Minh bạch - Yếu tố quyết định thay đổi cục diện ngành Y tế Colombia

Thứ sáu, 23/06/2023 10:24
(ThanhtraVietNam) - Việc tích hợp các biện pháp chống tham nhũng và liêm chính đối với ngành Y tế có thể tăng cường hoạt động của toàn hệ thống, thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực của ngành, tăng cường chăm sóc bệnh nhân và cải thiện kết quả y tế công cộng. Vì vậy, các sáng kiến minh bạch và chống tham nhũng dành riêng cho ngành Y tế đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Colombia, các cáo buộc tham nhũng đã từ lâu trở thành vấn nạn nổi cộm đối với ngành Y tế. Việc mua sắm thuốc và vật tư y tế chịu nhiều sự tác động của tham nhũng bất chấp những nỗ lực cải cách của quốc gia này.

Năm 2011, ngành Y tế Colombia trải qua một cuộc khủng hoảng liên quan đến tham nhũng làm xói mòn nghiêm trọng niềm tin của người dân. Hàng loạt các vụ án tham nhũng quy mô lớn bị phơi bày trước công chúng. Các hành vi gian lận nhắm mục tiêu vào các loại thuốc điều trị có chi phí cao như ung thư hoặc việc quản lý cấy ghép. Trong khi đó, chi phí thuốc tăng cao là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng leo thang trong hệ thống y tế.

Trước thực trạng trên, Nhà nước Colombia ngay lập tức đã đưa ra những động thái quyết liệt. Tòa án Hiến pháp đã ra lệnh cho cơ quan hành pháp tăng cường kiểm soát, trong khi Chính phủ quyết định thống nhất và cập nhật gói quyền lợi bảo hiểm y tế và xác định giá trị tối đa cho các khoản bồi hoàn thuốc với dữ liệu có sẵn từ SISMED, Hệ thống định giá thuốc quốc gia (Sistema de Información de Precios de Medicamentos ).

Vào năm 2012, Chính phủ đã phê duyệt Chính sách dược phẩm quốc gia đầu tiên, với trọng tâm là tăng cường hệ thống quản lý dược phẩm và thông tin dược phẩm quốc gia. Chính sách xác định việc tiếp cận thuốc một cách không công bằng và chất lượng chăm sóc người bệnh ở mức kém là những vấn đề trọng tâm và nêu ra năm nguyên nhân chính: (a) Sử dụng thuốc không phù hợp và không hợp lý; (b) Sử dụng không hiệu quả các nguồn tài chính; (c) Không đủ các loại thuốc thiết yếu; (d) Thiếu minh bạch, thiếu sự giám sát đối với thị trường dược phẩm; và (e) những yếu kém trong công tác lãnh đạo và giám sát.

Trong bối cảnh tham nhũng vào gần đầu nhiệm kỳ đầu tiên (2010–2014), Tổng thống Juan Manuel Santos đã yêu cầu Liên minh châu Âu hỗ trợ kỹ thuật trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đáp lại, EU đã làm việc với các đối tác chính phủ và xã hội dân sự để phát triển Dự án ACTUE Colombia vào năm 2012. EU đã giao việc thực hiện Dự án cho Cơ quan hợp tác phát triển của Tây Ban Nha, FIIAPP, thông qua cơ chế tài trợ “hợp tác được ủy quyền”. Việc triển khai thực tế Dự án ACTUE Colombia diễn ra từ tháng 2 năm 2014 đến tháng 7 năm 2018. Đối tác chính của Colombia là Ban Thư ký Minh bạch quốc gia (Secretaría de Transparencia de la Presidencia de la República), nơi đặt trụ sở của Dự án.

Theo cách tiếp cận chiến lược tổng thể của mình, ACTUE Colombia đã cung cấp hỗ trợ toàn diện với nhiều công cụ đổi mới về tính minh bạch và liêm chính cho Chính phủ Colombia nói chung và ngành Y tế quốc gia này nói riêng. Chiến lược đa tác nhân có sự tham gia của các tổ chức, các chuyên gia y tế và xã hội dân sự. Tất cả các sáng kiến đều có mục đích chung là tạo ra hệ thống thông tin độc lập và có thể truy cập công khai nhằm thúc đẩy sự thay đổi về hành vi qua đó giúp ngăn ngừa tham nhũng và xây dựng lòng tin. ACTUE Colombia đã tìm cách tăng cường năng lực chống tham nhũng của các cơ quan nhà nước Colombia thông qua cách tiếp cận toàn diện, theo ngành, đa tác nhân và liên ngành.

Kể từ giai đoạn xây dựng Dự án ACTUE Colombia, EU đã tận dụng các cơ hội để hỗ trợ Bộ Y tế Colombia trong nỗ lực tăng cường tính minh bạch và liêm chính. Những hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính đã được cung cấp để phát triển bản đồ rủi ro tham nhũng sơ bộ trong chuỗi giá trị dược phẩm. Ngoài ra, Chương trình EUROsocial II do EU tài trợ đã hỗ trợ một loạt hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa các nước châu Mỹ Latinh và châu Âu với Colombia nhằm tăng cường tính minh bạch trong quy định giá thuốc và kê đơn thuốc. Những sáng kiến này đã đặt nền móng cho ACTUE Colombia trong việc xây dựng nội dung chuyên đề và quan hệ đối tác sau này.

Trong nhiều năm, Colombia đã thực hiện một loạt các sáng kiến minh bạch, ngày càng tập trung vào phân ngành dược phẩm. Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như lại được triển khai một cách rời rạc và ít đem lại hiệu quả. Do đó, vào năm 2017, ACTUE Colombia đã tiến hành đánh giá một cách có hệ thống kết quả của các sáng kiến minh bạch chính trong lĩnh vực y tế, với trọng tâm là phân ngành dược phẩm.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Bài học từ những đánh giá các sáng kiến minh bạch trong ngành Y tế

ACTUE Colombia đã ký hợp đồng với Đại học de los Andes vào năm 2017 để tiến hành đánh giá một cách có hệ thống các sáng kiến minh bạch trong lĩnh vực y tế, với trọng tâm là phân ngành dược phẩm. Nghiên cứu đã đánh giá 16 trong số 23 sáng kiến được xác định ban đầu. Kết quả cho thấy, hầu hết các sáng kiến tìm cách giải quyết những thách thức về uy tín, trong khi một số sáng kiến tập trung vào những thách thức trong việc quản lý các nguồn lực của hệ thống y tế.

Hầu hết các sáng kiến đều đưa ra các công cụ mới để cung cấp thông tin hiện có một cách công khai thay vì thay đổi các quy tắc hiện có hoặc đưa ra các hình thức ra quyết định mới. Ngoài ra, chỉ một nửa số sáng kiến cung cấp thông tin thường xuyên cho công chúng một cách rõ ràng, thân thiện với người dùng và dễ điều hướng. Các sáng kiến có tiềm năng tạo ra tác động lớn nhất đối với hệ thống y tế cũng là những sáng kiến tuân thủ thông lệ tốt về minh bạch và tiếp cận thông tin.

Nghiên cứu đã xác định bảy bài học chính được rút ra. Cụ thể, thứ nhất, công bố thông tin là không đủ để đạt được sự minh bạch. Nhiều sáng kiến được phát triển từ quan điểm “phía cung” mà không quan tâm đầy đủ đến “phía cầu” – nghĩa là nhu cầu thông tin của người dùng. Điều này hạn chế tính hữu ích của các sáng kiến. Thứ hai, mục đích của các sáng kiến minh bạch liên quan đến hệ thống y tế cần được giải thích cho các bên quan tâm và công chúng nói chung. Nếu không, các cơ hội để tạo ra tác động thực sự lên hệ thống thông qua thông tin có sẵn công khai sẽ bị bỏ lỡ.

Thứ ba, chủ sở hữu và điều phối viên của các sáng kiến phải được xác định rõ ràng. Không có chính sách nào nói rõ các sáng kiến khác nhau của chính phủ, cũng như không có việc học hỏi từ những kinh nghiệm trước đây. Thứ tư, một tầm nhìn rộng và cách tiếp cận phối hợp là điều cần thiết. Các sáng kiến minh bạch được triển khai rời rạc đã không tạo nên một nỗ lực nhất quán trong việc xây dựng môi trường minh bạch.

Thứ năm là vấn đề hợp tác. Ngoài sự lãnh đạo trong mỗi tổ chức, động lực chính của các sáng kiến là sự hỗ trợ giữa các tổ chức và hợp tác quốc tế. Thứ sáu, kiến thức kỹ thuật về tính minh bạch là cần thiết để thiết kế một sáng kiến thành công. Thứ bảy, cần phải xác định “minh bạch để làm gì? là một câu hỏi mang tính định hướng. Các trường hợp về quy định giá thuốc và quy định về thuốc sinh học là minh chứng cho cách thức chuyển đổi các sáng kiến minh bạch “thuần túy” ban đầu thành các cơ chế công lý mang lại hiệu quả cho hệ thống y tế.

Quy định giá thuốc tiền đề cho sự bền vững của hệ thống y tế

Tại Colombia, do giá thuốc tương đối cao, Chính phủ luôn xác định việc xây dựng những quy định về giá thuốc một cách minh bạch là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu. Điều này dựa trên phương pháp thiết lập giá tham chiếu quốc tế hoặc xác định mức giá trần, tùy thuộc vào tình hình thị trường của từng loại thuốc. Các quy định về giá thuốc ở Colombia đã đặt ra những tiền đề quan trọng cho sự bền vững về tài chính của hệ thống y tế của quốc gia này.

Ngoài ra, thông tin về thuốc có thể truy cập mở đã giúp thay đổi hành vi của bác sĩ và bệnh nhân, cho phép họ đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hệ thống thông tin này không cố định và các lựa chọn chính sách để đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý cần có sự điều chỉnh thường xuyên dựa trên các quy trình quản lý mở.

Có thể khẳng định, việc tập trung xây dựng một nền văn hóa minh bạch và cởi mở giúp củng cố lòng tin của người dân đối với ngành Y tế của quốc gia này.

Dương Nguyễn
(Theo The U4 Anti-Corruption Resource Centre)
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra