Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong công tác PCTN, TC
Từ đầu năm đến nay, Ban Nội chính Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh và các cơ quan khối nội chính đã phối hợp tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy triển khai, quán triệt, cụ thể hóa, thực hiện kịp thời các văn bản của Trung ương về công tác nội chính, PCTN, TC và cải cách tư pháp, nhất là ban hành các văn bản thực hiện các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN, TC trong công tác cán bộ; kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Bên cạnh đó, vai trò của các Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, cải cách tư pháp tỉnh, giải quyết các vụ án, vụ việc tồn đọng, kéo dài, công tác dân tộc, tôn giáo tỉnh được phát huy tốt. Các cơ quan khối nội chính và các địa phương, chủ động nắm tình hình, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo, đấu tranh vô hiệu hóa, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, duy trì trật tự, an toàn xã hội.
Theo đó, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, vụ việc được quan tâm chỉ đạo. Công tác cải cách tư pháp tiếp tục có chuyển biến tốt, các cơ quan tư pháp đề ra nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp.
Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp thụ lý 756 nguồn tin về tội phạm, đã giải quyết 523 nguồn tin, đạt 69%. Về án, Viện Kiểm sát nhân dân thụ lý 346 vụ, đã giải quyết 308 vụ, đạt tỷ lệ 89%; truy tố 306 vụ /537 bị can. Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý 6.155 vụ, đã giải quyết, xét xử 3.361 vụ, đạt tỷ lệ 54%, so với cùng kỳ 06 tháng đầu năm 2023, thụ lý tăng 678 vụ, giải quyết tăng 697 vụ, án tạm đình chỉ giảm 36 vụ.
|
|
Một phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Trà Vinh (ảnh: travinh.gov.vn) |
Công tác PCTN, TC luôn được quan tâm, các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xác minh, truy tố các vụ án, vụ việc tham nhũng theo quy định. Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực bằng nhiều cách như các cơ quan, đơn vị, địa phương công khai minh bạch trong hoạt động của đơn vị gắn với công khai minh bạch cải cách thủ tục hành chính… Thực hiện thanh toán chuyển khoản trong mua sắm không dùng tiền mặt và trả lương qua tài khoản ATM cho 88.170 người để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập đối với 199 trường hợp.
Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực được tăng cường. Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra, giám sát 50 tổ chức đảng, 65 đảng viên; thanh tra các cấp thực hiện 42 cuộc, đã ban hành 22 kết luận thanh tra. Qua kiểm tra, giám sát, thanh tra đã kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh các hạn chế, sai sót.
Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh đã trực tiếp kiểm tra 05 cuộc đối với 05 cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện về kiểm soát quyền lực, PCTN, TC và thực hiện cơ chế phối hợp phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Công tác phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được tập trung chỉ đạo thực hiện.
Công tác cải cách tư pháp được tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp được quan tâm. Trên địa bàn tỉnh có 21 tổ chức hành nghề luật sư, với tổng số 72 luật sư; 08 văn phòng công chứng với 16 công chứng viên; 04 tổ chức đấu giá tài sản với 07 đấu giá viên, các đơn vị thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Tiếp tục rà soát, giải quyết các vụ án, vụ việc tồn đọng, kéo dài
Để công tác nội chính của tỉnh đạt được kết quả ngày càng cao hơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kim Ngọc Thái, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo rà soát, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, các vụ án, vụ việc tồn đọng, kéo dài và các vụ việc mới phát sinh có yếu tố phức tạp trên địa bàn đề nghị, trong thời gian tới, Ban Nội chính Tỉnh ủy với vai trò, chức năng, nhiệm vụ quan trọng tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phát huy thành tích, kinh nghiệm đạt được trong nhiều năm qua, cố gắng khắc phục những hạn chế, tồn tại.
Tiếp tục tăng cường triển khai, cụ thể hóa thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các văn bản của Trung ương, của tỉnh trong lĩnh vực nội chính, PCTN, TC và cải cách tư pháp. Phát huy tốt vai trò hoạt động của các Ban Chỉ đạo. Tăng cường phối hợp nắm chắc tình hình, chủ động các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm, xử lý kịp thời, hiệu quả vấn đề nổi lên, không để hình thành điểm nóng, không để bị động, bất ngờ, giữ vững an ninh, chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phấn đấu kéo giảm các loại tội phạm, kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông. Xử lý tốt các vấn đề có liên quan đến công tác dân tộc, công tác tôn giáo. Bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện quan trọng của tỉnh.
Quan tâm theo dõi, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm theo quy định của pháp luật. Thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW, Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị và Quy định số 3282-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác tiếp dân, đối thoại, xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Quan tâm công tác hòa giải ở cơ sở. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương, tập trung xử lý không để tồn đọng đơn thư khiếu nại, tố cáo kéo dài, bức xúc trong Nhân dân, không để khiếu kiện đông người, vượt cấp.
Ngoài ra, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời chấn chỉnh khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp đấu tranh PCTN, TC, xử lý nghiêm cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây khó khăn trong giải quyết thủ tục hành chính cho Nhân dân và doanh nghiệp; “bệnh sợ trách nhiệm” (làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm) trong cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện tốt chủ trương cải cách tư pháp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm, hạn chế thấp nhất việc tạm đình chỉ án. Quan tâm công tác xử lý vụ án, vụ việc và thi hành án dân sự tồn đọng. Thực hiện tốt công tác kiểm soát quyền lực, PCTN, TC trong hoạt động tố tụng. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan khối nội chính, các Tổ Nội chính cấp huyện thật sự trong sạch, đủ sức tham mưu, thực hiện hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo công tác dân tộc, tôn giáo tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong đồng bào dân tộc, tôn giáo, chủ động rà soát các vụ việc còn tồn đọng và các vụ việc mới phát sinh liên quan đến dân tộc, tôn giáo để tham mưu chỉ đạo giải quyết dứt điểm. Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, lực lượng cốt cán trong tôn giáo. Tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, giải quyết hiệu quả khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân ngay từ cơ sở và xử lý nghiêm các hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo để xuyên tạc chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo.