Không bị tác động bởi hành vi không lành mạnh trong giám sát
Khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sau đây viết tắt là MTTQ) trong phòng, chống tham nhũng (PCTN), các văn kiện của Đảng, gần đây là Văn kiện Đại hội XIII tiếp tục ghi nhận và nhấn mạnh rất rõ yêu cầu phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân trong mọi lĩnh vực, từ xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách đến các vấn đề về kinh tế - xã hội liên quan đến đời sống nhân dân. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và xác định vai trò quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội trong đời sống xã hội.
Kết luận số 19, ngày 14/10/2021, của Bộ Chính trị về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV chỉ rõ: Phát huy vai trò của nhân dân, MTTQ và các tổ chức thành viên trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội đối với quy trình lập pháp và giám sát việc thực hiện pháp luật; chú trọng bản lĩnh, ý thức chính trị, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong quá trình giám sát, phản biện xã hội.
Trong thực tiễn, chỉ từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã ban hành gần 30 văn bản về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… hình thành cơ chế đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng đồng bộ, chặt chẽ. Triển khai các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và nhà nước, thị xã Sa Pa cũng đã ban hành 210 văn bản để lãnh chỉ đạo công tác nội chính, PCTN, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Tại Hội nghị tổng kết công tác nội chính, PCTN, tiêu cực và cải cách tư pháp năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 cũng đánh giá: công tác PCTN, tiêu cực được triển khai đồng bộ thường xuyên có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động; việc công khai minh bạch được thực hiện nghiêm túc; chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát, thanh tra đã được nâng lên cả về chất và lượng. Năm 2022, đã tổ chức kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với 191 lượt/159 tổ chức đảng; 428/463 đảng viên.
|
|
Ủy ban MTTQ thị xã Sa Pa gặp mặt Trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố |
Tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng
Kết quả công tác PCTN, tiêu cực nêu trên có vai trò của MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 10- ĐA/TU về “Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; tuyên truyền vận động nhân dân cải tạo các tập tục lạc hậu của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội” đồng bộ từ thị xã đến cơ sở.
MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân như: công tác quản lý tài nguyên, môi trường; đền bù, giải phóng mặt bằng; giải quyết chế độ chính sách đối với người có công, người nghèo; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; công tác tổ chức bộ máy cán bộ, chuyển đổi vị trí việc làm theo quy định của Nhà nước, các khoản đóng góp xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý các nguồn thu trong các trường học; việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, việc thực hiện quy định về BHXH, BHYT…; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên; tích cực tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Trong năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thị xã tổ chức giám sát 2 cuộc; đồng thời tổ chức 3 cuộc giám sát theo đề nghị của UBND thị xã; hiệp thương với các tổ chức chính trị xã hội ban hành kế hoạch triển khai thực hiện 5 cuộc. Cùng với việc chủ trì các hoạt động giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thị xã đã cử cán bộ tham gia Đoàn giám sát chuyên đề năm 2022 của HĐND, các Ban HĐND thị xã Sa Pa. Tham gia đoàn kiểm sát 4 cuộc giám sát trực tiếp tại Nhà tạm giam, tạm giữ Công an thị xã Sa Pa và tiến hành trực tiếp kiểm sát việc thi hành án hình sự; tham gia cùng đoàn giám sát của Uỷ ban MTTQ tỉnh Lào Cai.
Bên cạnh đó, chú trọng tăng cường hướng dẫn hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong việc phòng ngừa và phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí, nhất là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như: Quản lý đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng, cấp phép xây dựng, các khoản đóng góp của nhân dân… Các hoạt động này đóng góp quan trọng, thúc đẩy thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Trên cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, doanh nghiệp về những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, các biểu hiện sách nhiễu, phiền hà người dân và doanh nghiệp, MTTQ thị xã Sa Pa đã yêu cầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp xác minh vụ việc tham nhũng. Vận động Nhân dân chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả trong việc giám sát công tác cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử; theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng. Quan tâm thực hiện nhiệm vụ góp ý, phản biện xã hội, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, góp phần vào việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về PCTN, trọng tâm là các nội dung liên quan đến kê khai, công khai tài sản, thu nhập, các biểu hiện không minh bạch về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn.
Thường xuyên thực hiện công tác tiếp nhận, xử lý các thông tin phản ánh, kiến nghị, tố cáo của công dân. Trong năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thị xã đã phối hợp với HĐND thị xã tổ chức 28 điểm tiếp xúc cử tri với khoảng 1.580 cử tri tham dự, có 120 lượt cử tri phát biểu ý kiến, kiến nghị; tiếp nhận và nghiên cứu xử lý 2 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân gửi đến. MTTQ thị xã đã gửi văn bản chuyển đơn đến cơ quan chức năng thuộc thẩm quyền giải quyết.
Để giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần xây dựng đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh, MTTQ các cấp trong thị xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuyên truyền, vận động, tạo diễn đàn để Nhân dân tham gia rộng rãi, tích cực, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, tạo sự đoàn kết, thống nhất, đồng thuận trong xã hội; củng cố, nâng cao niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Năm 2022, MTTQ thị xã Sa Pa tổ chức 38 buổi tuyên truyền với 2.560 lượt người tham gia. Trong đó, trọng tâm tập trung vào một số nội dung như: Tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực; tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức liêm chính và PCTN, tiêu cực; ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng đạo đức liêm chính và PCTN, tiêu cực. Vận động mỗi người dân kiên quyết chống tham nhũng, không tiếp tay cho tham nhũng, có thái độ và hành vi chống tham nhũng; khi phát hiện có biểu hiện của hành vi tham nhũng thì kịp thời phản ánh, tố cáo tới cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; hợp tác với cơ quan, tổ chức để đấu tranh với tham nhũng. Qua công tác tuyên truyền, đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức PCTN của cán bộ và Nhân dân. Người dân ngày càng tích cực tham gia vào công tác kiểm tra, giám sát việc xây dựng các quy chế, quy định của các tổ chức, đơn vị, địa phương, tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp với cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành; gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng, MTTQ các cấp phản ánh về những sai phạm kinh tế, tiêu cực, tham nhũng ở địa phương. Một số vụ việc do Nhân dân phản ánh đã được cơ quan chức năng xử lý kịp thời, từng bước mang lại niềm tin trong Nhân dân.
Trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Uỷ ban MTTQ thị xã và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia ý vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, đơn vị chuyển đến. Điển hình như tham gia góp ý vào đề án 03 và dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án số 03 “Phát triển Văn hóa, du lịch; xây dựng Khu du lịch trọng điểm quốc gia Sa Pa mang tầm quốc tế, giai đoạn 2020 - 2025” năm 2022… Tham gia góp ý vào các dự thảo dự án luật: Dự thảo Luật phòng thủ dân sự, Dự thảo Luật công nghệ thông tin và tổ chức 1 hội nghị góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
|
|
Đoàn giám sát kiểm tra bể chứa nước xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa |
Một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác PCTN
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phối hợp giữa MTTQ thị xã Sa Pa với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhân dân về PCTN, chưa khơi dậy được tinh thần đấu tranh chống tham nhũng rộng khắp trong nhân dân và các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Hiệu quả của công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ cấp cơ sở còn có thời điểm hạn chế. Một số cán bộ, nhất là ở cấp xã năng lực còn hạn chế, ngại va chạm nên ảnh hưởng chất lượng giám sát, phản biện xã hội. Hiệu quả giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở một số nơi chưa cao…
Để nâng cao vai trò và hiệu quả công tác PCTN của MTTQ thị xã Sa Pa trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, MTTQ Việt Nam thị xã Sa Pa cần đổi mới nội dung, phương thức giám sát, có giám sát đột xuất, giám sát chuyên đề, có sự phối hợp, phân công trách nhiệm giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ thị xã, các tổ chức chính trị - xã hội.
Hai là, chú trọng triển khai giám sát công tác cán bộ, đảng viên. Tổ chức để Nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú và nơi làm việc về trách nhiệm nêu gương theo Quy định 101-QĐ/TW, QĐ 55-QĐ/TW; về đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên; chống chạy chức, chạy quyền; tu dưỡng đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và đảng viên; giám sát việc giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú.
Ba là, tăng cường vận động Nhân dân, tổ chức để Nhân dân tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp ý vào các dự thảo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; dự thảo chủ trương, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành; các dự thảo, báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tại các kỳ họp HĐND. Trên cơ sở đó, MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Bốn là, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cấp xã, các Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư phát huy vai trò nòng cốt là người tổ chức và là chỗ dựa để Nhân dân trên địa bàn phát huy quyền làm chủ. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Năm là, thực hiện tốt tiếp nhận thông tin và xử lý thông tin về PCTN, tiêu cực. MTTQ, các tổ chức thành viên tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin về PCTN, tiêu cực qua tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; thông qua đường dây điện thoại nóng; thông qua hòm thư góp ý, hòm thư tố giác tội phạm đặt tại trụ sở, nhà văn hóa khu dân cư; tổng hợp từ hoạt động giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội; hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ , các tổ chức chính trị, xã hội và Nhân dân.
Sáu là, phát huy vai trò của các vị già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tham gia PCTN, tiêu cực. Thông qua các vị già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, vận dụng những phong tục tập quán để vận động, khuyến khích người dân và cộng đồng dân cư thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực. Qua đó, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, những khó khăn, vướng mắc tại cộng đồng dân cư về PCTN, tiêu cực, từ đó phản ánh với cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam nghiên cứu, xem xét, giải quyết.
Phát huy vai trò giám sát việc thực hiện pháp luật về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, MTTQ các cấp trong thị xã đã góp phần ngăn chặn hiệu quả biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng chính quyền cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh, tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, củng cố và tăng cường niềm tin của các tầng lớp Nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc. /.