Bác Hồ với khát vọng hòa bình và tình hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới

Thứ sáu, 28/10/2022 16:04
(ThanhtraVietNam) - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thiết tha yêu chuộng hòa bình và Người đã tiên phong trong việc kêu gọi tình hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới.

Ngay từ năm 1923, nhà báo Liên Xô Osip Mandelstam đã viết trong bài viết “Thăm một chiến sĩ Cộng sản Quốc tế - Nguyễn Ái Quốc” trên tạp chí Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ) rằng phong thái cùng giọng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiến tác giả thấy được sự “yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”1. Chỉ ba tuần sau ngày Việt Nam tuyên bố độc lập, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn (23/9/1945), mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược nước ta một lần nữa. Trong Thư gửi những người Pháp ở Đông Dương (10/1945) đăng trên Báo Cứu quốc, số 72 và 74, ngày 20 và 23/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Hỡi những người Pháp ở Đông Dương! Các bạn không nghĩ rằng máu nhân loại đã chảy nhiều, rằng hòa bình – một nền hòa bình chân chính xây trên công bình và lý tưởng dân chủ phải thay cho chiến tranh, rằng tự do, bình đẳng, bác ái phải thực hiện trên khắp các nước không phân biệt chủng tộc và màu da... Tôi trịnh trọng cam đoan rằng những người Pháp làm ǎn lương thiện và sống yên ổn sẽ mãi mãi được chúng tôi trọng đãi như bè bạn, như anh em. Chúng tôi là một dân tộc ưa hoà bình, trọng quyền lợi và tự do của người khác”.

Ngày 16/2/1946, trong thư gửi Tổng thống Mỹ Harry S. Truman, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Cuộc xâm lược của Pháp đối với một dân tộc yêu chuộng hòa bình là một mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh thế giới… Liên hợp quốc phải giữ lời hứa. Họ phải can thiệp nhằm ngăn chặn cuộc chiến tranh phi nghĩa này, và để tỏ ra rằng trong thời bình họ có ý định thực hiện những nguyên tắc mà vì chúng, họ đã chiến đấu trong thời chiến”2.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Wilhelm Pieck (người thứ nhất từ trái sang) và Thủ tướng Otto Grotewohl trong chuyến thăm Cộng hòa Dân chủ Đức của Người vào tháng 7/1957. Ảnh tư liệu lịch sử. 

Để thể hiện thiện chí hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lời thăm nước Pháp vào năm 1946. Trong thời gian là trên đất Pháp, Người đã có gần 60 cuộc tiếp xúc với giới báo chí, tiếp xúc với 10 Bộ trưởng trong chính phủ Pháp, 14 tướng lĩnh và đô đốc, gặp gỡ Thủ tướng Pháp Georges Bidault... Khi tham quan khu di tích lịch sử Normandie, Người đã lấy bàn tay bịt nòng khẩu đại bác như một biểu tượng của tinh thần: Giữ gìn hòa bình! Ngăn chặn chiến tranh! Để thể hiện thiện chí mong muốn hòa bình, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ký Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946) và sau đó là bản Tạm ước Việt-Pháp (14/9/1946).

Trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc (12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”3.

Ngày 13/12/1946, trong bài trả lời phỏng vấn phóng viên Bernard Dranber (Báo Paris - Sài Gòn), Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh. Tôi biết là nhân dân Pháp không muốn chiến tranh. Cuộc chiến tranh này, chúng tôi muốn tránh bằng đủ mọi cách... Nước Việt Nam cần kiến thiết, nước Việt Nam không muốn là nơi chôn vùi hàng bao nhiêu sinh mạng”4.

Tuy nhiên, ngày 18/12/1946, thực dân Pháp gửi tối hậu thư cho Chính phủ ta đòi tước khí giới của lực lượng tự vệ và quyền kiểm soát thủ đô Hà Nội. Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (19/12/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Trong bức thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp năm mới 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết rõ: “Mong quốc dân Pháp hiểu rằng chúng tôi không thù hằn gì dân tộc Pháp. Chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu, chống bọn thực dân phản động đang mưu mô xẻ cắt Tổ quốc chúng tôi, đưa chúng tôi vào vòng nô lệ và gieo rắc sự chia rẽ giữa hai dân tộc Pháp và Việt. Nhưng chúng tôi không chiến đấu chống nước Pháp mới và quốc dân Pháp, chúng tôi lại còn muốn hợp tác thân ái”5.

Khi trả lời nhà báo Ấn Độ vào tháng 5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Thái độ nước Việt Nam đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè”6 và “Chính sách đối ngoại là thân thiện với tất cả các láng giềng Trung Hoa, Ấn Độ, Xiêm La, Cao Miên, Ai Lao, v.v.. mà không thù gì với nước nào”7.

Trả lời nhà báo Mỹ S.Elie Massie, hãng International News Service, vào tháng 9/1949 về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện chủ trương “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”8.

Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu phái đoàn Trung ương Đảng ta sang Trung Quốc rồi sang Liên Xô. Thông qua đó, Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chính phủ Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân ở châu Á, Đông Âu đã lần lượt công nhận Chính phủ ta và giúp đỡ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) của nhân dân ta. Trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cùng Chính phủ các nước trên thế giới ngày 14/1/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”9.

Khi Chính phủ Pháp muốn tìm đến giải pháp thương lượng để rút ra khỏi cuộc chiến tranh sau 8 năm sa lầy ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thiện chí sẵn sàng đàm phán: “Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do Chính phủ Pháp gây ra... nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học..., muốn đi đến đình chiến bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp nhận ý muốn đó. Cơ sở của việc đình chiến là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thực sự của Việt Nam”10. Sau Chiến  thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) của Việt Nam, Chính quyền Pháp sau đó phải ký Hiệp định Genève ngày 20/7/1954 chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương.

leftcenterrightdel
 Các sĩ quan, chiến sĩ hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Phái bộ Nam Sudan. Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Trong bài viết chúc mừng Hội nghị Á-Phi được khai mạc vào ngày 18/4/1955 tại Bangdung (Indonesia), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhân dân nước nào cũng yêu chuộng hòa bình, cũng chán ghét chiến tranh, cũng muốn sống tự do độc lập”.

Ngày 23/6/1955, trong lời phát biểu khi thăm Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trải qua mấy mươi nǎm bị đau khổ vì sự áp bức của bọn thực dân, nhân dân Việt Nam đã và đang tiến hành đấu tranh anh dũng. Với sự cố gắng bền bỉ và với ý chí bất khuất để giành lấy hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ ở Việt Nam, nhân dân Việt Nam vĩnh viễn không để cho bất cứ kẻ nào xâm lược nước mình, đồng thời cũng vĩnh viễn không xâm lược nước khác.

Nhân dân Việt Nam luôn luôn ủng hộ tất cả những cuộc đấu tranh chống xâm lược và bảo vệ hoà bình thế giới.

Nhân dân Việt Nam tin chắc rằng mọi sự phân tranh trên thế giới đều có thể giải quyết bằng cách hoà bình; tin chắc rằng các nước dù chế độ xã hội khác nhau và hình thái ý thức khác nhau cũng đều có thể chung sống hoà bình được.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt mọi quan hệ thân thiện hợp tác với bất cứ một nước nào trên nguyên tắc tôn trọng sự hoàn chỉnh về chủ quyền và lãnh thổ của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp vào nội trị của nhau, bình đẳng cùng có lợi và chung sống hòa bình. Chúng tôi tin chắc rằng sự hợp tác đó sẽ có lợi cho cả đôi bên và có lợi chung cho công cuộc hoà bình toàn thế giới”11.

Tháng 7/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam thăm hữu nghị Tiệp Khắc. Ngày 18/7/1957, Người đã đi thăm làng Lidice, cách Thủ đô Praha 16km, nơi bị phát xít Đức triệt hạ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Có 82 thiếu nhi của làng bị đưa vào trại tập trung ở Ba Lan và sau đó bị đầu độc bằng hơi ngạt. Tại nơi đây, Người đã nói: “Chúng ta quyết phấn đấu để cho trên thế giới không bao giờ có những cảnh thảm sát như ở Lidice nữa, để con cháu chúng ta không bao giờ phải nếm mùi khủng khiếp của chiến tranh, để con cháu chúng ta lớn lên sung sướng trong hòa bình”.

Ngày 1/1/1966, trong bức thư chúc mừng nhân dân Mỹ nhân dịp đầu năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự quý trọng tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Mỹ; hoan nghênh và cảm ơn nhân dân Mỹ đã đấu tranh đòi Chính phủ Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Người viết: “Nhân dân Việt Nam rất thiết tha với hòa bình, nhưng hòa bình thật sự không thể tách khỏi độc lập thực sự”12.

Ngày 12/1/1967, khi tiếp đoàn nhà báo Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập”13.

Trong lá thư viết trả lời Tổng thống Mỹ Richard Nixon ngày 25/8/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong trong độc lập và tự do thực sự”14.

Chú thích:

1.     Ban Tuyên giáo Trung ương, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 49

2.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4 , Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 176

3.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 470

4.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 473

5.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 3

6.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 163

7.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 199

8.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 256

9.     Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 311

10.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 168

11.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 12

12.  Lưu Văn Lợi – Nguyễn Anh Vũ, “Tiếp xúc bí mật Việt Nam – Hoa Kỳ trước hội nghị Pari”, Viện quan hệ quốc tế, Hà Nội, 1990, tr. 158

13.  Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, “Hồ Chí Minh-Biên niên tiểu sử”, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr. 11-12

14.  Hồ Chí Minh,:Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 448

Nguyễn Văn Toàn
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra