Tỷ lệ thu hồi tài sản, kinh tế do tham nhũng tại Vĩnh Phúc còn thấp, chưa triệt để

Thứ năm, 08/09/2022 14:49
(ThanhtraVietNam) - Qua việc tự đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2021, báo cáo số 148/BC-UBND của UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ ra một trong những vấn đề còn tồn tại, bất cập là tỷ lệ thu hồi tài sản, kinh tế do tham nhũng còn thấp, với việc hơn 12,6 tỷ đồng tương đương 90% tiền, tài sản tham nhũng phát hiện chưa thu hồi được trong năm 2021.

Theo đánh giá, trong năm 2021, các cấp, các ngành trong tỉnh đã nghiêm túc thực hiện hiệu quả các Chỉ thị của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh, luôn chủ động xây dựng kế hoạch công tác PCTN tại cơ quan, đơn vị mình; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng; phát hiện, xử lý tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCTN, quản lý hành chính nhà nước trong các lĩnh vực trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả theo báo cáo tổng kết công tác đánh giá PCTN giai đoạn 2016-2019 cho thấy, chỉ số công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN cấp tỉnh luôn đạt số điểm cao trung bình các năm đạt khoảng 18,5/20 điểm; tổng số điểm đánh giá công tác PCTN hằng năm, trung bình đạt khoảng 70/100 điểm, được Thanh tra Chính phủ đánh giá thường xuyên nằm trong số 25/63 tỉnh, thành phố trên cả nước thực hiện tốt về công tác PCTN.  

Năm 2021, các sở, ban, ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại Điều 10 Luật PCTN. Các lĩnh vực được công khai, minh bạch, như: Dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách năm 2021; mua sắm tài sản công; đầu tư xây dựng cơ bản; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; các khoản huy động đóng góp của Nhân dân; quy trình, thủ tục giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan, đơn vị; công tác tổ chức cán bộ; kê khai tài sản, thu nhập… kết quả đánh giá có 31/31 sở, ngành, huyện, thành phố thực hiện công khai, minh bạch theo quy định định tại Điều 10 Luật PCTN. Việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng biết và giám sát việc thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

leftcenterrightdel
 Một hội nghị giao ban công tác nội chính và phòng chống tham nhũng tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: noichinh.vn

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT, áp dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đến nay, các sở, ngành, UBND cấp huyện đều có Cổng thông tin giao tiếp điện tử; 20 sở, ban, ngành, 09 huyện, thành phố và 06 cơ quan, đơn vị khác đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong luân chuyển văn bản đi; 100% cán bộ, công chức, viên chức được cấp hòm thư điện tử công vụ riêng. Việc tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về PCTN; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện thanh toán, trả lương qua tài khoản.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, không bố trí vợ, con; bố, mẹ, anh chị, em ruột của vợ hoặc chồng vào làm việc ở vị trí quan trọng của cơ quan, đơn vị hay thành lập doanh nghiệp, công ty có liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước do mình đứng đầu. Đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát xung đột lợi ích quy định tại các Điều từ 29 - 34 Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ và tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về ngành, lĩnh vực để kịp thời chấn chỉnh tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cấp, ngành; hạn chế, tránh tình trạng xung đột pháp luật, xung đột lợi ích. Trong năm 2021, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị chưa phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm.

Năm 2021, qua công tác kiểm tra, giám sát nội bộ về chế độ định mức, tiêu chuẩn, công tác phí, không có tập thể, cá nhân nào vi phạm phải xử lý. Cơ bản các cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp thông qua xây dựng bộ quy tắc ứng xử, cơ chế kiểm soát nội bộ. Các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước đã thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động theo quy định của Luật PCTN gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng biết và giám sát việc thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PCTN...

Nhìn chung, nhận thức của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và của Đảng viên, cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh về công tác PCTN được nâng lên. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật PCTN đã được thực hiện nghiêm túc, có chuyển biến rõ rệt về kỷ cương, nền nếp, ý thức pháp luật và chất lượng thực hiện. Việc tự kiểm tra nội bộ; hoạt động thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo, thực hiện từ tỉnh đến cấp cơ sở; kịp thời chấn chỉnh, xử lý các tồn tại, vi phạm góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn. Đặc biệt, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm minh; việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm.

Mặc dù vậy, công tác tự phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn ít. Đa số các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý qua tin báo tội phạm và giải quyết đơn thư tố cáo của công dân; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác tự kiểm tra nội bộ, giám sát và công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Việc thực hiện các quy định về phòng ngừa tham nhũng ở một số cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tuy có thực hiện nhưng chưa đầy đủ nội dung, chất lượng của các nội dung, giải pháp thực hiện còn chưa cao. Tỷ lệ thu hồi tài sản, kinh tế do tham nhũng còn thấp, chưa triệt để, cụ thể là còn hơn 12,6 tỷ đồng tương đương 90% tiền, tài sản tham nhũng phát hiện chưa thu hồi được trong năm 2021.

Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ, năng lực và kiến thức pháp luật về PCTN của đội ngũ cán bộ làm công tác PCTN ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn không đồng đều do đó chất lượng tham mưu cho thủ trưởng cùng cấp thực hiện các nhiệm vụ công tác về PCTN ở một số đơn vị thấp; chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ về PCTN. PCTN là công việc khó khăn, phức tạp, hành vi tham nhũng là loại tội phạm ẩn, thường gắn với người có chức vụ, quyền hạn, trong thời kỳ phát triển công nghệ, thông tin; hành vi tham nhũng ngày càng được che đậy tinh vi, việc phát hiện và xử lý có nhiều khó khăn.

Từ kết quả đánh giá công tác PCTN năm 2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng kiến nghị một số giải pháp sau:

Thứ nhất, kiến nghị Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về chứng cứ trong Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự để có thể truy cứu trách nhiệm của những người nhận hối lộ bằng các chứng cứ gián tiếp để tăng cường công tác đấu tranh phát hiện, xử lý tham nhũng.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về PCTN để có các biện pháp hữu hiệu và kịp thời ngăn chặn việc tẩu tán tài sản hoặc tạm giữ đối với tài sản nghi ngờ có liên quan đến tham nhũng, khắc phục tình trạng đối phó, tẩu tán, hợp thức hóa tài sản do tham nhũng mà có.

Thứ hai, kiến nghị Thanh tra Chính phủ tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ lãnh đạo và cán bộ chuyên môn của cơ quan kiểm soát tài sản các tỉnh, thành phố, bộ, ngành về công tác kiểm soát tài sản thu nhập theo quy định của Luật PCTN năm 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP để kịp thời triển khai đến các cấp, các ngành ở địa phương trong công tác kê khai tài sản thu nhập năm 2022; khắc phục tình trạng lúng túng trong triển khai, thực hiện tại địa phương./.

Hà Tuấn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra