Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo “Trách nhiệm của doanh nghiệp về liêm chính trong kinh doanh” do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức mới đây.
Linh hoạt trong áp dụng hình phạt đối với doanh nghiệp
Ông William Loo, Ban Tài chính và Quan hệ doanh nghiệp, OECD đã giới thiệu về Công ước OECD về Chống hối lộ công chức nước ngoài trong các giao dịch kinh doanh quốc tế - công cụ chống tham nhũng quốc tế đầu tiên và duy nhất tập trung vào “bên cung” của giao dịch hối lộ.
    |
 |
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Thanh tra Chính phủ đặt câu hỏi về vấn đề hối lộ của doanh nghiệp để đạt được hợp đồng. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Theo ông William Loo, việc để xảy ra hối lộ có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, hệ thống pháp lý của doanh nghiệp có vấn đề, có lỗ hổng vì có hệ thống nhưng hệ thống không hiệu quả. Thứ hai, năng lực về chống tham nhũng, trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng (PCTN) được thể hiện rất hay trên văn bản giấy tờ nhưng kết quả thực hiện không được như thế. Thứ ba, doanh nghiệp triển khai hệ thống trên giấy tờ rất tốt nhưng “nhắm mắt” cho nhân viên “tùy nghi” làm miễn mang được hợp đồng về, chính thông điệp đó là không phù hợp.
Ông William Loo phân tích thêm, chế tài nghiêm khắc nhất được áp dụng ở Việt Nam là rút giấy phép kinh doanh hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh của tổ chức doanh nghiệp, thương mại. Nhưng ở một số nước, hình phạt này chỉ được áp dụng khi công ty được lập ra chỉ phục vụ mục đích rửa tiền. Đối với những doanh nghiệp hợp pháp, dù họ có hành vi vi phạm thì hiếm khi bị rút giấy phép hoạt động hoặc yêu cầu ngừng hoạt động.
    |
 |
Ông William Loo, Ban Tài chính và Quan hệ doanh nghiệp, OECD. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Theo bà Trịnh Như Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Công ước Chống hối lội nước ngoài của OECD có hơn 40 quốc gia thành viên, có quy định hình sự hóa đối với doanh nghiệp nước ngoài. Trường hợp quốc gia thành viên chưa có quy định hình sự hóa thì áp dụng phạt hành chính. Bà Hoa đặt vấn đề, vậy có phải linh hoạt hình phạt; OECD có bắt buộc các quốc gia thành viên hình sự hóa hành vi vi phạm?
Đại diện Ban Tài chính và Quan hệ doanh nghiệp, OECD cho biết, các quốc gia thành viên của Công ước áp dụng trực tiếp Công ước. Theo đó, hầu như mọi quốc gia thành viên thực thi Công ước bằng nội luật hóa, cụ thể hóa các điều khoản của Công ước, ví dụ như điều khoản xử phạt.
Ông Eliot Evain-Wilkes, Chuyên gia phân tích chính sách và pháp luật, Ban Tài chính và Quan hệ doanh nghiệp, OECD chia sẻ thêm, các quốc gia thành viên xây dựng lộ trình để thực hiện các quy định của OECD nhưng vẫn mang tính đặc thù của mỗi quốc gia. Vì vậy có tính linh hoạt và các quốc gia có điều kiện để xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp.
    |
 |
Chuyên gia phân tích chính sách và pháp luật, Ban Tài chính và Quan hệ doanh nghiệp, OECD Eliot Evain-Wilkes phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
“Hay nói cách khác, OECD không đưa ra chế tài cụ thể mà chỉ đưa ra hướng dẫn để các quốc gia áp dụng và đưa ra biện pháp để có cách xử lý. Có một số hình thức chế tài cụ thể các quốc gia có thể áp dụng như đấu thầu, mua sắm, có những biện pháp cụ thể để áp dụng. Tôi cho rằng từ khóa ở đây là tính linh hoạt của Công ước để các quốc gia đề ra giải pháp phù hợp với quốc gia họ”, ông Eliot Evain-Wilkes nói.
Đối với Việt Nam, bà Nguyễn Nguyệt Minh, phụ trách Văn phòng Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần cân nhắc xem có quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân hay không. Nhất là trong bối cảnh hiện nay có nhiều vấn đề nảy sinh liên quan đến đối tượng là pháp nhân chuyển tài sản ra nước ngoài. Mặt khác, chúng ta hội nhập càng sâu thì sẽ gặp càng nhiều vấn đề như thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài…
    |
 |
Bà Nguyễn Nguyệt Minh, phụ trách UNODC tại Việt Nam. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Như vậy, liêm chính trong kinh doanh là thành tố cần thiết, công cụ vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp nói chung, mang lại lợi ích lâu dài như một sự đầu tư. Việc có quy định pháp lý nội bộ và tuân thủ chặt chẽ, thực hiện nghiêm quy định về chống hối lộ của các doanh nghiệp sẽ tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp các chủ thể được bảo vệ về mặt pháp lý. Hơn nữa, việc áp dụng hình phạt khi phát hiện vi phạm của doanh nghiệp đối với các quốc gia thành viên của Công ước OECD được áp dụng linh hoạt, phù hợp với từng trường hợp nhưng luôn đảm bảo quyền, lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp và người lao động.
Chống tham nhũng - trách nhiệm chung của Chính phủ và khu vực tư
Một nội dung quan trọng được nhiều đại biểu tại Hội thảo quan tâm, thảo luận là vai trò của các bên trong việc tăng cường liêm chính trong kinh doanh. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh luôn mong có tính ổn định, lâu dài và quan tâm đến danh tiếng, uy tín của mình. Điều này có nghĩa PCTN cũng chính là bảo vệ danh tiếng của họ, được công chúng ghi nhận trên quy mô toàn cầu về tính thanh liêm của họ, họ được hưởng lợi khi thúc đẩy sự minh bạch.
Về vấn đề này, ông Eliot Evain-Wilkes cho biết, cuộc chiến chống tham nhũng là trách nhiệm chung của Chính phủ và khu vực tư. Trong đó, Chính phủ có vai trò rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý năng động, có biện pháp khuyến khích thúc đẩy minh bạch thông tin của doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ giúp khu vực tư nhân hiểu được lợi ích, vai trò của công tác PCTN thông qua thông tin truyền thông, thực tiễn thực hành đấu thầu mua sắm tốt… Công ước của OECD có quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm của khu vực công.
    |
 |
Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Minh Nguyệt) |
Trong khi đó, ở khu vực tư nhân, sự chỉ đạo từ lãnh đạo của doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng, thể hiện qua việc ban hành chương trình tuân thủ, đào tạo tập huấn cho đội ngũ cán bộ nhân viên, tạo thành văn hóa liêm chính của doanh nghiệp. Để làm tốt được điều này đòi hỏi công ty phải thường xuyên nâng cao nhận thức, truyền tải từ trên xuống dưới và thu hút sự tham gia của tất cả các bộ nhân viên…
Ông Eliot Evain-Wilkes nhấn mạnh, khu vực công (Chính phủ) và khu vực tư nhân cần ngồi lại với nhau để thảo luận về những chính sách, khuôn khổ pháp lý để ban hành chính sách. Từ đó đưa ra biện pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả, thể hiện vai trò của các bên trong PCTN./.