Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lebanon bị bắt vì gian lận

Thứ sáu, 06/09/2024 11:33
(ThanhtraVietNam) - Riad Salameh, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lebanon, từng được ca ngợi là "phù thủy tài chính," đã bị bắt với cáo buộc gian lận. Từng được xem như một biểu tượng ổn định của hệ thống tài chính Lebanon, hình ảnh của ông đã bị hoen ố bởi các vụ bê bối tham nhũng cả trong và ngoài nước, cũng như sự sụp đổ nghiêm trọng của ngành ngân hàng vào năm 2019.

Salameh, 74 tuổi, từng là người bảo vệ cho hệ thống tài chính của Lebanon cho đến khi cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra, đẩy người dân vào cảnh nghèo đói và khiến phần lớn các khoản tiết kiệm bị đóng băng.

Theo một nguồn tin tư pháp cấp cao của Lebanon, Salameh đã bị bắt với các cáo buộc rửa tiền, gian lận, và biển thủ liên quan đến công ty môi giới Lebanon tên là Optimum Invest, một trong nhiều cuộc điều tra mà ông đang đối mặt.

Cả Salameh và luật sư của ông đều không đưa ra phản hồi liên quan đến sự việc trên. Tổng giám đốc điều hành của Optimum cho biết, họ đã tiến hành kiểm toán tài chính vào đầu năm nay liên quan đến các giao dịch với ngân hàng trung ương và không phát hiện bất kỳ bằng chứng nào về hành vi sai trái của công ty.

Một cuộc điều tra riêng biệt đã được tiến hành nhằm vào các khoản hoa hồng mà ngân hàng trung ương thu từ các ngân hàng để mua chứng khoán chính phủ, với số tiền thu được từ các giao dịch này được chuyển đến Forry Associates, một công ty do anh trai của Salameh, Raja Salameh, kiểm soát.

Cuộc điều tra này bắt đầu từ Thụy Sĩ, nơi giới chức năng đang điều tra xem liệu hai anh em nhà Salameh có chiếm đoạt bất hợp pháp hơn 300 triệu đô la từ ngân hàng trung ương trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến 2015 hay không. Cả hai đều phủ nhận các cáo buộc này.

Salameh đã từ chức vào tháng 7 năm 2023, và trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, ông khẳng định mình "làm việc theo luật pháp và tôn trọng quyền hợp pháp của người khác." Tuy nhiên, một tháng sau khi rời nhiệm sở, Hoa Kỳ, Anh, và Canada đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Salameh, cáo buộc ông tham nhũng để làm giàu cho bản thân và các cộng sự của mình, những cáo buộc mà ông tiếp tục phủ nhận.

Chính quyền Pháp và Đức cũng đã phát lệnh bắt giữ Salameh vào năm ngoái. Lệnh truy nã đỏ của Interpol xác nhận rằng cả hai quốc gia đều đang truy nã ông. Lệnh truy nã do Pháp phát hành liệt kê các cáo buộc như rửa tiền có tổ chức, trong khi lệnh từ Đức cũng nhấn mạnh cáo buộc tương tự.

leftcenterrightdel
 Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lebanon Riad Salameh phát biểu trong một cuộc họp báo tại Ngân hàng Trung ương ở Beirut, Lebanon. (Ảnh: Reuters)

Salameh cho biết năm ngoái luật sư của ông đã đệ đơn kiện các lệnh bắt giữ tại Pháp và Đức. Vào tháng 6, chính quyền Đức đã hủy lệnh bắt giữ ông vì lý do kỹ thuật, nhưng vẫn tiếp tục điều tra và đóng băng tài sản của ông, theo thông tin từ văn phòng công tố Munich.

Salameh từng được coi là một nhà quản lý tài chính xuất sắc, khác biệt với nhiều chính trị gia cầm quyền của Lebanon, trong đó có không ít người là các cựu lãnh đạo dân quân từ cuộc nội chiến 1975-1990. Ông từng thường xuyên tham dự các hội nghị tài chính danh giá, nhận nhiều giải thưởng và nắm giữ quyền lực rộng rãi với tư cách là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lebanon.

Dưới sự lãnh đạo của Salameh, người gửi tiền đã được hưởng lãi suất cao và có thể chuyển đổi đồng bảng Lebanon sang đô la theo tỷ giá cố định mà ông duy trì từ năm 1997. Tuy nhiên, tài chính quốc gia bắt đầu yếu dần khi dòng kiều hối bằng đô la giảm sút, gây áp lực lớn lên một hệ thống tài chính cần dòng tiền liên tục để duy trì hoạt động.

Năm 2016, Salameh đã duy trì hệ thống này bằng cách thu hút đô la từ các ngân hàng địa phương với lãi suất cao, một chiến lược mà những người chỉ trích gọi là "chương trình Ponzi," vì nó phụ thuộc vào việc vay nợ mới để trả nợ cũ. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương khẳng định các hoạt động này là hợp pháp, và Salameh bác bỏ quan điểm rằng ông đã điều hành một chương trình Ponzi.

Thảo Phạm (Theo Reuters)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra