Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ tham dự Hội nghị Khu vực lần thứ 11 của Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Thứ sáu, 12/05/2023 09:00
(ThanhtraVietNam) - Thực hiện kế hoạch hoạt động đối ngoại năm 2023, Đoàn công tác Thanh tra Chính phủ do bà Trịnh Như Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế làm Trưởng đoàn, đã tham dự Hội nghị Khu vực lần thứ 11 của Sáng kiến Chống tham nhũng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ACI) diễn ra từ ngày 09-11/5/2023 tại Ma-ni-la, Phi-líp-pin theo lời mời của Ban Thư ký Sáng kiến.

Hội nghị ACI lần thứ 11 được xây dựng với chủ đề “Từ dịch bệnh đến hồi phục: Xây dựng các nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh thông qua minh bạch, liêm chính và sự tín nhiệm” với các hoạt động chính bao gồm: (i) Lễ khai mạc cấp cao và Phiên họp toàn thể; (ii) Cuộc họp về chủ đề liêm chính trong kinh doanh; (iii) Cuộc họp của Mạng lưới Liêm chính công (PIN); (iv) Cuộc họp của Mạng lưới các cơ quan thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng (LEN); (v) Cuộc họp lần thứ 25 Ban Điều hành Sáng kiến.

leftcenterrightdel
Hình ảnh tại Phiên khai mạc . Ảnh: Ngọc Vân

Hội nghị năm nay quy tụ các đại biểu đến từ các cơ quan về liêm chính và chống tham nhũng, các cán bộ thực thi pháp luật, các công tố viên, các nhà hoạch định chính sách, cơ quan giám sát của các quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên, cũng như đại diện của khối doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong khu vực để thảo luận các chính sách liên quan, chia sẻ những công cụ thực tiễn trong phòng chống tham nhũng và các rủi ro liên quan đến liêm chính, đồng thời tăng cường tính minh bạch, liêm chính và sự tín nhiệm để thúc đẩy phục hồi các nền kinh tế.

Trong Phiên khai mạc cấp cao và Phiên thảo luận toàn thể, thông qua cuộc đối thoại với các đại biểu cấp cao đến từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Hội nghị đã xác định những thách thức trong việc tạo dựng lòng tin, sự liêm chính và duy trì môi trường minh bạch để phục hồi kinh tế bền vững trong khu vực và rút ra những bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng COVID-19, đồng thời thảo luận các vấn đề về bảo vệ người tố cáo tham nhũng, bao gồm các thách thức thực tế như đảm bảo tính ẩn danh, khuyến khích tố giác và xác định, xử lý các hành vi trả thù, trù dập người tố cáo, khẳng định đây là những hành vi cần phải áp dụng chế tài xử phạt thật nặng.

leftcenterrightdel
Phiên họp cấp cao toàn thể . Ảnh: Ngọc Vân

Trong các phiên họp về Liêm chính trong kinh doanh, Hội nghị tập trung chia sẻ, thảo luận về các sáng kiến hành động tập thể với nội dung xoay quanh hợp tác giữa các doanh nghiệp và vai trò của các tổ chức doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp trong việc thúc đẩy phòng chống tham nhũng; đánh giá rủi ro liêm chính trong khu vực ngoài nhà nước, đồng thời thảo luận về vai trò của các chính phủ trong việc thực hiện các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các sáng kiến hành động tập thể.

Trong các phiên họp về Liêm chính công, Hội nghị đã thảo luận về đánh giá rủi ro liêm chính trong khu vực nhà nước với những chia sẻ đến từ đại biểu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ủy ban Chống tham nhũng In-đô-nê-xi-a (KPK), Ủy ban Chống tham nhũng Độc lập của Hồng Kông (ICAC) và về tính độc lập của các cơ quan có chức năng liêm chính, phòng chống tham nhũng với chia sẻ của đại diện Ủy ban Chống tham nhũng Bhutan và Văn phòng Công tố Ốt-xơ-trây-li-a. Các phiên họp về Liêm chính công cũng tập trung chia sẻ kết quả đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế và thảo luận về quản lý xung đột lợi ích, giới thiệu kinh nghiệm của Hàn Quốc trong vấn đề này.

leftcenterrightdel

Đại biểu của Thanh tra Chính phủ Việt Nam chia sẻ tại Cuộc họp Ban Điều hành Sáng kiến. Ảnh: Ngọc Vân 

Tại Cuộc họp Ban điều hành Sáng kiến ACI, Ban Thư ký Sáng kiến mời các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên và Ban cố vấn của Sáng kiến chia sẻ về những kết quả chính của Hội nghị và thảo luận những định hướng hoạt động tiếp theo. Ban Thư ký và các thành viên của Sáng kiến đề xuất các vấn đề ưu tiên trong giai đoạn mới tập trung vào nâng cao năng lực, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong điều tra, phòng ngừa tham nhũng, các chủ đề ưu tiên và phương thức vận hành của Sáng kiến thời gian tới. Các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên hi vọng Sáng kiến tiếp tục hoạt động hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hợp tác khu vực về phòng, chống tham nhũng.

Về Sáng kiến ACI và sự tham gia của Việt Nam

Sáng kiến ACI do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng từ năm 1999. Đây là một diễn đàn khu vực nhằm hỗ trợ cho các nỗ lực phòng, chống tham nhũng tại các quốc gia, vùng lãnh thổ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Cốt lõi của Sáng kiến là bản Kế hoạch Hành động Chống tham nhũng trong đó nêu ba trụ cột hành động (phát triển hệ thống dịch vụ công minh bạch, hiệu quả; tăng cường hoạt động chống hối lộ và tăng cường liêm chính trong kinh doanh; ủng hộ sự tham gia của công chúng). Ngoài ra, năm 2010, các thành viên Sáng kiến nhất trí thông qua các Nguyên tắc chiến lược trong đó lấy việc thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng là ưu tiên hoạt động của Sáng kiến từ năm 2011 trở đi.

Cơ quan nòng cốt của Sáng kiến là Ban điều hành, gồm đại diện các thành viên của Sáng kiến. Ban điều hành họp mỗi năm một lần, quyết định về các hoạt động, chiến lược, chương trình hoạt động của Sáng kiến. Giúp việc cho Ban điều hành có Ban thư ký Sáng kiến. Kinh phí hoạt động của Sáng kiến chủ yếu do ADB và OECD đóng góp. Các thành viên đóng góp dưới hình thức đăng cai các cuộc họp, hội nghị, hội thảo của Sáng kiến. Đến thời điểm hiện tại, Sáng kiến gồm 34 quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên và Ban cố vấn. Trong khuôn khổ Sáng kiến còn có Mạng lưới các cơ quan thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng (LEN) thành lập năm 2015 và Mạng lưới Liêm chính công (PIN) thành lập năm 2016.

Chính phủ Việt Nam tham gia Sáng kiến ACI từ năm 2004 trong đó TTCP là cơ quan đại diện. Là một thành viên tích cực và trách nhiệm của Sáng kiến, Việt Nam (TTCP chủ trì) đã 03 lần đăng cai tổ chức thành công Cuộc họp thường niên của Ban điều hành Sáng kiến và các hội nghị, hội thảo khu vực (năm 2005, 2012 và 2019). Việc tham gia Hội nghị Khu vực lần thứ 11 của Sáng kiến tiếp tục thể hiện vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam trong tham gia các hoạt động hợp tác, hoạch định, định hướng hành động của Sáng kiến trong giai đoạn tới.


Lưu Thị Ngọc Vân,
Vụ Hợp tác Quốc tế, Thanh tra Chính phủ
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra