Chống tham nhũng trong doanh nghiệp: Những thách thức từ Đông Âu và Trung Á

Thứ ba, 20/08/2024 15:32
(ThanhtraVietNam) - Cuộc khảo sát năm 2024 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy, dù nhiều doanh nghiệp tại Đông Âu và Trung Á đã áp dụng các quy tắc chống tham nhũng, nhưng việc thực thi và hỗ trợ vẫn còn hạn chế. Các chuyên gia cảnh báo, cần có cam kết mạnh mẽ hơn từ cả doanh nghiệp lẫn chính phủ để đẩy lùi tham nhũng.

Thúc đẩy tính liêm chính trong kinh doanh trong khu vực

Mạng lưới Chống Tham nhũng của OECD tại Đông Âu và Trung Á (ACN) là một chương trình tiếp cận khu vực thuộc Nhóm Công tác về Chống hối lộ trong các giao dịch kinh doanh quốc tế của OECD, tập trung vào việc thúc đẩy các cải cách chống tham nhũng ở khu vực Đông Âu và Trung Á.

Được thành lập từ năm 1998, ACN đã góp phần đưa các quốc gia không phải thành viên OECD trong khu vực này tiến gần hơn với các tiêu chuẩn chống tham nhũng quốc tế, đồng thời tăng cường việc thực thi Công ước Chống hối lộ trong giao dịch thương mại quốc tế.

leftcenterrightdel

Mạng lưới chống tham nhũng Đông Âu và Trung Á là chương trình tiếp cận khu vực của Nhóm công tác về hối lộ của OECD, được thành lập năm 1998. (Ảnh: oecd.org)

Từ năm 2016, ACN đã tích cực thúc đẩy tính liêm chính trong kinh doanh, tìm kiếm các phương pháp mới để chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao tính liêm chính trong hoạt động kinh doanh tại khu vực này.

Năm 2021, những nỗ lực này đã được thể chế hóa qua Nhóm Liêm chính Kinh doanh, bao gồm các đại diện từ các công ty, hiệp hội doanh nghiệp, hành động tập thể và các tổ chức công thuộc ACN. Nhóm này họp hàng năm nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh doanh đạo đức trong khu vực, bằng cách chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các thành viên của OECD, EU và các khu vực khác.

ACN cũng thực hiện các cuộc khảo sát doanh nghiệp và tham vấn với nhiều bên liên quan trong việc thúc đẩy liêm chính trong kinh doanh tại các quốc gia thành viên. Thông tin thu thập được từ các khảo sát này giúp xây dựng các báo cáo phân tích khu vực định kỳ về xu hướng và thách thức, với phiên bản mới nhất được công bố vào năm 2022. Các nghiên cứu này không chỉ giúp xác định các giải pháp liêm chính mới nổi mà còn hỗ trợ các thành viên của ACN đưa ra quyết định chính sách phù hợp với quốc gia của họ.

Trong bối cảnh đó, năm 2024, ACN đã tiến hành một khảo sát nhằm khám phá việc áp dụng các cơ chế chống tham nhũng nội bộ của các doanh nghiệp, tuân theo các tiêu chuẩn và thực tiễn quốc tế, bao gồm Khuyến nghị Chống Hối lộ của OECD năm 2021 và Hướng dẫn về Kiểm soát Nội bộ, Đạo đức và Tuân thủ. Khảo sát cũng đề cập đến việc các công ty có nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ hoặc hiệp hội doanh nghiệp trong việc phát triển các cơ chế này hay không.

Đáng chú ý, cuộc khảo sát lần này đã tập trung vào một nhóm quốc gia nhỏ hơn, bao gồm Armenia, Azerbaijan, Georgia, Moldova và Ukraine, với mục tiêu đảm bảo một mẫu khảo sát đủ lớn tại mỗi quốc gia.

Các quốc gia này đều thuộc Sáng kiến Đối tác phía Đông của EU, trong đó Ukraine, Moldova và Georgia đã được trao quy chế ứng cử viên thành viên EU, làm tăng thêm tầm quan trọng của các nỗ lực chống tham nhũng tại các quốc gia này.

Kết quả cuộc khảo sát 2024: Chính sách chống tham nhũng tương đối phổ biến tại các quốc gia

Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp tại Armenia, Georgia và Moldova là các doanh nghiệp nhỏ, với số lượng nhân viên dưới 50 người. Ngược lại, các mẫu khảo sát tại Ukraine và Azerbaijan có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp vừa và lớn hơn, điều này ảnh hưởng đến cách diễn giải kết quả khảo sát.

Mặc dù phần lớn các công ty tham gia khảo sát đều thuộc sở hữu tư nhân, tại Azerbaijan và Ukraine, có khoảng 8% số công ty tham gia khảo sát là công ty thuộc sở hữu nhà nước hoặc sở hữu hỗn hợp. Kết quả cũng cho thấy, các doanh nghiệp tại Ukraine báo cáo tỷ lệ cao nhất về việc có giám đốc điều hành, ban quản lý, ủy ban kiểm toán, và cán bộ tuân thủ đạo đức. Trong khi đó, tại các quốc gia khác, số lượng công ty báo cáo có các vị trí này lại thấp hơn đáng kể.

Cuộc khảo sát cũng tập trung vào sự tồn tại của các quy tắc, cơ chế và quy trình nội bộ trong các công ty nhằm ngăn chặn tham nhũng. Một trong những cơ chế phổ biến nhất là bộ quy tắc đạo đức hoặc quy tắc ứng xử, với đa số các công ty tại bốn quốc gia và hơn hai phần ba công ty tại ba quốc gia cho biết họ có áp dụng quy tắc này. Chính sách chống tham nhũng cũng khá phổ biến, với đa số các công ty tại ba quốc gia báo cáo có chính sách này.

Tuy nhiên, một điều đáng lưu ý là mặc dù các công ty, doanh nghiệp tại Georgia và Ukraine có tỷ lệ áp dụng các cơ chế chống tham nhũng cao, nhưng việc cung cấp hướng dẫn cho nhân viên về tuân thủ các quy tắc này lại không được phổ biến. Hơn hai phần ba công ty tại Ukraine và Azerbaijan, cùng với phần lớn công ty tại Moldova, cho biết họ có cung cấp hướng dẫn, trong khi tại Georgia, tỷ lệ này lại thấp hơn.

Về khả năng phát hiện các vi phạm quy tắc chống tham nhũng, khảo sát cho thấy chỉ có tại Ukraine, đa số các công ty báo cáo có kênh báo cáo sai phạm cho nhân viên. Trong khi đó, mặc dù hầu hết các công ty tại cả năm quốc gia đều xác nhận có cung cấp sự bảo vệ cho người báo cáo, chỉ có tại Ukraine, đa số công ty đã thiết lập một kênh riêng để báo cáo sai phạm. Tại Azerbaijan, tỷ lệ cung cấp bảo vệ cho người báo cáo trong thực tế là cao nhất.

Về việc thực thi các quy tắc chống tham nhũng nội bộ, chỉ có tại Ukraine và Azerbaijan, một số lượng đáng kể các công ty báo cáo đã tiến hành ít nhất một cuộc điều tra về vi phạm quy tắc chống tham nhũng trong hai năm qua. Khảo sát cũng cho thấy tại Ukraine, các hiệp hội doanh nghiệp hoạt động tích cực hơn trong việc nâng cao nhận thức về liêm chính kinh doanh, so với các quốc gia khác.

Kết quả khảo sát nhấn mạnh sự cần thiết của các công ty, doanh nghiệp trong việc cam kết mạnh mẽ hơn với việc áp dụng các quy tắc chống tham nhũng nội bộ, đồng thời kêu gọi các chính phủ và hiệp hội doanh nghiệp cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) trong nỗ lực này.

Dương Nguyễn (Theo OECD)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra