Năm 2021 là năm tiếp tục khó khăn đối với ASEAN. Tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng và phức tạp, các điểm nóng an ninh truyền thống chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cùng với các thách thức an ninh phi truyền thống không ngừng gia tăng, nhất là dịch bệnh Covid-19 bùng phát nghiêm trọng với tốc độ lây lan tăng cao.
Ở Đông Nam Á, tính đến đầu tháng 9/2021 đã có hơn 9,6 triệu trường hợp nhiễm Covid-19, với số ca mắc đã vượt qua 91.000 ca mỗi ngày và tỷ lệ tử vong 2,2%, vừa đe dọa nghiêm trọng thành quả chống dịch của các nước, vừa làm chậm tiến trình phục hồi của khu vực. Mặc dù, thế giới đã sản xuất được vắc xin ngừa Covid-19, nhưng việc tiếp cận, phân bổ công bằng vắc xin vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại các nước đang phát triển, ảnh hưởng tới mục tiêu nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng trong khu vực.
Kinh tế ASEAN vẫn duy trì triển vọng phục hồi tích cực, song bấp bênh và không đồng đều. Dự kiến, tăng trưởng của ASEAN đạt 4,0% trong năm nay và 5,2% vào năm 2022. Trong quý II/2021, 6 nước ASEAN ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, dao động từ 7,1 đến 16,1%. Đáng nói, Việt Nam là thành viên ASEAN duy nhất vẫn duy trì mức tăng trưởng dương trong quý đầu tiên của năm 2019 đến quý đầu tiên của năm 2021.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 39 tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Cọ xát chiến lược và cạnh tranh nước lớn ngày càng gia tăng và dưới nhiều hình thái mới như sự hình thành các nhóm quốc gia hay các thỏa thuận, dàn xếp về an ninh, các ý tưởng mới trong tập hợp lực lượng. Đây là nhân tố có thể tác động tới cân bằng chiến lược ở khu vực, phần nào thách thức vị trí trung tâm của ASEAN.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38&39 và Hội nghị Cấp cao giữa ASEAN với các Đối tác được tổ chức trực tuyến từ 26-28/10/2021 là dịp đầu tiên trong năm 2021, lãnh đạo các nước ASEAN trao đổi và chỉ đạo về chính sách, cũng như quyết định tất cả các vấn đề then chốt liên quan đến thực hiện các mục tiêu của ASEAN .
Do đó, chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN 38&39 và Hội nghị Cấp cao với các Đối tác lần này là sự kiện cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN và là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức có quy mô nhất trong năm 2021 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sau khi Ban Lãnh đạo mới được thành lập từ Đại hội XIII.
Hội nghị Cấp cao ASEAN 38&39 và các Hội nghị Cấp cao liên quan là dịp để Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Phát huy kết quả tốt đẹp của Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm vào công việc chung của ASEAN, phối hợp với Chủ tịch Bru-nây thúc đẩy các ưu tiên của ta trong năm ASEAN 2020 gắn với các ưu tiên của năm 2021, đặc biệt về ứng phó Covid-19 đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng.
Việt Nam mong muốn đồng hành cùng các nước ASEAN vượt qua khó khăn; giữ vững đoàn kết, thống nhất ASEAN; tiếp nối đà xây dựng Cộng đồng và đẩy mạnh liên kết khu vực; ứng phó hiệu quả các thách thức đang nổi lên; củng cố vai trò trung tâm và vị thế, tiếng nói quốc tế của ASEAN./.
PV