Đo lường tiến độ Mục tiêu Phát triển Bền vững 16.5: Thách thức và giải pháp

Thứ bảy, 12/10/2024 08:01
(ThanhtraVietNam) - Mục tiêu Phát triển bền vững 16.5 của Liên hợp quốc nhằm giảm thiểu tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức. Tuy nhiên, việc đo lường tiến trình đạt Mục tiêu này còn gặp nhiều khó khăn do thiếu dữ liệu, các tiêu chí đo lường hẹp và chưa rõ ràng.

Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) đã phát triển các tài liệu hỗ trợ quốc gia trong việc thu thập và báo cáo dữ liệu về hối lộ. Theo đó, Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) 16.5 khuyến nghị các quốc gia phải “giảm đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức”. Để đo lường việc thực hiện mục tiêu này, UNODC đã thiết lập hai chỉ số sau:

  • 16.5.1: Tỷ lệ người dân có ít nhất một lần tiếp xúc với cán bộ công quyền và đã đưa hối lộ, hoặc bị yêu cầu hối lộ trong 12 tháng qua.
  • 16.5.2: Tỷ lệ doanh nghiệp có ít nhất một lần tiếp xúc với cán bộ công quyền và đã đưa hối lộ, hoặc bị yêu cầu hối lộ trong 12 tháng qua.

Hai chỉ số này đo lường tỷ lệ hối lộ của cá nhân và doanh nghiệp có tiếp xúc với cơ quan công quyền, tập trung vào tần suất hối lộ dựa trên người dùng thay vì số lần tiếp xúc.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa (nguồn: u4.no)

Các quốc gia đo lường tiến độ SDG 16.5 như thế nào?

Các cơ quan thống kê quốc gia thực hiện các khảo sát, yêu cầu cá nhân và đại diện doanh nghiệp cung cấp dữ liệu về tần suất hối lộ, cũng như cảm nhận về tham nhũng. Các khảo sát thường bao gồm các câu hỏi liên quan đến tần suất hối lộ và tiếp xúc với các dịch vụ như cảnh sát, y tế, và giáo dục. Nếu người trả lời tiếp xúc với dịch vụ công, họ sẽ được hỏi về việc có hay không việc đưa hối lộ hoặc các khoản thanh toán ngoài quy định.

Tỷ lệ tần suất hối lộ được tính bằng công thức:

Tần suất hối lộ = (Số người đưa hối lộ/Số người tiếp xúc với cán bộ công quyền) x 100.

UNODC xác thực dữ liệu vào nửa cuối mỗi năm như một phần của Khảo sát Liên hợp quốc về xu hướng tội phạm và hoạt động của Hệ thống Tư pháp hình sự. Dữ liệu sẽ được công bố vào quý II năm sau.

Để hỗ trợ các quốc gia, UNODC đã xuất bản một tài liệu hướng dẫn về cách thực hiện và phân tích khảo sát tham nhũng vào năm 2018, sau đó là một bảng câu hỏi mẫu vào năm 2022. Bảng câu hỏi này bao gồm 15 loại cơ quan công quyền để thu thập dữ liệu về hối lộ và có thể bổ sung thêm loại khác. Các cuộc khảo sát cần thu thập dữ liệu nhân khẩu học để có thể phân tách thống kê theo giới tính, độ tuổi, và trình độ học vấn.

Tiến bộ không đồng đều trong việc giảm hối lộ

Việc đo lường tiến độ của SDG 16.5 gặp nhiều hạn chế. Cụ thể, thiếu định nghĩa rõ ràng: Cụm từ "giảm đáng kể" và "mọi hình thức" vẫn chưa được định nghĩa cụ thể. Tham nhũng có nhiều hình thức khác nhau, không chỉ dừng lại ở hối lộ, do đó chưa rõ thế nào là một sự cải thiện "đáng kể".

Ngoài ra, việc thiếu dữ liệu đầy đủ cũng là một khó khăn khác trong đo lường tiến độ của SDG 16.5. Mặc dù có hơn 120 quốc gia có ít nhất một điểm dữ liệu về tần suất hối lộ, nhưng chỉ 25 quốc gia đã cung cấp dữ liệu cho chỉ số 16.5.1. Chỉ có 63 quốc gia có đủ dữ liệu để tính toán thay đổi về tần suất hối lộ từ năm 2015 đến 2022. Một số quốc gia đã giảm tần suất hối lộ cá nhân một cách đáng kể, như Việt Nam (-50%), Cộng hòa Dominican (-42%), và Ấn Độ (-30%).

Tuy nhiên, việc không có một năm cơ sở chung để so sánh khiến việc đánh giá tiến bộ trở nên khó khăn. Đặt một ngưỡng giảm hối lộ cụ thể có thể tạo ra sự bất công đối với các quốc gia có tần suất hối lộ ban đầu thấp.

Tần suất hối lộ doanh nghiệp: Chỉ số 16.5.2

Dữ liệu cho chỉ số 16.5.2 được lấy từ các Khảo sát Doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới. Trong số 107 quốc gia có dữ liệu, chỉ có bốn quốc gia có đủ thông tin để tính toán tiến bộ. Ví dụ, Malaysia đã giảm tỷ lệ hối lộ doanh nghiệp từ 28,21% (2015) xuống còn 0,43% (2019). Trong khi đó, tại Lào, tỷ lệ này tăng từ 16,38% (2016) lên 40,29% (2018).

Cải thiện chỉ số tham nhũng trong tương lai

Các biện pháp hiện tại của cả hai chỉ số SDG vẫn chưa đạt yêu cầu. Một hạn chế của chỉ số 16.5.1 là dựa vào các cơ quan thống kê quốc gia để thu thập dữ liệu, dẫn đến sự chênh lệch về số liệu. Để khắc phục, UNODC có thể mở rộng tần suất khảo sát hoặc hỗ trợ kinh phí cho các khảo sát tham nhũng.

Đối với chỉ số 16.5.2, việc chỉ dựa vào Khảo sát Doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới là không đủ. UNODC nên đồng tài trợ cho các khảo sát hằng năm và yêu cầu các quốc gia tự báo cáo về tần suất hối lộ trong doanh nghiệp.

Nếu muốn đạt được mục tiêu “giảm đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức”, cần định nghĩa rõ ràng hơn về “giảm đáng kể”, mở rộng phạm vi hối lộ, thiết lập một năm cơ sở chung và thu thập dữ liệu thường xuyên hơn.

Dương Nguyễn (Theo The U4 Anti-Corruption Resource Centre)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra