, thành phố và 21/21 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch PCTN năm 2021 và Kế hoạch thực hiện Chương trình công tác năm 2021.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Kế hoạch PCTN năm 2021 của UBND tỉnh đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng hoàn thiện, đồng bộ cơ chế, chính sách, pháp luật, góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng; tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân, nhất là người đứng đầu về công tác PCTN; tổ chức thực hiện thường xuyên, kiên quyết, đồng bộ, toàn diện, bảo đảm có hiệu lực, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa tham nhũng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN; tăng cường công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, thực hiện kiên quyết các biện pháp thu hồi tiền, tài sản bị thất thoát trong các vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan trong PCTN.

Theo UBND tỉnh Bình Định, các văn bản do UBND tỉnh và các ngành, địa phương ban hành về công tác PCTN trong năm 2021 bảo đảm kịp thời; quán triệt và cụ thể hóa các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp PCTN đã đề ra trong các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, Luật PCTN, Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đặc biệt, đã quan tâm bố trí hợp lý các nguồn lực và phân công cụ thể trách nhiệm, quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan để bảo đảm tổ chức thực hiện có hiệu quả, đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Ngoài việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, trong kỳ, UBND tỉnh và các ngành, địa phương đã chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ khác có liên quan, như: Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt, triển khai Kế hoạch thanh tra năm 2021, tập trung có trọng tâm, trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, vi phạm chính sách, pháp luật, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân. Đồng thời, đã kịp thời chỉ đạo thanh tra đột xuất đối với những vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, liên quan đến hành vi tham nhũng.

Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện hiệu quả

Năm 2021, việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được UBND tỉnh Bình Định triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đồng bộ. Theo đó, UBND tỉnh và các ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại Điều 10 của Luật PCTN năm 2018 và các quy định pháp luật khác có liên quan. Mặt khác, báo cáo công khai, giải trình kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp của HĐND cùng cấp về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quyết toán, dự toán ngân sách nhà nước; danh mục các dự án và việc phân bổ vốn đầu tư công…

Đặc biệt, về công tác cải cách hành chính năm 2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) và Chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) trên địa bàn tỉnh năm 2021. Kết quả Chỉ số PAR Index của tỉnh Bình Định năm 2021 đạt 87.70%, xếp thứ hạng 30/63 tỉnh, thành phố, tăng 2.73 điểm và 1 bậc so với năm 2020.

leftcenterrightdel
 Hội nghị trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Bình Định về chuyên đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. (Ảnh: binhdinh.gov.vn) 

Năm 2021, các ngành, địa phương đã tiến hành 31 cuộc kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN, trong đó có việc xây dựng và thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ tại 36 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua thanh tra, kiểm tra phát hiện 1 đơn vị có sai phạm về định mức, tiêu chuẩn, chế độ, đã kiến nghị thu hồi về cho Nhà nước 261 triệu đồng, xử lý trách nhiệm 2 cá nhân vi phạm.

Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn tại các ngành, địa phương bảo đảm công khai minh bạch; đúng nguyên tắc, phương thức, thời hạn, trình tự thủ tục quy định; chưa để phát sinh khiếu nại, tố cáo. Kết quả, đã có 13/21 sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và 4/11 UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng và thực hiện kế hoạch định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với 215 người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

Bên cạnh đó, tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc kê khai, công khai bản tải sản, thu nhập (TSTN) năm 2021 đối với người có chức vụ, quyền hạn bảo đảm đúng đối tượng, trình tự thủ tục, thời gian theo quy định. Kết quả đã có 3.979 người có chức vụ, quyền hạn tại 606 cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc kê khai TSTN hàng năm và kê khai bổ sung theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ, đạt tỷ lệ 100% cơ quan, tổ chức, đơn vị và 100% số người có nghĩa vụ kê khai TSTN hàng năm và kê khai bổ sung năm 2021 theo quy định.

Đáng chú ý, UBND tỉnh đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai việc nắm thông tin, tình hình về các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội có huy động các khoản đóng góp của Nhân dân để hoạt động từ thiện trên địa bàn tỉnh để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện việc áp dụng phù hợp các biện pháp PCTN trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài khu vực nhà nước theo quy định. Trong kỳ, Công an tỉnh đã phát hiện, khởi tố, điều tra 1 vụ án kinh tế, tham nhũng tại 1 doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Đề xuất sớm ban hành quy định về quy tắc ứng xử, chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn

 Cùng với những ưu điểm, kết quả đạt được, UBND tỉnh Bình Định cho biết, công tác PCTN trên địa bàn tỉnh trong năm 2021 còn một số mặt tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: Hiệu quả công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN theo Đề án 861/QĐ-TTg nhìn chung chưa cao so với yêu cầu, một số ngành, địa phương chỉ đạo xây dựng và thực hiện Kế hoạch công tác PCTN năm 2021, Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn dàn trải, chưa xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trọng điểm, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hơn nữa, công tác giám sát, tự kiểm tra nội bộ của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Số vụ việc tham nhũng phát hiện qua công tác tự kiểm tra, giám sát nội bộ, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chưa nhiều...

Theo UBND tỉnh Bình Định, nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị cơ sở chưa quan tâm thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN trong phạm vi thuộc thẩm quyền quản lý. Công tác tham mưu, quản lý nhà nước về PCTN của cơ quan Thanh tra cấp huyện, cấp sở chưa đáp ứng kịp yêu cầu của tình hình do thiếu biên chế chuyên trách.

Ngoài ra, việc phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng còn nhiều khó khăn; số vụ việc được phát hiện chưa nhiều do hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp. Một số quy định của Luật PCTN năm 2018 chưa được các cơ quan Trung ương hướng dẫn kịp thời, cụ thể nên việc triển khai còn chậm, lúng túng, chưa thống nhất.

Chính vì vậy, UBND tỉnh Bình Định kiến nghị Thanh tra Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn để bảo đảm thực hiện thống nhất việc áp dụng các biện pháp PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức xã hội khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ quy định về quy tắc ứng xử, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ để bảo đảm thực hiện thuận lợi, đồng bộ, thống nhất./.
Minh Nguyệt
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra