Tỉnh Trà Vinh xác định “phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực là chính”

Thứ tư, 11/01/2023 19:10
(ThanhtraVietNam)-  Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh luôn xác định phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách, kịp thời.

Nhiều biện pháp phòng ngừa 

Quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh về PCTN, TC, theo đánh giá của UBND tỉnh Trà Vinh, năm 2022, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã chủ động cụ thể hóa, thực hiện tốt các giải pháp PCTN, TC, góp phần hạn chế đến thấp nhất tình trạng tham nhũng, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực đã và đang tiếp tục được triển khai thực hiện và thực hiện hiệu quả. Trong đó, có việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc xây dựng, ban hành và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, thanh toán không dùng tiền mặt; thực hiện các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn… 

Cụ thể, để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, năm 2022, toàn tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về công khai, minh bạch tại 20 cơ quan, đơn vị. Qua đó, phát hiện một số đơn vị có vi phạm. Tuy nhiên, những vi phạm chưa đến mức xử lý kỷ luật, đoàn thanh tra đã kiến nghị thu hồi tiền, kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. Năm 2022, cơ quan Thanh tra các cấp trong tỉnh thực hiện 09 cuộc thanh tra tại 12 đơn vị (trong đó, có 03 cuộc thanh tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng; 06 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng). Đã ban hành kết luận 04 cuộc (trong đó, có 01 cuộc thanh tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng; 03 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng).

Qua kết quả thanh tra, kiến nghị thu hồi 1.069,2 triệu đồng (đã thu hồi đạt 100%), kiến nghị khác 574,8 triệu đồng; đồng thời kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 42 cá nhân, kiểm điểm rút kinh nghiệm 18 cá nhân.

Tiếp tục thực hiện tốt chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định; tỉnh Trà Vinh đã ban hành mới 10 văn bản; sửa đổi, bổ sung 16 văn bản về thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn; triển khai 14 cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ… Qua thanh tra, kiểm tra, phát hiện một số đơn vị có vi phạm trong quá trình xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ có những nội dung chưa đảm bảo được tính cụ thể, còn thiếu sót trong nghiên cứu văn bản, dẫn đến việc chi không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ, như chi không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ về khoán tiền công tác phí, tiền điện thoại, chi vượt định mức nhiên liệu xe ô-tô... đoàn thanh tra cũng đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân có liên quan.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tiếp tục tăng cường theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn. Trong năm, đã kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn tại 295 cơ quan, đơn vị; qua kiểm tra chưa phát hiện vi phạm.

Thực hiện Nghị định số 59/2019/NĐ-CP, ngày 01/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, toàn tỉnh đã chuyển đổi vị trí công tác của 77 cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, ở Công an tỉnh (22 trường hợp), Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh (09 trường hợp), Sở Tài nguyên và Môi trường (07 trường hợp), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (01 trường hợp), Sở Giáo dục và Đào tạo (04 trường hợp), huyện Càng Long (02 trường hợp), huyện Châu Thành (13 trường hợp), thị xã Duyên Hải (05 trường hợp), thành phố Trà Vinh (14 trường hợp).

Kết quả thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, thanh toán không dùng tiền mặt cũng góp phần quan trọng đối với công tác PCTN, TC. Các thủ tục hành chính thường xuyên được rà soát, bổ sung, công bố mới kịp thời, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định.

Các đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch số 39/KH-UBND, ngày 10/5/2019 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP và các văn bản của Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành. Theo đó, việc tổ chức thực hiện chính quyền điện tử, dịch vụ công theo cơ chế 01 cửa, 01 cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng quy trình giải quyết công việc hành chính theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đạt kết quả tích cực, hạn chế tối đa việc gây phiền hà, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức khi tiếp nhận xử lý công việc.

Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương đổi mới phương thức thanh toán, hạn chế sử dụng tiền mặt theo Chỉ thị số 20/2007/CT-TTg, ngày 24/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước, đến nay, toàn tỉnh có gần 22.000 cá nhân được thực hiện trả lương qua tài khoản ATM…

Tăng cường thanh tra các lĩnh vực dư luận quan tâm

Để công tác PCTN, TC tiếp tục đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới, UBND tỉnh đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt. Trong đó, cần triển khai thực hiện đồng bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý nhà nước và các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Tiếp tục thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập đúng theo quy định tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; Quyết định số 56-QĐ/TW, ngày 02/8/2022 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Tăng cường công tác kiểm soát, xác minh tài sản thu nhập theo đúng quy định…

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong công tác đấu tranh PCTN, TC; chỉ đạo thực hiện nghiêm việc kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ; tăng cường kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; nhất là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chức năng PCTN, TC.

Riêng đối với ngành Thanh tra trong tỉnh, cần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra; tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc nhằm kịp thời phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật./.

Khánh Nghi
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra