Triển khai thực hiện xác minh tài sản, thu nhập của tỉnh Tây Ninh trong năm 2022
Thứ tư, 21/09/2022 13:49 (GMT+7)
(ThanhtraVietNam) - Năm 2022, thực hiện Công văn số 248/TTCP-C.IV ngày 08/7/2022 của Thanh tra Chính phủ về định hướng xác minh tài sản, thu nhập năm 2022, Thanh tra tỉnh Tây Ninh đã có báo cáo về tiến độ thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập trong công tác phòng chống, tham nhũng.
|
|
Một góc trung tâm thành phố Tây Ninh. Ảnh H.T |
Thanh tra tỉnh Tây Ninh đã có Tờ trình số 85/TTr-TTr trình Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt nội dung kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1501/QĐ-UBND phê duyệt nội dung kế hoạch xác minh năm 2022, sẽ tiến hành xác minh tại 05 đầu mối cơ quan, bao gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành giao thông, UBND Huyện Dương Minh Châu.
Thanh tra tỉnh Tây Ninh đã tổ chức buổi bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh trong năm 2022; thành phần tham dự bao gồm Thanh tra tỉnh, đại diện UBKT Tỉnh ủy và UBMTTQ Việt Nam tỉnh. Qua buổi làm việc, Thanh tra tỉnh đã bốc thăm lựa chọn 25 cá nhân/05 cơ quan (05 cá nhân/01 cơ quan) sẽ tiến hành xác minh tài sản, thu nhập trong năm 2022; dự kiến sẽ tổ chức xác minh trong Quý III và Quý IV/2022 để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch thanh tra năm 2022.
Do đây là năm đầu tiên thực hiện việc xác minh tài sản, thu nhập theo kế hoạch (trước đây chỉ xác minh khi có dấu hiệu) nên trong quá trình triển khai và thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Căn cứ khoản 1 Điều 45 Luật Phòng, chống tham nhũng; Khoản 1 Điều 48; Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, Thanh tra tỉnh phải hoàn thành công tác xác minh tài sản, thu nhập ngay trong đầu năm do bị ràng buộc về mặt thời gian thực hiện; tuy nhiên thời điểm đầu năm có rất nhiều công tác cần triển khai, nhất là công tác thanh tra, xây dựng các kế hoạch, chương trình hoạt động trong năm nên có thể gặp một số khó khăn. Việc xác minh theo kế hoạch được tiến hành đối với nhiều đối tượng theo tỷ lệ được quy định tại khoản 2,3 Điều 15 Nghị định số 130/2020/ NĐ-CP của Chính phủ với thời hạn xác minh là 45 ngày làm việc để hoàn thành 100% việc xác minh là rất ngắn, khó có thể đảm bảo thực hiện.
Việc ban hành kết luận xác minh chưa được hướng dẫn là phải ban hành chung hay riêng từng cá nhân, trong khi đó số lượng đối tượng được xác minh trong một năm là khá lớn. Các biểu mẫu về xác minh tài sản, thu nhập do không được quy định nên địa phương chỉ có thể căn cứ vào thể thức văn bản chung để ban hành; có thể giữa các địa phương sẽ không có sự đồng bộ. Quy định về đối tượng xác minh tại các cơ quan, đơn vị phải “có ít nhất 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị” hiện đang mâu thuẫn với quy định của Quyết định số 56-QĐ/TW của Ban chấp hành Trung ương về quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Trong thực tế, mọi cá nhân đều có thể sở hữu tài sản tại các địa phương khác, nhưng phạm vi có thể yêu cầu cung cấp thông tin của Thanh tra tỉnh hiện giới hạn trong địa bàn tỉnh để có thể đôn đốc thực hiện; không thể gửi văn bản đến các cơ quan, tổ chức khác trên cả nước do vừa không có trọng tâm, mất nhiều thời gian và không thể đảm bảo việc chấp hành. Vẫn còn nhiều công việc cần được hướng dẫn cụ thể hơn, như: xác minh thông tin liên quan đến việc sở hữu cổ phần hiện chưa thể thực hiện do vướng mắc về cơ chế yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán cung cấp thông tin; phạm vi kiểm soát tài sản, thu nhập trong các năm tiếp theo sẽ là bản kê khai tài sản, thu nhập hằng năm liền kề vừa thực hiện xong hay tất cả các bản kê khai trước đó./.
Huyền Sa, Minh Trang