Ba Lan: Những bước tiến tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng

Thứ năm, 02/01/2025 17:49
(ThanhtraVietNam) - Ba Lan đã và đang nỗ lực trong cuộc chiến chống tham nhũng, thể hiện qua những kết quả được ghi nhận trong Báo cáo Theo dõi hai năm Giai đoạn 4 của Công ước Chống hối lộ OECD. Dù còn nhiều thách thức, nhưng những bước tiến này cho thấy cam kết của Ba Lan trong việc tuân thủ Công ước.

Thúc đẩy công tác điều tra và truy tố

Báo cáo Theo dõi hai năm Giai đoạn 4 của Công ước Chống hối lộ OECD về Ba Lan, được công bố vào năm 2024, ghi nhận Viện Kiểm sát Ba Lan (PPO) đã đạt được những tiến bộ nhất định trong việc điều tra và truy tố các vụ án tham nhũng, bao gồm cả tham nhũng nước ngoài. Số lượng vụ án tham nhũng được điều tra đã tăng lên trong những năm gần đây, với một số vụ án đang chờ xét xử.

PPO đã ban hành hướng dẫn nội bộ mới, ưu tiên xử lý các vụ án tham nhũng nước ngoài và yêu cầu các công tố viên phải xem xét việc áp dụng các Đội điều tra chung (JIT), một cơ cấu được thành lập bởi hai hoặc nhiều quốc gia để phối hợp điều tra các vụ án hình sự xuyên quốc gia trong giai đoạn sớm nhất có thể của các cuộc điều tra tham nhũng nước ngoài.

Hướng dẫn nội bộ mới cũng làm rõ cơ sở của thẩm quyền hình sự, cho phép thiết lập thẩm quyền của Ba Lan và áp dụng trách nhiệm pháp lý của pháp nhân dựa trên hành vi của người trung gian và đại lý ở nước ngoài nếu những hành vi này mang lại lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp cho pháp nhân Ba Lan.

leftcenterrightdel
 Thành phố Krakow, Ba Lan (ảnh: pixabay)

Nỗ lực nâng cao nhận thức và đào tạo

Ba Lan đã có những nỗ lực đáng kể trong việc nâng cao nhận thức về tham nhũng nước ngoài và đào tạo các cán bộ thực thi pháp luật.

Cục Chống tham nhũng Trung ương (CBA) đã đưa chủ đề “Phát hiện, chống và ngăn chặn tội phạm tham nhũng quan chức nước ngoài” vào các lớp học về luật hình sự. CBA cũng đã đào tạo 519.275 người thông qua các khóa học trực tuyến về tham nhũng trong hành chính, tham nhũng trong kinh doanh từ năm 2023 đến nay.

PPO đã tổ chức một khóa đào tạo trực tuyến về “Tham nhũng trong giao dịch kinh tế có tính đến trách nhiệm hình sự của cá nhân và pháp nhân liên quan đến việc thực hiện tội hối lộ đối với quan chức nhà nước trong nước và nước ngoài”.

Phòng Kiểm toán pháp định Ba Lan (PIBR) đã tổ chức các hội thảo trực tuyến miễn phí về Công ước Chống hối lộ cho các kiểm toán viên, với sự tham gia của 402 kiểm toán viên, tương đương 16% tổng số kiểm toán viên ở Ba Lan.

Luật Bảo vệ người tố giác

Luật Bảo vệ Người tố giác mới, có hiệu lực vào ngày 25 tháng 9 năm 2024, là một bước tiến quan trọng trong việc khuyến khích tố cáo tham nhũng. Luật này cung cấp sự bảo vệ rộng rãi cho người tố giác trong cả khu vực công và tư nhân, bao gồm cả việc bảo vệ danh tính và chống trả đũa.

Ngoài ra, Ba Lan đã thực hiện các bước để cải thiện hệ thống thu thập dữ liệu, cho phép PPO và CBA theo dõi hiệu quả hơn các vụ án tham nhũng

Tăng cường hợp tác quốc tế

Ba Lan đã tích cực tham gia hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống tham nhũng. Ba Lan đang tích cực tìm kiếm hợp tác JIT với cả các nước EU và ngoài EU, đã ký kết 30 thỏa thuận JIT vào năm 2022 và 41 thỏa thuận vào năm 2023 trong nhiều vụ án khác nhau. Trong bối cảnh các vụ án hối lộ nước ngoài ngày càng tinh vi và phức tạp, JIT là một công cụ quan trọng để tăng cường hợp tác quốc tế và nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

Ba Lan cũng đã cho phép các quốc gia khác sử dụng thông tin thuế do Ba Lan cung cấp cho mục đích phi thuế, đã cấp quyền này trong bốn trường hợp vi phạm rửa tiền và kế toán trong giai đoạn 2023-2024.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Ba Lan (MFA) tích cực đánh giá rủi ro tham nhũng và pháp quyền ở các nước đối tác, đồng thời CBA cung cấp đào tạo chống tham nhũng cho các quan chức ở Ukraine, Moldova và Georgia.

Cải thiện hệ thống thu thập dữ liệu

Nhận thức được tầm quan trọng của việc thu thập dữ liệu để đánh giá hiệu quả của các biện pháp chống tham nhũng, Ba Lan đã thực hiện một số bước để cải thiện hệ thống thu thập dữ liệu.

Hệ thống công nghệ thông tin của PPO hiện có khả năng thu thập dữ liệu thống kê về việc ngừng tố tụng do hết thời hiệu truy cứu. Hệ thống này cũng có khả năng cung cấp dữ liệu thống kê về các vụ án liên quan đến tội gian lận kế toán.

CBA cũng đã triển khai hệ thống "ETNA" cho phép theo dõi “tất cả các báo cáo mà CBA nhận được bằng phương tiện liên lạc điện tử”.

Cơ quan Tín dụng xuất khẩu Ba Lan (KUKE) đã ban hành chính sách mới, cho phép KUKE yêu cầu khách hàng hoàn trả toàn bộ số tiền bồi thường đã trả nếu người xuất khẩu của KUKE hoặc người nào đó thay mặt họ bị kết tội hối lộ. Mặt khác, Cơ quan Tình báo tài chính Ba Lan (FIU) đã ban hành hướng dẫn cập nhật về nhận biết khách hàng, bao gồm nghiên cứu trường hợp cụ thể liên quan đến các rủi ro tham nhũng.

Nhìn chung, Ba Lan đã đạt được những kết quả tích cực nhất định trong cuộc chiến chống tham nhũng. Nhóm Công tác OECD ghi nhận những nỗ lực của Ba Lan, đồng thời hi vọng Ba Lan sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để tăng cường hiệu quả của các biện pháp phòng chống tham nhũng trong tương lai.

Dương Nguyễn (theo OECD)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra