Sự kiện này đặc biệt đáng chú ý vì là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa ASEAN và GCC kể từ khi thiết lập quan hệ vào năm 1990 và thông qua tầm nhìn chung vào năm 2009.
Đa dạng hóa kinh tế chiếm vị trí trung tâm
Đa dạng hóa kinh tế nổi lên như chủ đề trọng tâm của các quốc gia GCC khi họ tìm cách giảm sự phụ thuộc truyền thống vào nguồn thu từ dầu mỏ. Các quốc gia vùng Vịnh đang ngày càng khám phá các thị trường mới, tập trung mạnh vào tiềm năng to lớn mà thị trường châu Á mang lại. Hội nghị thượng đỉnh lần này ưu tiên các cuộc thảo luận về đa dạng hóa kinh tế, do nó có vai trò then chốt trong các kế hoạch tương lai của GCC.
Hơn nữa, tính toán chiến lược của các quốc gia vùng Vịnh giờ đây đã vượt ra ngoài động cơ kinh tế. Bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, bao gồm cả việc Iran chuyển hướng sang phương Đông do các lệnh trừng phạt của phương Tây và sự cô lập quốc tế, đã khơi dậy kỷ nguyên cạnh tranh mới ở châu Á. Sự cạnh tranh từng chỉ giới hạn ở Trung Đông và châu Phi giờ đã mở rộng sang châu Á, làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Sự phát triển này đã khiến GCC đóng vai trò địa chính trị quan trọng hơn ở các khu vực ngoài vùng Vịnh, với nhiều quốc gia khác nhau, như Ảrập Xêút, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Qatar, đang tích cực theo đuổi các chiến lược và chính sách tập trung vào châu Á.
Tầm quan trọng ngày càng tăng của mối quan hệ ASEAN - GCC thể hiện rõ qua nhiều cuộc tiếp xúc, gặp gỡ và tương tác diễn ra giữa hai khối khu vực trong thời kỳ hậu Covid-19. Ngay trước khi Hội nghị Thượng đỉnh diễn ra, nhiều đại diện cấp cao của GCC và các quốc gia ASEAN đã sớm tập hợp ở Riyadh để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này. Các cuộc thảo luận bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, từ cơ hội thương mại, kinh tế đến các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Cần phải nhấn mạnh rằng Ảrập Xêút, nơi là trụ sở chính của GCC, đóng vai trò then chốt trong việc định hướng trọng tâm đổi mới của tổ chức vào châu Á. Cả Ảrập Xêút và UAE đều đang thúc đẩy GCC theo đuổi triển vọng kinh tế châu Á. Trong khi động lực của UAE chủ yếu bắt nguồn từ việc đa dạng hóa kinh tế, thì cách tiếp cận của Ảrập Xêút lại có động cơ địa chính trị hơn, đặc biệt là để đáp lại sự hiện diện ngày càng mở rộng của Iran ở châu Á. Qatar cũng tham gia “cuộc cạnh tranh” bằng cách thu hút đầu tư châu Á và phấn đấu trở thành một trong những trung tâm thương mại ở vùng Vịnh.
Lợi ích chung và mục tiêu hợp tác
Sự hội tụ lợi ích giữa ASEAN và GCC mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng như năng lượng, quốc phòng, an ninh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và chuyển giao công nghệ. Các nhà đầu tư GCC đã hướng chú ý vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ, thị trường bất động sản và các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, du lịch ở các quốc gia ASEAN. Đồng thời, các nước ASEAN mong muốn khai thác các nguồn lực đáng kể của các nước GCC. Hội nghị Thượng đỉnh lần này dự kiến sẽ định hình kế hoạch chiến lược, đặt ra các mục tiêu và chỉ tiêu trong khoảng thời gian hai hoặc bốn năm, từ đó củng cố, tiến tới nâng tầm mối quan hệ đang phát triển này.
Thực tế, trong những năm gần đây, ASEAN đã nâng cấp quan hệ với nhiều đối tác đối thoại khác nhau như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện (CSP). CSP là mức độ tham gia cao nhất của khối với các đối tác và chúng phản ánh chiều rộng và chiều sâu của các mối quan hệ đó. Trung Đông là đối tác tiếp theo mà ASEAN hiện xem xét hợp tác lớn hơn. Mối quan hệ giữa hai khu vực đã đạt được tiến triển với việc tất cả sáu thành viên GCC đều ký Hiệp ước hòa bình của ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và hợp tác trong những năm gần đây. Kuwait gần đây nhất đã tham gia hiệp ước vào tháng 9 năm nay. Các Ngoại trưởng của cả hai khối cũng gặp nhau hàng năm bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York.
Hội nghị lần này nhằm mục đích thúc đẩy quan hệ đối tác rộng hơn. Theo Tiến sĩ Jean-Loup Samaan, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Trung Đông thuộc Đại học quốc gia Singapore, động thái của GCC nhằm tăng cường quan hệ với các đối tác Đông Nam Á được thúc đẩy bởi tình hình địa chính trị hiện nay.
Ông nói: “Ngày càng có nhiều quốc gia vùng Vịnh thấy mình ở giữa cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc. Có những quốc gia như UAE hay Ảrập Xêút đang tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc về mặt kết nối”. “Và đó là những quốc gia trong lịch sử từng là đối tác thân thiết của Mỹ, vì vậy họ thấy mình đang ở vào tình thế khó khăn”. Tiến sĩ Samaan cho biết, khối vùng Vịnh đang hướng tới ASEAN như một trường hợp điển hình và mô hình cuối cùng để noi theo, trong việc học cách điều hướng cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Ngược lại, khi chuỗi cung ứng toàn cầu phát triển và sự phụ thuộc vào Trung Quốc gặp khó, các nước ASEAN coi đầu tư của GCC là giải pháp thay thế khả thi.
Nói chung, theo các nhà phân tích quốc tế, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - GCC phản ánh sự thừa nhận ngày càng tăng về vai trò quan trọng của châu Á và đặc biệt là Đông Nam Á trong các kế hoạch tương lai của các quốc gia vùng Vịnh. Quan hệ đối tác ASEAN - GCC hứa hẹn sẽ thúc đẩy cơ hội hợp tá, đồng thời mang lại lợi ích đôi bên cùng có lợi cho cả hai khối khu vực trong bối cảnh toàn cầu biến đổi năng động song phức tạp.