Khung pháp lý và thể chế chống tham nhũng của Ai Cập

Thứ hai, 23/09/2024 12:06
(ThanhtraVietNam) - Ai Cập đã xây dựng một khung pháp lý và thể chế rộng lớn để đối phó với tham nhũng, duy trì tính minh bạch và trách nhiệm trong khu vực công. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn là một vấn đề nhức nhối tại quốc gia này.

Những bước đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng
Ai Cập đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng (UNCAC) vào năm 2005, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc gia nhập hệ thống quốc tế về phòng chống tham nhũng. Công ước này là khung pháp lý quốc tế đầu tiên có tính ràng buộc về phòng ngừa tham nhũng, thúc đẩy hợp tác quốc tế và tạo điều kiện thu hồi tài sản tham nhũng.

Ngoài UNCAC, Ai Cập cũng tham gia Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên hợp quốc (UNTOC) và các giao thức bổ sung nhằm ngăn chặn tội phạm buôn người, buôn lậu và các hành vi phạm tội có tổ chức khác. Theo Trung tâm Tài nguyên Chống tham nhũng U4, mặc dù những nỗ lực này nhằm mục đích củng cố khuôn khổ pháp lý chống lại tội phạm và tham nhũng, nhưng thực tế cho thấy hiệu quả của việc thực thi vẫn còn buộc lộ một số hạn chế.

Hệ thống pháp luật hiện hành

Theo Cơ quan Kiểm soát Hành chính Ai Cập (ACA), các luật quan trọng nhất trong việc chống tham nhũng bao gồm Luật Hình sự (số 58 năm 1937) và Luật Tố tụng hình sự (số 150 năm 1950). Luật Hình sự quy định rõ ràng về các tội liên quan đến hối lộ, biển thủ công quỹ, làm giàu bất chính, và giả mạo. Đồng thời, Luật Tố tụng hình sự xác định các quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan điều tra và sĩ quan tư pháp, cũng như quy trình bắt giữ, khám xét và tịch thu tài sản.

Ngoài ra, Luật Chống thu lợi bất chính (số 11 năm 1968) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc trừng phạt các hành vi làm giàu phi pháp, trong khi Luật Cảnh sát (số 109 năm 1971) quy định về các tội liên quan đến quỹ công như làm giả giấy tờ, hối lộ, và rửa tiền.

Một số quy định khác như Luật Đấu thầu và mời thầu, Luật Phòng chống rửa tiền (số 80 năm 2002) và Luật Chống xung đột lợi ích cũng được đưa ra nhằm đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan chính phủ và ngăn chặn các hành vi lợi dụng chức quyền để trục lợi. Đặc biệt, Luật Chống xung đột lợi ích buộc các quan chức phải từ bỏ những lợi ích xung đột hoặc từ chức, góp phần ngăn chặn tham nhũng trong bộ máy nhà nước.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (nguồn: allianz.com) 

Khung thể chế phòng, chống tham nhũng

Ai Cập có hai cơ quan chính chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện các biện pháp chống tham nhũng: Cơ quan Kiểm soát Hành chính (ACA) và Cơ quan Kiểm toán Trung ương (CAA). Được thành lập vào năm 1964, ACA là cơ quan giám sát độc lập, có nhiệm vụ kiểm soát hành chính, tài chính và tội phạm đối với các cơ quan công quyền. ACA đóng vai trò quan trọng trong việc xác định các vấn đề gây cản trở công lý, đồng thời phối hợp cùng các tổ chức khác để triển khai chiến lược quốc gia về phòng chống tham nhũng. Là một cơ quan có lịch sử lâu đời, ACA cam kết duy trì sự liêm chính và trách nhiệm giải trình trong khu vực công.

Cơ quan Kiểm toán Trung ương (CAA), thành lập vào năm 1942, chịu trách nhiệm giám sát các khoản thu và chi của chính phủ. CAA ban đầu là một cơ quan giám sát nội bộ, nhưng đến năm 1988, quyền hạn của cơ quan này được mở rộng để bao gồm cả việc kiểm soát các đảng phái chính trị, công đoàn và các hội đoàn nghề nghiệp.

Ngoài hai cơ quan này, Ai Cập còn có các cơ quan khác tham gia vào các hoạt động giám sát và điều tra các hành vi liên quan đến tham nhũng, rửa tiền và gian lận như:

Cơ quan Hành chính và Tổ chức Trung ương (CAOA) được thành lập năm 1964, với nhiệm vụ cải cách hành chính và nâng cao hiệu suất hoạt động của các cơ quan nhà nước. CAOA tập trung vào việc xây dựng và thực hiện các quy định về dịch vụ công, giám sát hoạt động nhân sự và cải cách hệ thống lương thưởng, nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong bộ máy hành chính.

Cơ quan Công tố Hành chính (APA) là cơ quan giám sát và điều tra các tội phạm hành chính và tài chính liên quan đến công chức. APA có quyền điều tra và chuyển giao các vụ án cho tòa án hình sự. Bên cạnh đó, APA còn đóng vai trò là nền tảng báo cáo nội bộ, nơi các công chức có thể tố giác các hành vi tham nhũng. Điều này giúp tăng cường hiệu quả trong việc chống tham nhũng trong khu vực công.

Cơ quan chống thu lợi bất hợp pháp giám sát tài sản của các công chức, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong quản lý tài sản công. Cơ quan này có quyền tạm giữ tài sản của các cá nhân bị điều tra, nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong quá trình điều tra.

Bộ Nội vụ Ai Cập cũng tham gia vào cuộc chiến chống tham nhũng thông qua Cục Chống tội phạm công quỹ. Cơ quan này xử lý các tội phạm kinh tế như hối lộ, rửa tiền, và các tội phạm liên quan đến buôn lậu tiền tệ. Với quyền hạn như một cơ quan tư pháp, Cục này có khả năng điều tra và xử lý các hành vi sai trái liên quan đến tài sản công và nguồn lực quốc gia.

Đơn vị Chống rửa tiền và Tài trợ khủng bố (EMLCU) là cơ quan quan trọng trong việc bảo vệ hệ thống tài chính của Ai Cập khỏi các hoạt động bất hợp pháp. Đơn vị này hợp tác với các cơ quan điều tra tài chính trong và ngoài nước để giám sát và điều tra các hoạt động nghi ngờ, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật.

Ủy ban Điều phối Quốc gia về Phòng chống tham nhũng, do Thủ tướng đứng đầu, được thành lập nhằm đảm bảo Ai Cập tuân thủ các công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng. Ủy ban này có nhiệm vụ xây dựng các chính sách quốc gia, phối hợp nỗ lực chống tham nhũng và thường xuyên đánh giá khung pháp lý trong nước để ngăn ngừa tham nhũng. Ngoài ra, còn có Ủy ban Điều phối Phụ trách Quốc gia về Phòng chống Tham nhũng, do người đứng đầu ACA làm chủ tịch, với nhiệm vụ chính là giám sát việc thực hiện chiến lược chống tham nhũng quốc gia.

Mặc dù có một mạng lưới cơ quan và tổ chức chống tham nhũng dày đặc, tham nhũng vẫn là vấn đề nan giải tại Ai Cập. Do đó, cuộc chiến chống tham nhũng tại Ai Cập cần có sự cải cách sâu rộng hơn về thể chế, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình để đạt được tiến bộ bền vững.

Dương Nguyễn (Theo The U4 Anti-Corruption Resource Centre)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra