5 hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất
Ngày 1/1/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 03 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là nhà, đất.
Theo đó, đối tượng áp dụng quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất gồm: Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội.
Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách áp dụng cơ chế tài chính hoặc chế độ quản lý, sử dụng tài sản như đơn vị sự nghiệp công lập thì thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất như quy định áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Có 5 hình thức sắp xếp lại, xử lý nhà, đất gồm: Giữ lại tiếp tục sử dụng; thu hồi; điều chuyển; chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý; tạm giữ lại tiếp tục sử dụng.
Việc giữ lại tiếp tục sử dụng được áp dụng đối với nhà, đất đang sử dụng phù hợp với mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển đổi công năng sử dụng của tài sản, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đầu tư xây dựng, mua sắm.
So với các quy định trước đây, các hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất; sử dụng nhà, đất để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng, chuyển giao không còn được liệt kê.
Nghị định mới nêu rõ việc thu hồi nhà, đất là tài sản công được áp dụng như sau:
Một là, nhà, đất không sử dụng liên tục quá 12 tháng, trừ trường hợp đang triển khai thủ tục để thực hiện dự án đầu tư theo quy định của pháp luật mà không thuộc trường hợp thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai;
Hai là, tặng cho, góp vốn, cho mượn, cho thuê, liên doanh, liên kết, sử dụng nhà, đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự không đúng quy định, trừ nhà, đất thuộc vụ việc đã được Tòa án nhân dân có thẩm quyền thụ lý;
Ba là, nhà, đất sử dụng không hiệu quả hoặc giảm nhu cầu sử dụng do thay đối tổ chức bộ máy, thay đổi chức năng, nhiệm vụ.
|
|
Một cơ sở nhà đất có dấu hiệu bỏ hoang, không sử dụng gây lãng phí. Ảnh: Thái Minh |
Bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực
Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành công văn gửi các bộ ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước về sắp xếp, xử lý tài sản công là nhà, đất theo Nghị định số 03, Chỉ thị số 47 ngày 24/12/2024 của Thủ tướng về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng, xử lý nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước.
Cùng với yêu cầu tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 03, Chỉ thị số 47 tới các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan, đảm bảo các đối tượng chịu sự tác động nắm bắt đầy đủ, chính xác, kịp thời nội dung để triển khai thực hiện đúng quy định, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan, đơn vị cần thực hiện đầy đủ các trách nhiệm được quy định tại Điều 27 Nghị định số 03, cụ thể:
Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý hoàn thành việc lập danh mục: Nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định; Nhà, đất không thuộc phạm vi sắp xếp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị định (trong đó nêu rõ căn cứ cơ sở nhà, đất đó không thuộc phạm vi sắp xếp thuộc trường hợp nào theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị định); báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để báo cáo cơ quan có thẩm quyền lập phương án tổng hợp, theo dõi trong quá trình thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất.
Tổ chức kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; tổ chức thanh tra, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định tại Nghị định này; xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.
UBND cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tiếp nhận thông tin, xem xét, giải quyết các trường hợp hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất của các cơ quan, tố chức, đơn vị thuộc địa phương và trung ương quản lý trên địa bàn theo quy định của pháp luật về đất đai, không chờ đến khi sắp xếp lại, xử lý xong, gây khó khăn cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quá trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của địa phương về quy hoạch, đất đai, xây dựng trong việc hướng dẫn cung cấp các thông tin hành chính về quy hoạch, đất đai, xây dựng liên quan đến cơ sở nhà, đất để cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện từ bước báo cáo kê khai và đề xuất phương án, tổng hợp, kiểm tra hiện trạng, lập, phê duyệt phương án và tổ chức thực hiện.
UBND các cấp cần thực hiện quản lý về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền, trách nhiệm quy định của Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Chỉ đạo rà soát để hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đất đai (ký hợp đồng thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất) của các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai đảm bảo thời gian quy định, tránh gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời, chỉ đạo tiếp nhận nhà, đất của doanh nghiệp nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thu hồi, chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật; tránh đùn đẩy, kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí.
Kiên quyết thu hồi đất đối với doanh nghiệp nhà nước sử dụng đất không đúng mục đích Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; đất cho mượn, cho thuê không đúng quy định; đất được Nhà nước giao quản lý mà để bị lấn đất, chiếm đất; không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; không thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về đất đai,...
Cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo doanh nghiệp nhà nước chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về đấu giá, pháp luật về cổ phần hóa và pháp luật khác có liên quan.
Thực hiện hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nhà, đất tại doanh nghiệp nhà nước và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp nhà nước cần quản lý, sử dụng, xử lý nhà, đất thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật khác có liên quan, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
|
Điều 27 Nghị định số 03 quy định, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng nhà, đất có trách nhiệm:
1. Lập danh mục các cơ sở nhà, đất hiện đang quản lý, sử dụng gồm danh mục nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp, danh mục nhà, đất không thuộc phạm vi sắp xếp theo quy định tại Nghị định này (trong đó nêu rõ căn cứ cơ sở nhà, đất đó không thuộc phạm vi sắp xếp thuộc trường hợp nào theo quy định tại Nghị định này); báo cáo cơ quan quản lý cấp trên (nếu có) để báo cáo cơ quan có thẩm quyền lập phương án tổng hợp, theo dõi;
2. Báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất để báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt;
3. Tự kiểm tra việc tuân thủ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công;
4. Liên hệ với các cơ quan chức năng của địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật đối với nhà, đất bị lấn, chiếm ngay khi phát hiện;
5. Cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến nhà, đất và tình hình thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…
|