Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44 và 45 vừa qua tại Viêng Chăn, Lào, đã khép lại năm hợp tác ASEAN 2024 đầy ý nghĩa với chủ đề "Kết nối và Tự cường". Năm 2025 sắp tới, ASEAN dự kiến thông qua Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 cùng bốn kế hoạch chiến lược về chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và kết nối. Đây là bước tiến hứa hẹn thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững không chỉ cho khu vực mà còn cho từng quốc gia thành viên. Trong bối cảnh này, Việt Nam đang cùng ASEAN chuẩn bị cho dấu mốc kỷ niệm 30 năm gia nhập, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong cộng đồng khu vực.
ASEAN: Hành trình từ thách thức đến thành công
Được thành lập gần 60 năm trước trong bối cảnh khu vực đầy chia rẽ, ASEAN đã không ngừng mở rộng, phát triển và trở thành một cộng đồng bền vững, đoàn kết. Từ năm quốc gia sáng lập ban đầu, ASEAN hiện là ngôi nhà chung của 10 quốc gia Đông Nam Á, tạo nền tảng cho hòa bình, hợp tác và phát triển.
Hành trình gần ba thập kỷ này không ít gian nan. Từ những bất ổn ban đầu, ASEAN đã trưởng thành, bản lĩnh và kiên định trước mọi thách thức. Sự kiên trì, tinh thần tự cường và khả năng ứng biến của ASEAN là những yếu tố cốt lõi giúp tổ chức này đạt được vị thế như hôm nay.
|
|
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị. (Ảnh: VGP) |
Ứng biến linh hoạt trước mọi biến động
ASEAN luôn thể hiện sự nhạy bén và kịp thời trong việc ứng phó với các thách thức khu vực và quốc tế. Từ các điểm nóng toàn cầu đến khu vực, các nước thành viên đều chia sẻ nhận thức và trách nhiệm trong việc củng cố đoàn kết và phát huy tiếng nói chung của ASEAN. Đồng thuận về ý chí để đi đến thống nhất trong ứng xử và hành động, ASEAN đã thể hiện rõ nét năng lực “ứng vạn biến” của mình trên cơ sở sứ mệnh “bất biến” là giữ vững môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.
Từ việc đồng thuận 5 điểm hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp lâu dài và bền vững, củng cố lập trường nguyên tắc và tiếng nói chung trong vấn đề Biển Đông, đến duy trì cách tiếp cận cân bằng, nhất quán về xung đột tại Ukraine, Trung Đông hay Bán đảo Triều Tiên, ASEAN đã khẳng định vai trò là một tổ chức giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác.
Đặc biệt, ASEAN nhận thức rõ giá trị của hòa bình trong bối cảnh nhiều khu vực trên thế giới vẫn chìm trong xung đột. Hòa bình không phải điều hiển nhiên mà là kết quả của nỗ lực chung, sự đồng lòng của tất cả thành viên ASEAN.
Chủ động đối phó thách thức an ninh phi truyền thống
Trong cuộc chiến chống COVID-19, ASEAN đã chứng minh khả năng đối phó linh hoạt và hiệu quả. Hàng loạt sáng kiến như Quỹ Ứng phó COVID-19, Hàng loạt các sáng kiến được triển khai như Quỹ ứng phó COVID-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, Quy trình ứng phó dịch bệnh chuẩn của ASEAN, Khung hành lang đi lại ASEAN, Khung phục hồi tổng thể ASEAN là những minh chứng sống động về tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của ASEAN trong khó khăn và tính chủ động của ASEAN trong ứng phó các vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu và trong Cộng đồng. Nhờ đó, ASEAN huy động được hơn 900 triệu liều vắc-xin và hàng loạt vật tư y tế, góp phần vào thành công chống dịch và phục hồi kinh tế khu vực.
Những sáng kiến này không chỉ là bài học kinh nghiệm mà còn tạo tiền đề để ASEAN đối phó với các thách thức khác như biến đổi khí hậu, thiên tai, hay già hóa dân số. Tinh thần “tư duy Cộng đồng, hành động cùng nhau” đã giúp ASEAN vượt qua khó khăn và ngày càng gắn kết.
Kiên định trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược
ASEAN đang đứng trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các nước lớn. Từ vai trò trung tâm tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ASEAN không chỉ duy trì sự cân bằng mà còn phát huy tính độc lập và chủ động trong quan hệ quốc tế.
Lấy các nguyên tắc cơ bản làm định hướng như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á, Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ASEAN thành công trong việc điều hòa lợi ích, dung hòa khác biệt, hài hòa quan tâm của các nước khi tham gia hợp tác ở khu vực. Các cơ chế của ASEAN như ASEAN+1, ASEAN+3, Cấp cao Đông Á tiếp tục khẳng định giá trị chiến lược trong việc thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác, tạo nền tảng vững chắc cho việc định hình cấu trúc khu vực đa tiến trình, đa tầng nấc và đa lĩnh vực với ASEAN ở vị trí trung tâm.
Khai thác cơ hội, nâng tầm liên kết
Trong một thế giới đầy biến động, ASEAN nổi bật như một hình mẫu đoàn kết và điểm sáng tăng trưởng. Dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực đạt 4,6% vào năm 2024 và 4,8% vào năm 2025, cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. ASEAN cũng được kỳ vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030.
ASEAN đang nỗ lực đẩy nhanh nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN, cơ bản hoàn tất đàm phán nâng cấp Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc phiên bản 3.0, triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP)... Bên cạnh đó, những khuôn khổ hợp tác mới về kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và kinh tế biển xanh cho thấy bước chuyển mạnh mẽ trong tư duy và hành động của ASEAN.
Hơn thế nữa, ASEAN luôn đặt người dân ở vị trí trung tâm của mọi nỗ lực phát triển. Các cơ quan chuyên ngành về giáo dục, y tế, lao động hay văn hóa đều hướng tới mục tiêu mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, tạo điều kiện để người dân khu vực cùng hưởng lợi từ sự phát triển của cộng đồng.
|
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN. (Ảnh: VGP) |
Việt Nam trong cộng đồng ASEAN
Việt Nam, với gần 30 năm là thành viên ASEAN, luôn tích cực tham gia và đóng góp vào các sáng kiến và chương trình hành động của cộng đồng. Kể từ khi trở thành thành viên ASEAN năm 1995, tham gia ASEAN luôn là lưu tiên chiến lược và lựa chọn hàng đầu của Việt Nam, ASEAN là “không gian chiến lược” góp phần tạo dựng cục diện thuận lợi, giữ vững môi trường hòa bình, an ninh, ổn định, phát triển cho đất nước. Trên nền tảng "đổi mới, sáng tạo, hội nhập", Việt Nam không chỉ là một thành viên chủ động mà còn đóng vai trò cầu nối, góp phần củng cố sự đoàn kết và thống nhất trong ASEAN.
Tham gia ASEAN đã đưa Việt Nam từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, bao vây, cấm vận, từng bước mở cửa và hội nhập, gắn sự phát triển của đất nước với dòng chảy phát triển chung của ASEAN, khu vực và thế giới. Ngày nay, nói đến Việt Nam là nói đến thành viên uy tín, trách nhiệm của ASEAN và cộng đồng quốc tế, nỗ lực hết mình, hợp tác chân thành, tin cậy và đóng góp tận tâm.
Năm 2025, kỷ niệm 30 năm Việt Nam gia nhập ASEAN là cơ hội để đất nước nhìn lại hành trình đã qua, từ đó tiếp tục phát huy vai trò trong cộng đồng khu vực. Việt Nam sẽ đồng hành cùng ASEAN, thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, thúc đẩy các giá trị hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Trong hành trình phát triển tiếp theo với những kỳ vọng mới đặt ra cho ASEAN, Việt Nam cần nhận thức rõ hơn trách nhiệm tham gia chủ động và đóng góp nhiều hơn cho công việc chung, với phương châm sáng tạo trong tư duy, đổi mới trong tiếp cận, linh hoạt trong triển khai, hiệu quả trong cách làm, và quyết liệt trong hành động. Muốn vậy, ngay từ lúc này, Việt Nam xác định, bổ sung, phát triển những nội hàm mới, cụ thể với tinh thần “nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, tầm nhìn; động lực bắt nguồn từ đổi mới, sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp”, và 6 hơn: Trách nhiệm hơn, chủ động hơn, sáng tạo hơn, tích cực hơn, nỗ lực hơn và đẩy mạnh hơn.
ASEAN đang đứng trước những thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để vươn xa hơn. Với tinh thần đoàn kết, tư duy đổi mới và hành động quyết liệt, ASEAN sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là trung tâm hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới. Việt Nam, với sự cam kết mạnh mẽ, sẽ đồng hành cùng ASEAN trên hành trình này, vì một cộng đồng thịnh vượng, đoàn kết và phát triển.