Bộ Tư pháp:

Xác định mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm

Thứ hai, 26/02/2024 10:54
(ThanhtraVietNam) - Năm vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) trên các lĩnh vực thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp đã đạt được những kết quả tích cực, tạo được chuyển biến trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức Bộ. Từ đó, Đảng ủy và lãnh đạo Bộ Tư pháp đã xác định mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trong thời gian tới.

Ngay từ đầu năm 2023, Ban cán sự đảng, Đảng ủy và Lãnh đạo Bộ Tư pháp đã quan tâm chỉ đạo công tác PCTN, TC, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách và đề cao ý thức chủ động của từng cán bộ, công chức trong công tác này. Cấp ủy, tổ chức đảng ở phạm vi các đơn vị thuộc Bộ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, TC; chỉ đạo các đơn vị thực hiện Kết luận số 05- KL/TW ngày 03/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50- CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Bộ Tư pháp đã quán triệt nghiêm những chủ trương, chính sách, pháp luật về PCTN, TC tới từng công chức, người lao động của Bộ trong các buổi giao ban lãnh đạo Bộ cũng như cuộc họp giao ban định kỳ của các đơn vị, thông qua các buổi sinh hoạt Chi bộ, Đoàn Thanh niên.

leftcenterrightdel
Trụ sở Bộ Tư pháp. Ảnh: PV 

Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng trên Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ và đăng tải thông tin trên cổng Thông tin điện tử. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức thành công Lễ Phát động Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” vào tối 08/11/2023, tại thành phố Hà Nội với sự chủ trì, chỉ đạo của đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam; phát thanh trực tiếp trên kênh VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam. Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo của cán bộ, công chức và người dân. Qua 02 tuần thi đã có 213.999 người dự thi với 289.136 lượt thi. Cuộc thi đã góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về chính sách, pháp luật trong lĩnh vực PCTN, TC; tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Ngoài ra, mọi hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đều được thực hiện công khai, minh bạch dưới hình thức thông báo, phổ biến công khai trong các cuộc họp của Bộ và của từng đơn vị; các đơn vị cũng thực hiện việc niêm yết công khai tại đơn vị.

Trong năm 2023, Bộ Tư pháp đã ban hành 21 văn bản trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách tài sản và đầu tư công; đã thực hiện việc chuyển đổi 486 công chức, viên chức để PCTN, TC. Về kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi theo dõi, quản lý của Bộ, năm vừa qua có 06 vụ việc tương ứng với 07 trường hợp vi phạm về công tác PCTN, TC. Tổng số tiền, tài sản tham nhũng phát hiện là trên 17,2 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi hơn 2,5 tỷ.

Nhìn chung, thời gian qua công tác PCTN, TC đã được Ban cán sự đảng, Đảng uỷ và Lãnh đạo Bộ  tập trung chỉ đạo triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tạo được chuyển biến tích cực trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức Bộ Tư pháp; đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; gắn việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực.

Để phát huy những kết quả đã đạt được, bước sang năm 2024, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tham gia góp ý xây dựng quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực PCTN, TC, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy có hiệu quả vai trò của các tổ chức đoàn thể và của viên chức, người lao động trong công tác PCTN; xác định mục tiêu phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực, hành vi vi phạm pháp luật của đảng viên, viên chức và người lao động. Tuyên truyền, quán triệt và tiếp tục thực hiện các quy định, chủ trương, chính sách, văn bản chỉ đạo của đảng, Nhà nước về công tác PCTN.

Cùng với đó, thực hiện việc tổng kết, đánh giá, rà soát và lập danh mục những quy định pháp luật còn thiếu, sơ hở, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực. Triển khai xây dựng các văn bản, đề án quản lý nội bộ nhằm bảo đảm minh bạch trong công tác tổ chức cán bộ để phòng ngừa tham nhũng. Thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia về PCTN và các nhiệm vụ, chương trình của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC.

Đa dạng hóa các hình thức, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, TC với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền các chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, TC theo hướng chuyên sâu, nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu.

Tiếp tục gắn công tác PCTN, TC với việc thực hiện phong trào thi đua, nâng cao tinh thần trách nhiệm và phẩm chất, đạo đức của công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện đấu tranh PCTN, TC, thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Thực hiện tốt công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị thuộc Bộ và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng; đẩy mạnh công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và xử lý công việc./.

B.S
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra