Indonesia: Những cam kết chống tham nhũng sau năm 2024

Thứ hai, 17/06/2024 17:09
(ThanhtraVietNam) - Cuộc bầu cử tổng thống năm nay là một cột mốc quan trọng trong nỗ lực chống tham nhũng tại Indonesia.

Vào ngày 17 tháng 1, chưa đầy một tháng trước khi 204 triệu cử tri đã đăng ký ở Indonesia đi bỏ phiếu cho Tổng thống và Quốc hội mới, hơn 3.000 YouTuber đã theo dõi sự kiện "Buổi ký kết Hiệp ước liêm chính". Trong suốt hai giờ đồng hồ của sự kiện, các ứng cử viên Tổng thống đã trình bày quan điểm, tầm nhìn về việc chống tham nhũng trong tương lai.

leftcenterrightdel
 Các ứng cử viên Tổng thống và Phó Tổng thống được tặng áo khoác với thông điệp “chống tham nhũng” tại Buổi ký kết Hiệp ước liêm chính vào ngày 17 tháng 1 năm 2024. (Ảnh: Antara Foto/Aditya Pradana Putra/wpa)

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên thực hiện việc ký Hiệp ước liêm chính. Từ năm 2021, Ủy ban Chống tham nhũng Indonesia (KPK) đã tổ chức các diễn đàn tương tự cho các cơ quan chính quyền quốc gia và khu vực.

Đây là những sự kiện thực tế, đóng vai trò làm diễn đàn để tham vấn, chia sẻ thông tin và tăng cường cam kết của các cơ quan quản lý nhà nước trong các nỗ lực chống tham nhũng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Hiệp ước Liêm chính được đưa vào cuộc bầu cử Tổng thống.

Phần khai mạc giống như một sự kiện vận động tranh cử, sau đó là các bài thuyết trình và nghi thức trao áo khoác liêm chính được diễn ra trang trọng. Sau một giờ, các ứng cử viên Tổng thống có 10 phút để trình bày chương trình nghị sự chống tham nhũng của mình.

Ông Anies Baswedan: Khôi phục quyền lực và tính vẹn toàn của KPK

Anies Baswedan, cựu giáo sư và Thống đốc Jakarta và là một trong các ứng cử viên đã nói về việc khôi phục quyền lực cũ của KPK bằng cách đảo ngược Luật KPK, điều này đã gây ra nhiều tranh cãi. Ông cũng nói về việc thực thi các tiêu chuẩn đạo đức và tuyển dụng trong tổ chức này.

Ông nhấn mạnh rằng việc không tuân thủ hệ thống kê khai tài sản sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và ông sẽ ủng hộ việc thông qua ba dự thảo luật hiện hành về thu hồi tài sản, tài trợ đảng phái, làm giàu bất chính và giao dịch ảnh hưởng.

Ông đã hứa rằng sẽ thưởng cho những người tố giác và chỉ ra các lĩnh vực cần được chú ý như: doanh thu công, nông nghiệp và các dịch vụ cơ bản khác như giáo dục. Tuy nhiên, ông không nhắc đến các vấn đề về liêm chính phổ biến trong các cơ quan thực thi pháp luật khác, đặc biệt là cảnh sát quốc gia.

Ông Prabowo Subianto: Nâng cao mức sống của công chức cấp cao

Ứng viên Prabowo Subianto, Bộ trưởng Quốc phòng, bày tỏ cam kết hoàn toàn chống tham nhũng và hứa sẽ thực hiện các hành động có hệ thống từ trên xuống dưới, tập trung vào việc tăng lương cho các quan chức cấp cao của nhà nước.

Điều này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các công chức Indonesia, nhưng nghiên cứu về tính hiệu quả của việc tăng lương để giảm tham nhũng vẫn chưa đưa ra kết luận rõ ràng. Tuy nhiên, có thể nói rằng chỉ điều này thôi chắc chắn sẽ không phá vỡ được các mạng lưới tham nhũng hiện có trong bộ máy hành chính.

Các đề xuất chính sách khác của ông Prabowo cũng chỉ giới hạn ở việc tăng cường hệ thống kê khai tài sản và đảo ngược gánh nặng chứng minh tài sản trong các trường hợp làm giàu bất chính.

Ông không đề cập đến vai trò hoặc quyền lực đã bị giảm sút đáng kể của KPK, điều này cho thấy rằng ông hài lòng với tình trạng hiện tại của một cơ quan chống tham nhũng đang dần suy yếu.

Ông Ganjar Pranowo: Quản trị kỹ thuật số và nỗ lực phối hợp mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Ứng viên Ganjar Pranowo, cựu Thống đốc Trung Java, đang tranh cử vào Đảng Dân chủ Indonesia (PDI-P), đề xuất khôi phục quyền độc lập điều tra của KPK nhưng nhấn mạnh rằng việc tiêu diệt tham nhũng không nên chỉ đơn thuần dựa vào KPK.

Ông ủng hộ việc tăng cường phối hợp giữa KPK và các cơ quan nhà nước khác, sử dụng rộng rãi các nền tảng điện tử trong cơ quan hành chính để kiểm soát và phát hiện tham nhũng, cùng với việc tăng cường cơ chế kê khai tài sản và tố cáo.

Ông cũng là người duy nhất kêu gọi cải cách và minh bạch hơn trong lực lượng cảnh sát và vũ trang, nơi các vấn đề tham nhũng vẫn tồn tại dai dẳng kể từ cuộc cải cách dân chủ ở Indonesia năm 1998.

Việc các ứng cử viên Tổng thống cùng trình bày chính sách chống tham nhũng không phổ biến trong các chiến dịch chính trị toàn cầu, cho thấy quyền lực chính trị mà KPK vẫn có và sự nhận thức của các ứng cử viên về vấn đề tham nhũng đối với công chúng Indonesia. Kết quả của cuộc bầu cử có thể sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tương lai của KPK và tình trạng tham nhũng ở Indonesia./.

Thảo Phạm (The U4 Anti-Corruption Resource Centre )

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra