Đó là một trong những nội dung được thông tin tại buổi làm việc, giới thiệu với đoàn công tác của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ Việt Nam trong công tác PCTN cũng như những tiến triển mà Việt Nam đạt được trong công tác PCTN thời gian qua.
Cụ thể, trong xây dựng thể chế về phòng, chống tham nhũng (PCTN), Việt Nam đã ban hành Luật PCTN năm 2018, thực hiện từ 01/7/2019; Chính phủ ban hành 02 Nghị định quy định chi tiết (Nghị định 59/2019/NĐ-CP, Nghị định 130/2020/NĐ-CP); phê duyệt cơ sở dữ liệu quốc gia về Kiểm soát tài sản, thu nhập (2023); sửa đổi Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tố cáo, Luật thanh tra, Luật cán bộ, công chức, Luật doanh nghiệp…Nhìn chung hệ thống pháp luật của Việt Nam cơ bản đồng bộ đảm bảo việc thực thi các biện pháp PCTN.
Việt Nam đã tổ chức tổng kết việc thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện UNCAC; tiến hành xây dựng Chiến lược PCTN đến năm 2030.
Về xây dựng, hoàn thiện thể chế về kinh tế-xã hội, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế-xã hội nhằm PCTN chú trọng đảm bảo tính thông nhất, đồng bộ và minh bạch của hệ thống pháp luật nhằm phát hiện khắc phục những sở hở, bất cập dễ bị lợi dụng, lạm dụng để tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, đất đai, đấu thầu, mua sắm và quản lý, sử dụng thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch…Qua đó, nhằm kịp thời bịt kín những “lỗ hổng”, ngăn chặn vi phạm pháp luật, không để phát sinh tham nhũng, tiêu cực; đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, vừa nâng cao hiệu quả PCTN, vừa thúc đẩy các hoạt động kinh tế-xã hội phát triển…
|
|
Thanh tra Chính phủ chủ trì buổi làm việc, giới thiệu với đoàn đại biểu Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan về những tiến triển mà Việt Nam đạt được trong công tác PCTN thời gian qua. Ảnh: PV |
Đặc biệt, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam làm Trưởng ban từ năm 2013. Để tiếp tục tạo sự thống nhất, đồng bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN từ Trung ương đến địa phương, trong năm 2022, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo PCTN, tiêu cực tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về hợp tác quốc tế về PCTN, Việt Nam đã hoàn tất Chu trình đánh giá thứ 2 đối với việc thực thi UNCAC; tiếp tục thực hiện đầy đủ trách nhiệm của quốc gia thành viên UNCAC cũng như tích cực thực hiện các cam kết về PCTN trong WTO, APEC, ASEAN; tích cực tham gia đàm phán IPEF;
Trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, cả ở khu vực công và khu vực tư, qua tổng kết Chiến lược lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện UNCAC, trong giai đoạn từ 2009-2020, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 2.578vụ/5.635 bị can; đình chỉ 199 vụ/115 bị can. Tỷ lệ giải quyết đạt 96.7% số vụ và 90.8% số việc. Viện Kiểm sát các cấp đã thụ lý kiểm sát điều tra 3.067vụ/7.383 bị can (trong đó án mới truy tố là 2.814 vụ/6.136 bị can). Tòa án Nhân dân các cấp đã xét xử 2.929 vụ án và 5.605 bị cáo bị kết án tham nhũng. Trong đó có 2.197 bị cáo phạm tội ít nghiêm trọng, 1.147 bị cáo phạm tội nghiêm trọng, 951 bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng và 375 bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Một số cán bộ giữ chức vụ cao trong bộ máy nhà nước đã bị xử lý nghiêm như Bộ trưởng Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch UBND TP Hà Nội…
Với những nỗ lực và kết quả tích cực đã đạt được, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đã chấm điểm CPI (Chỉ số nhận thức tham nhũng) của Việt Nam năm 2022 đạt 42/100 điểm, đứng thứ 77/180 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng (tăng 9 điểm và tăng 40 bậc so với năm 2018, là năm Việt Nam ban hành Luật PCTN mới).
Về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác PCTN thời gian tới, tại Báo cáo tổng kết Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện UNCAC, Chính phủ đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm của công tác PCTN trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, ban hành Chiến lược quốc gia PCTN và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cho giai đoạn đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược). Dự kiến Chiến lược sẽ được ban hành trong năm 2023; trên cơ sở Chiến lược được ban hành, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành, địa phương sẽ ban hành các kế hoạch tổ chức thực hiện.
Thứ hai, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác PCTN, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định về PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước.
Thứ ba, tiếp tục củng cố, hoàn thiện mô hình tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan có chức năng về PCTN, TC.
Thứ tư, tăng cường hợp tác quốc tế về PCTN, nhất là các hoạt động tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm bỏ trốn, truy thu tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài; mở rộng các hoạt động hợp tác song phương và đa phương về công tác PCTN theo hướng tiếp tục duy trì quan hệ tốt với các nước tham gia UNCAC và các nước mà Việt Nam đã ký kết hiệp định.
Thứ năm, tăng cường các biện pháp PCTN khu vực ngoài nhà nước: Phát huy vai trò của xã hội trong đấu tranh, phát hiện tham nhũng, nhất là vai trò của báo chí, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội./.