Cơ quan giải quyết tố cáo và bảo vệ người tố cáo ở một số nước trên thế giới

Thứ năm, 02/12/2021 17:48
(ThanhtraVietNam) - Cách xây dựng và thực hiện pháp luật tố cáo ở mỗi quốc gia đều có sự khác biệt nhất định. Dưới đây là một số nghiên cứu nổi bật về các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo cũng như việc thực hiện biện pháp bảo vệ người tố cáo ở một số quốc gia, qua đó giúp chúng ta thấy được sự khác biệt trong vai trò và cách xây dựng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo ở các quốc gia này.

Người tố cáo đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện tham nhũng và các hành vi sai trái khác đe dọa tới cộng đồng. Do đó, một cơ chế bảo vệ người tố cáo hiệu quả là điều cần thiết để khuyến khích người dân tham gia phát hiện, tố cáo các hành vi tham nhũng. Cách xây dựng và thực hiện pháp luật tố cáo ở mỗi quốc gia đều có sự khác biệt nhất định. Dưới đây là một số nghiên cứu nổi bật về các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo cũng như việc thực hiện biện pháp bảo vệ người tố cáo ở một số quốc gia, qua đó giúp chúng ta thấy được sự khác biệt trong vai trò và cách xây dựng pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo ở các quốc gia này.

Tại Úc, Luật Công khai lợi ích công (PID) được thông qua vào năm 2013. Bộ luật quy định Thanh tra Khối thịnh vượng chung chịu trách nhiệm trước Quốc hội và chịu trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết đơn tố giác, đồng thời Luật cũng trao cho người tố cáo vai trò chủ chốt trong việc giám sát và thực thi.

Tuy nhiên, vai trò của Thanh tra Khối thịnh vượng chung trong việc tiếp nhận và giải quyết các đơn tố giác bên ngoài theo quy định của PID còn khá nhiều hạn chế. Theo đó, Thanh tra Khối thịnh vượng chung chỉ có thẩm quyền đối với các đơn tố giác về hành vi sai trái trong các cơ quan công cộng của liên bang. Thứ hai, Thanh tra Khối thịnh vượng chung chỉ có thể trực tiếp nhận đơn tố cáo khi nội dung tố cáo không phù hợp để tiết lộ nội bộ (khi có xung đột lợi ích, bảo mật hoặc vấn đề trả thù). Trong hầu hết các trường hợp, Thanh tra Khối thịnh vượng chung sẽ làm việc với người tố cáo và người bị tố cáo sau đó sẽ trao lại quyền điều tra cho cơ quan khác có liên quan. Trường hợp đặc biệt, khi Thanh tra Khối thịnh vượng chung tiếp nhận một đơn tố giác về hành vi sai trái, họ có quyền gặp nhân chứng, yêu cầu cơ quan điều tra cung cấp những tài liệu có liên quan. Thứ ba, Thanh tra Khối thịnh vượng chung cũng có thể tiếp nhận đơn khiếu nại đối với quyết định của cơ quan giải quyết tố cáo. Tuy nhiên, trong trường hợp đó, họ chỉ có thẩm quyền xem xét liệu việc xử lý đơn tố cáo và quyết định của cơ quan đó có hợp pháp, hợp lý và công bằng hay không chứ không điều tra lại vấn đề này.

leftcenterrightdel

Thanh tra Khối thịnh vượng chung chịu trách nhiệm về một số vấn đề như: Cung cấp thông tin cho người tố cáo về cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo, tư vấn cho các cơ quan công quyền có liên quan về việc thực hiện quy trình giải quyết tố cáo, thông qua thu thập dữ liệu từ các cơ quan công quyền và công bố báo cáo thường niên, thúc đẩy nhận thức và hiểu biết về luật PID. Tổ chức Minh bạch Quốc tế Úc và một nghiên cứu của Quốc hội năm 2017 đã nhấn mạnh sự cần thiết và đưa ra đề xuất thành lập một cơ quan bảo vệ người tố cáo với vai trò hỗ trợ người tố cáo, cơ quan điều tra và cơ quan quản lý, hỗ trợ việc thực thi pháp luật và đưa ra lời khuyên, biện pháp khắc phục.

Tại Israel, kiểm sát viên và thanh tra nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết các đơn tố cáo bên ngoài, họ đóng một vai trò quan trọng trong việc giám sát và thực hiện bảo vệ người tố giác thông qua Văn phòng Thanh tra Quốc gia. Văn phòng Thanh tra là một đơn vị đặc biệt trong Văn phòng Kiểm sát và Thanh tra Nhà nước, đồng thời chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Họ có thẩm quyền truy cập vào các tài liệu và thông tin có liên quan, cũng như quyền triệu tập các nhân chứng. Trong trường hợp thanh tra viên thấy đơn tố cáo là hợp pháp, họ có thể đưa ra các khuyến nghị để khắc phục vấn đề và các tổ chức công cộng phải thông báo cho thanh tra về các bước sẽ thực hiện để giải quyết vấn đề đó. Văn phòng Thanh tra có các văn phòng khu vực với mục đích tăng khả năng tiếp cận trên toàn quốc, giúp cho các cuộc điều tra thuận lợi hơn trong trường hợp điều tra viên phải giải quyết các khiếu nại chống lại cơ quan khu vực.

Thanh tra chịu trách nhiệm cho nhiều nhiệm vụ liên quan đến giám sát và thực thi luật tố cáo, nhưng chỉ liên quan đến khu vực công. Họ có quyền hạn rộng lớn trong việc bảo vệ người tố giác. Họ có thể điều tra các khiếu nại của người tố giác về việc trả thù và ban hành lệnh bảo vệ tạm thời cho người tố giác, cho đến khi kết thúc cuộc điều tra hoặc cho đến khi thanh tra đưa ra một quyết định khác có liên quan và những người vi phạm lệnh bảo vệ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Những diễn biến gần đây ở Israel cho thấy đã có những bước tiến lớn trong việc thực hiện bảo vệ và hỗ trợ người tố giác tội phạm, đặc biệt là cung cấp hỗ trợ tâm lý cho người tố giác và các thành viên gia đình của họ, cũng như cung cấp trợ giúp pháp lý. Trong trường hợp người tố giác phải đối mặt với những mối đe dọa tới an toàn, thanh tra viên có thể giới thiệu họ đến Cơ quan Bảo vệ Nhân chứng Israel. Các văn phòng thanh tra khu vực cũng tham gia vào việc nâng cao nhận thức của công chúng bằng cách tuyên truyền về thẩm quyền của thanh tra viên, phương thức gửi khiếu nại bằng nhiều ngôn ngữ trên báo chí và thông qua tờ rơi.

Tại Hàn Quốc, Ủy ban độc lập chống tham nhũng Hàn Quốc (KICAC), được thành lập năm 2002 và đảm nhận nhiệm vụ tiếp nhận đơn tố cáo cũng như bảo vệ và khen thưởng người tố giác. Năm 2008, KICAC được kết hợp với thanh tra viên và Ủy ban Phúc thẩm Hành chính, trở thành Ủy ban Chống tham nhũng và Dân quyền (ACRC). ACRC nhận những đơn tố cáo bên ngoài và phân bổ cho các cơ quan có thẩm quyền liên quan để điều tra. Sau khi kết thúc điều tra, cơ quan có thẩm quyền thông báo cho ACRC về kết quả điều tra, sau đó ACRC sẽ thông báo lại cho người tố giác. Một cơ quan có 60 ngày kể từ khi nhận được đơn tố cáo để hoàn thành cuộc điều tra. Thời hạn này có thể được gia hạn vì những lý do chính đáng và phải thông báo cho ACRC.

ACRC có thể ban hành quyết định bảo vệ người tố cáo để ngăn chặn việc trả thù, chẳng hạn như chuyển sang vị trí khác và hủy bỏ bất kỳ biện pháp bất lợi nào đối với họ. Họ có thể áp dụng tiền phạt trong trường hợp cơ quan, tổ chức không tuân thủ luật bảo vệ người tố giác và thậm chí còn được ủy quyền kiểm tra xem các điều luật này có được thực hiện đầy đủ hay không và liệu người tố giác có phải đối mặt với bất kỳ sự trả thù nào nữa hay không. Như một biện pháp bảo vệ bổ sung, ACRC có thể yêu cầu cảnh sát thực hiện bảo vệ người tố giác và thành viên gia đình của họ trong trường hợp nguy hiểm đến tính mạng. ACRC có trách nhiệm khen thưởng người tố cáo nếu báo cáo của họ đã đóng góp trực tiếp lợi ích cho các cơ quan nhà nước hoặc lợi ích công cộng. Liên quan đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng, Viện Đào tạo Chống tham nhũng (ACTI), được thành lập theo ACRC vào năm 2012, hoạt động để thay đổi nhận thức và cải thiện các tiêu chuẩn đạo đức của các quan chức nhà nước. ACRC không cung cấp trợ giúp pháp lý hoặc hỗ trợ tài chính miễn phí cho người tố giác.

Qua các ví dụ trên ta có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau: Một là, các ở các quốc gia khác nhau sẽ có những cơ quan giải quyết tố cáo cũng như cách xây dựng pháp luật tố cáo và bảo vệ người tố cáo khác nhau, điều này cho thấy rằng không có chuẩn mực nhất định nào có thể phù hợp với từng quốc gia. Hai là, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo cần được cung cấp đầy đủ nguồn lực và quyền hạn để thực hiện công việc của họ. Ba là, cần lưu ý không nên để người tố cáo chống lại những hành vi trả đũa một mình, đặc biệt là ở những quốc gia không hỗ trợ pháp lý và tài chính cho người tố giác./.

Quỳnh Nhi

(Nguồn: https://knowledgehub.transparency.org/helpdesk/institutional-arrangements-for-whistleblowing-challenges-and-best-practices)

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra