Ngay sau khi Luật PCTN năm 2005 có hiệu lực, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an quyết định thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Bộ Công an (viết tắt là Ban Chỉ đạo) và giao Thanh tra Bộ là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo.
Ngày 28/8/2008, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 1448/2008/QĐ-BCA thành lập Văn phòng Ban Chỉ đạo đặt tại Thanh tra Bộ để tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo.
Sau nhiều lần được sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ Văn phòng Ban Chỉ đạo đổi tên thành Phòng phòng, chống tham nhũng (gọi tắt là Phòng 7), trực thuộc Thanh tra Bộ Công an.
|
|
Trung tướng Trần Đức Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Công an phát biểu chỉ đạo. Ảnh: NT |
Trải qua 15 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, mặc dù số lượng cán bộ còn ít, nhiều biến động, luôn thiếu so với biến chế ấn định và yêu cầu thực tiễn công tác, nhưng các thế hệ lãnh đạo của Phòng 7 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; cán bộ, đảng viên trong đơn vị luôn đoàn kết, thống nhất, đồng tâm, hiệp lực, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn được Đảng ủy, lãnh đạo Thanh tra Bộ giao phó. Cụ thể, đã chủ động tham mưu, giúp Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an triển khai các nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong nội bộ lực lượng CAND và đạt được nhiều thành tích nổi bật như sau:
Thứ nhất, đã tham mưu thực hiện tốt các nhiệm vụ của Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo trong việc đề xuất kiện toàn, duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo; tham mưu Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an ban hành nhiều văn bản về kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực để triển khai thực hiện trong CAND theo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực, trong đó có những văn bản được Thanh tra các bộ, ngành, kể cả đơn vị chức năng của Thanh tra Chính phủ đánh giá cao và đề xuất được tham khảo thực hiện.
Một số văn bản nổi bật, đi đầu do Phòng 7 tham mưu là: Quy định số 08-QĐi/ĐUCA ngày 11/5/2023 của Đảng ủy Công an Trung ương về kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong hoạt động của CAND; Thông tư số 145/2020/TT-BCA ngày 29/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Công an Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí theo Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị; Quyết định số 5655/QĐ-BCA-X05 ngày 26/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Bộ tiêu chí và quy định thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá kết quả công tác PCTN, tiêu cực trong lực lượng CAND; Quyết định số 4951/QĐ-BCA-X05 ngày 13/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Quy trình xác minh tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hằng năm trong CAND thuộc thẩm quyền Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập Bộ Công an và Công an đơn vị, địa phương...
Thứ hai, hằng năm, đã tham mưu tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCTN đối với Công an các đơn vị, địa phương trong toàn lực lượng; các cuộc thanh tra, kiểm tra được tiến hành theo kế hoạch và chỉ đạo của cấp trên, thực hiện nghiêm theo quy trình, quy định, được triển khai một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo, trùng dẫm, bảo đảm chính xác, khách quan, công khai, dân chủ, kịp thời; tập trung những lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, dư luận quan tâm, có nhiều đơn thư phản ánh, dễ phát sinh tiêu cực, vi phạm.
Từ khi thành lập đến nay, đã tham mưu lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Thanh tra Bộ chỉ đạo, trực tiếp tiến hành 32 cuộc kiểm tra, thanh tra đặc biệt theo quy định, tập trung vào lĩnh vực tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự an toàn giao thông…
Thứ ba, tổ chức tốt việc trực đường dây điện thoại nóng của Bộ Công an 24/24 giờ để tiếp nhận tất cả các thông tin phản ánh về tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an, qua đó đã đề xuất tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra đặc biệt của lực lượng CAND, phát hiện và kiến nghị xử lý nghiêm sai phạm, góp phần phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh đối với CBCS Công an.
Qua 2 lần điều chỉnh về nội dung, phạm vi và nâng cấp về chất lượng, đã tiếp nhận, xử lý 392 tin phản ánh về hiện tượng tiêu cực của CBCS Công an trên hầu hết các lĩnh vực công tác Công an (quản lý hành chính, tuần tra kiểm soát giao thông, hậu cần, tài chính, xử lý vi phạm hành chính, điều tra xử lý tội phạm, hoạt động của Công an phường, xã…). Có nhiều tin nhận được qua đường dây nóng được sử dụng phục vụ công tác thanh tra đặc biệt, kiểm tra đặc biệt đạt hiệu quả cao.
Thông qua trực đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của CBCS trong lực lượng Công an đã được người dân viết thư gửi đến đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an cảm ơn về tinh thần, thái độ, trách nhiệm phục vụ vì nhân dân của cán bộ trực đường dây nóng, góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sỹ CAND “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Thứ tư, tham mưu Chánh Thanh tra Bộ - người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) Bộ Công an tiến hành xác minh TSTN năm 2022 và 2023; đã kết luận xác minh theo thẩm quyền đối với người có nghĩa vụ kê khai TSTN hằng năm trong CAND theo đúng quy định.
Đây là nhiệm vụ mới và khó nhưng với tinh thần là không né tránh, không ngại va chạm, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, Phòng 7 đã tham mưu hoàn thành đạt kết quả rất tích cực. Kết thúc xác minh đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an đơn vị, địa phương chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và hoàn thiện công tác kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong lực lượng CAND.
Ngoài ra, Phòng 7 còn luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành nhanh chóng, có chất lượng các nhiệm vụ đột xuất khi được lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Thanh tra Bộ giao.
Đặc biệt, nội bộ đơn vị qua các thời kỳ luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật, nội quy đơn vị và luôn nỗ lực cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, giúp đỡ lẫn nhau để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
|
|
Lãnh đạo Thanh tra Bộ Công an chúc mừng ngày truyền thống Phòng 7. Ảnh: NT |
Để nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, công tác kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong lực lượng CAND, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cấp ủy, lãnh đạo Phòng 7 phấn đấu thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm được Đảng ủy, lãnh đạo Thanh tra Bộ giao như sau:
Một là, tiếp tục phát huy truyền thống và những bài học kinh nghiệm trong 15 năm qua, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ đơn vị; không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; tập trung nghiên cứu, tham mưu nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo tiến độ ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác kiểm soát quyền lực, PCTN, tiêu cực trong lực lượng CAND trên cơ sở bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; trong tổ chức hoạt động thanh tra phải quán triệt quan điểm chỉ đạo Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ trưởng Bộ Công an “triển khai công tác thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, chủ động phát hiện, ngăn chặn sai phạm từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ thành sai phạm lớn, vi phạm của cá nhân thành sai phạm của tổ chức, tập thể”. Kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” là chính, bảo đảm đồng bộ, phù hợp trong từng thời điểm, hạn chế thấp nhất hậu quả có thể xảy ra, giúp cho các đơn vị được thanh tra vững mạnh hơn, các lĩnh vực công tác hoạt động hiệu quả hơn sau tổ chức thanh tra.
Hai là, chủ động tham mưu duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, đặc biệt là tham mưu tổ chức các Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác PCTN, tiêu cực hằng năm của Ban Chỉ đạo, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa đến Công an đơn vị, địa phương; tăng cường phối hợp giữa Thường trực Ban Chỉ đạo với các Ủy viên Ban Chỉ đạo, Công an các đơn vị, địa phương và các cơ quan chức năng ở Trung ương, đặc biệt là Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ trong công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực.
|
|
Lãnh đạo, cán bộ Phòng 7 các thời kỳ. Ảnh: NT |
Ba là, kịp thời giải quyết, kết luận chính xác, khách quan, đúng pháp luật các phản ánh, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ và lãnh đạo Thanh tra Bộ. Chú trọng công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nơi có nhiều dư luận phản ánh, đơn thư tố cáo, nội bộ mất đoàn kết, chủ động, kịp thời tham mưu “đúng” và “trúng” để tổ chức thanh tra đặc biệt, kiểm tra đột xuất phòng ngừa sai phạm.
Bốn là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, liêm chính, bản lĩnh vững vàng, lập trường kiên định, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, chắc về pháp luật, có kinh nghiệm, kỹ năng tác nghiệp, uy tín, bản lĩnh, công tâm, khách quan, gương mẫu; tâm phải sáng, đầu phải lạnh, trái tim phải nóng, đôi bàn tay phải sạch, có tính tự giác, tính kỷ luật cao của cán bộ làm công tác thanh tra; đồng thời, cần có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, sáng tạo trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ. Phân công cụ thể trong công tác, sử dụng hiệu quả biên chế, tránh tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu” cán bộ, bố trí cán bộ không đúng năng lực, sở trường, chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; đề cao trách nhiệm nêu gương, tinh thần chủ động, năng động, quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị; tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, kỷ luật, điều lệnh CAND.
Phòng 7 Thanh tra Bộ Công an đã chủ trì xác minh, kết luận nhiều vụ việc tố cáo về tham nhũng nổi cộm, phức tạp, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, như: phản ánh của báo chí về dấu hiệu tiêu cực của một số cảnh sát giao thông trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm; tố cáo sai phạm trong việc cấp biển số ngẫu nhiên trên máy vi tính…
|