Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội:

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng

Thứ năm, 09/03/2023 09:22
(ThanhtraVietNam) - Nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, đi cùng với nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ công chức, viên chức của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo

Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng

Với mục tiêu tăng cường hiệu quả công tác công tác phòng, chống tham nhũng, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật và Nghị quyết của Trung ương, Chính phủ và các văn bản Bộ Giáo dục và Đào tạo, HĐND Thành phố, UBND Thành phố về công tác phòng, chống tham nhũng. Cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị ngành Giáo dục và Đào tạo xác định việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài, là một trong các tiêu chí để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ hàng năm; gắn phòng, chống tham nhũng với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và thực hiện Công văn số 1362/BGDĐT-TTr ngày 10/4/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo…

Để đạt được mục tiêu, Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố sẽ triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, đơn vị. Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động, đặc biệt trong quản lý và thực hiện quy hoạch, kế hoạch đấu thầu chọn lựa nhà đầu tư, tài chính ngân sách, tổ chức cán bộ…; xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.

Nâng cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trường học và của cán bộ, công chức, viên chức. Nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện quy định về việc cung cấp thông tin và tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trường học; các tổ chức, đoàn thể trong công tác phòng, chống tham nhũng.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực hiện nghiêm việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với các đối tượng để nâng cao sự hiểu biết, ý thức pháp luật trong cán bộ công chức, viên chức, người lao động và học sinh. Chủ động lựa chọn nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng và tình hình nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị trường học bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

Cũng như tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đào tạo.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng, tiêu cực; thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chấp hành, thực hiện các quy định về phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị trường học, phải chịu trách nhiệm khi xảy ra tham nhũng, vi phạm tại cơ quan, đơn vị do mình quản lý.

Tăng cường kiểm tra, giám sát trong nội bộ cơ quan, đơn vị trường học; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng; chỉ đạo xử lý kịp thời thời, nghiêm minh các vụ việc phát sinh phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Ngành Giáo dục và Đào tạo Thành phố cũng sẽ thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đối với các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập. Qua việc xây dựng thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn hoá trường học, cơ chế kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa tham nhũng, kiểm soát xung đột lợi ích, ngăn chặn hành vi tham nhũng và xây dựng văn hóa lành mạnh không tham nhũng.

Toàn Ngành thực hiện nghiêm công tác kê khai tài sản, thu nhập để phòng ngừa tham nhũng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng cơ chế tự giám sát, tự kiểm tra; tập trung chỉ đạo thanh tra, kiểm tra những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, thiếu trách nhiệm, gây lãng phí đến tài sản nhà nước. Kịp thời thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Đi kèm với nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ của cán bộ công chức, viên chức của Ngành.

Và tăng cường phối hợp với cơ quan Đảng, cơ quan tư pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống, xử lý hành vi tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu để xảy ra tham nhũng; chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, đảm bảo kịp thời, đúng quy định./.

Lan Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra