Diễn đàn ASEAN về giới và giảm nhẹ rủi ro thiên tai

Thứ năm, 11/11/2021 08:03
(ThanhtraVietNam) - Ngày 10/11/2021, Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp với Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại sứ quán Thụy Điển, Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng Giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Tổ chức hỗ trợ Nhân đạo của Liên minh Châu Âu đồng tổ chức Diễn đàn ASEAN về Giới và giảm nhẹ rủi ro thiên tai với chủ đề “05 năm sau Khuyến nghị Hà Nội”.

Theo đánh giá tại Diễn đàn, tại các nước ASEAN khác, tình hình thiên tai đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 càn quét cả khu vực trong năm 2020-2021 đã khiến cho cho công tác ứng phó thiên tai càng khó khăn hơn khi chính quyền và người dân phải đối mặt với thảm họa kép. Thiên tai trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang dần trở nên bất thường, cực đoan cả về tần suất và mức độ, ảnh hưởng tới tính mạng và cuộc sống của người dân, đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến nhóm dân cư nghèo và yếu thế nhất trong xã hội. Những năm gần đây tại Việt Nam, 20/21 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) đã xảy ra trên khắp đất nước, trong đó nhiều trận thiên tai lớn xảy ra như đợt hạn hán kéo dài năm 2015-2016 xảy ra tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên, bão Damrey năm 2017 có cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 đổ bộ vào tỉnh Khánh Hòa và các khu vực lân cận; đợt mưa lớn gây sạt lở đất, ngập lụt lịch sử kéo dài tại Miền Trung năm 2020 gây nhiều thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, trong đó phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng luôn chịu nhiều thiệt thòi.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Diễn đàn (Ảnh PV )

Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai giai đoạn 2015-2030 được thông qua tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 3 về giảm nhẹ rủi ro thiên tai diễn ra tại Sendai, Nhật Bản. Nguyên tắc số 4 hướng dẫn việc thực hiện Khung hành động Sendai yêu cầu các yếu tố về giới, tuổi tác, khuyết tật, quan điểm văn hóa và tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ và thanh niên cần được lồng ghép trong tất cả các chính sách và thực tiễn; nguyên tắc số 7 yêu cầu cách tiếp cận đa hiểm họa và quá trình ra quyết định tính đến rủi ro, có sự tham gia rộng rãi, dựa trên cơ sở trao đổi cởi mở và phổ biến dữ liệu phân tách theo giới tính, tuổi tác, khuyết tật, cũng như việc truy cập dễ dàng và thường xuyên cập nhật các thông tin rủi ro không nhạy cảm, dễ hiểu, có sơ sở khoa học, được bổ sung bởi tri thức truyền thống trong hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Cách đây 05 năm, Hội nghị khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về Giới và giảm thiểu rủi ro thiên tai lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 16/5 đến 18/5/2016 nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của phụ nữ trong công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai. Kết thúc Hội nghị, chuyên gia từ 22 quốc gia và các đại biểu đã thống nhất ra tuyên bố chung có tên “Tuyên bố Hà Nội về Giới trong Phòng, chống thiên tai” nhằm kêu gọi các hành động chiến lược nhằm lồng ghép Giới vào tất cả các chương trình và chính sách về giảm thiểu rủi ro thiên tai trong khu vực và trong quá trình thực hiện Khung hành động Sendai toàn cầu về giảm nhẹ thiên tai giai đến 2030. Những khuyến nghị này sau đó đã được lồng ghép vào trong các quá trình ra quyết định, bao gồm Kế hoạch thực hiện Khung hành động Sendai cấp khu vực Châu Á năm 2018. Năm 2021, đánh dấu 05 năm Tuyên bố Hà Nội được các Quốc gia và các bên liên quan tham khảo và triển khai thực hiện trong công tác giảm thiểu rủi ro thiên tai. 

leftcenterrightdel
Ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai phát biểu khai mạc tại Diễn đàn (Ảnh PV)

Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn với vai trò là nước chủ nhà, Ông Phạm Đức Luận, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai nhận định: “Để ứng phó với thiên tai, phụ nữ có những kinh nghiệm hay và các đóng góp quan trọng của riêng mình vì phụ nữ có vai trò quan trọng đối với gia đình, cộng đồng. Nhưng cho đến nay, công tác phòng, chống thiên tai vẫn thường huy động nhiều sự tham gia của nam giới. Bên cạnh đó, những định kiến về giới cũng khiến cho những đóng góp của phụ nữ chưa được nhìn nhận. Điều này làm cho những kinh nghiệm hay và các đóng góp của phụ nữ chưa được ghi nhận và sử dụng một cách hiệu quả vào công tác phòng chống thiên tai tại Việt Nam, và thậm chí cả khu vực ASEAN.”

Diễn đàn ASEAN về Giới và giảm nhẹ rủi ro thiên tai với chủ đề “05 năm sau Khuyến nghị hành động Hà Nội” là dịp để chúng ta nhìn lại những thành công và xác định những khó khăn còn tồn tại. Thông qua các báo cáo về điển hình tốt và kinh nghiệm quản lý rủi ro thiên tai của các nước trong khu vực, đồng thời xem xét các thành tựu chính về trao quyền cho phụ nữ trong GNRRTT của từng quốc gia thành viên ASEAN, diễn đàn sẽ thảo luận và đề xuất các giải pháp cập nhật các Khuyến nghị Hà Nội trong tương lai.

Việt Anh

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
 
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra