Những cải cách trong phòng, chống tham nhũng tại Mông Cổ

Thứ ba, 16/04/2024 17:52
(ThanhtraVietNam) - Một số vụ bê bối tham nhũng liên tiếp được phát hiện đã khiến Chính phủ Mông Cổ phải tiến hành sửa đổi Luật Hình sự với hai điểm quan trọng: Đưa ra các mức án nghiêm khắc hơn và mở rộng thời hạn thi hành án.

Bê bối tham nhũng trong khai thác khoáng sản tại Mông Cổ

Vào năm 2022, Chính phủ Mông Cổ tuyên bố rằng một lượng lớn than cốc từ Công ty khai thác than quốc doanh Erdenes Tavan Tolgoi (ETT) đã được nhập khẩu trái phép vào Trung Quốc mà không có giấy tờ đăng ký hải quan và lưu trữ hồ sơ theo quy định. Tuyên bố này khiến người dân Mông Cổ nổi giận. Trong khoảng 3 tuần vào tháng 12/2022, dưới thời tiết lạnh buốt, hàng nghìn người đã biểu tình tại quảng trường Sukhbaatar trước Quốc hội Mông Cổ, yêu cầu truy tố “những tên trộm”. Cả phương tiện truyền thông trong và ngoài nước đều đưa tin về các cuộc biểu tình. Trước tình hình trên, Cơ quan Chống tham nhũng độc lập Mông Cổ (cơ quan chống tham nhũng của Mông Cổ) đã khởi xướng một cuộc điều tra về vụ án trên.

Cơ quan chống tham nhũng Mông Cổ cho biết, liên quan đến vụ án trên, có thể có sự tham gia của các nhân vật tầm cỡ, gồm: 6 nghị sĩ đương nhiệm, một bộ trưởng, Giám đốc điều hành ETT, Thống đốc tỉnh Nam Gobi và nhiều quan chức hải quan. Trong đó, hai nghị sĩ đã bị đình chỉ tư cách thành viên quốc hội và một nghị sĩ khác yêu cầu được miễn tư cách thành viên quốc hội.

Theo báo cáo Hội đồng Tư pháp Mông Cổ, 378 cá nhân đang bị điều tra liên quan đến việc khai thác, vận chuyển và mua/bán than. 8 vụ án hình sự liên quan đến 63 cá nhân đã được chuyển ra xét xử hình sự sơ thẩm. Trong đó, có 5 trường hợp đã được giải quyết. Ba trong số các vụ án đã được xét xử tại Tòa án Hình sự Khanbogd Soum. Các vụ án được xét xử tại Tòa án Hình sự Khanbogd Soum và Tòa án Hình sự Quận Songino Khairkhan cho thấy các bị cáo đã nhận hối lộ, lạm dụng các chức vụ và tham gia làm giàu trái pháp luật. Được biết, ngoài cáo buộc tham nhũng, cựu CEO của ETT Gankhuyag Battulga và 11 người khác còn bị buộc tội rửa tiền.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa (Nguồn: stock.adobe.com) 

Khuôn khổ chống tham nhũng của Mông Cổ

Mông Cổ đã có biện pháp nhằm giải quyết nạn tham nhũng trong lĩnh vực khoáng sản. Tuy nhiên, bê bối về vụ việc nhập khẩu trái phép than lần này khiến Chính phủ Mông Cổ phải xem xét việc sửa đổi Bộ luật Hình sự và Luật Tố tụng hình sự. Cùng lúc đó, một số vụ tham nhũng nổi bật khác cũng đã ảnh hưởng đến chính trị Mông Cổ, bao gồm các vụ liên quan đến Mỏ đồng Erdenet, Ngân hàng Phát triển và Quỹ cho vay giáo dục. Những vụ việc đã có tác động khiến Chính phủ nước này phải tiến hành sửa đổi Luật Hình sự vào tháng 12/2022. Những sửa đổi bao gồm hai điểm quan trọng: Đưa ra các mức án nghiêm khắc hơn và mở rộng thời hạn thi hành án.

Ngoài ra, Chính phủ Mông Cũ đã sử dụng một số cơ chế khác để giải quyết vấn đề tham nhũng trong khoáng sản. Quốc hội Mông Cổ đã thông qua Kế hoạch chống tham nhũng quốc gia lần thứ ba vào năm 2023. Trước đó, nước này đã phê duyệt các kế hoạch chống tham nhũng vào năm 2002 (giai đoạn 2002 đến 2010) và năm 2016 (giai đoạn 2016 đến 2023). Trong khi các kế hoạch trước đó tập trung vào truy tố tham nhũng, Kế hoạch năm 2023 nhằm cố gắng giải quyết nạn tham nhũng có hệ thống thông qua các biện pháp như minh bạch, trách nhiệm giải trình, tính toàn diện và các chiến lược khác do Tổ chức Minh bạch Quốc tế khuyến nghị.

Chính phủ Mông Cổ đã tuyên bố năm 2023 là năm “chống tham nhũng” với nhiều hoạt động bao gồm: Nỗ lực minh bạch trong các cơ quan công quyền, truy quét toàn diện những người được bổ nhiệm bất hợp pháp vào các vị trí công, nỗ lực dẫn độ các cá nhân liên quan đến tội phạm tham nhũng ra nước ngoài và hoạt động thu hồi tài sản có được do tham nhũng...

Kể từ khi chuyển đổi sang chế độ dân chủ vào những năm 1990, giải quyết tham nhũng luôn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Mông Cổ. Mông Cổ đã phát triển đầy đủ các quy định và thể chế pháp lý để giải quyết tham nhũng. Tuy nhiên, điều còn lại là thực thi và vận hành các thể chế. Quốc hội nước này đã thông qua hai Luật Chống tham nhũng vào năm 1996 và 2006, Luật Tài khoản minh bạch (2014) và Luật Tránh xung đột lợi ích trong dịch vụ công (2012). Năm 2005, Mông Cổ đã thông qua Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng và do đó, vào năm 2007, Cơ quan độc lập chống tham nhũng được thành lập. Mỗi chính phủ đều có những thách thức riêng trong việc giải quyết tham nhũng và Kế hoạch chiến lược chống tham nhũng của Mông Cổ giai đoạn 2023 đến 2030 được phê duyệt khẳng định điều này.

Người dân Mông Cổ đều nhận thức rằng đất nước đang phải vật lộn với vấn đề tham nhũng tràn lan và các quy định cũng như thể chế hiện hành dường như chưa giải quyết được vấn đề này. Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Mông Cổ đạt điểm từ 36 đến 39/100 về Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng trong 10 năm qua và vào năm 2022, nước này được xếp hạng 116/180 quốc gia. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng nhiều biện pháp chống tham nhũng thất bại chủ yếu là do luật và kế hoạch chống tham nhũng được thực thi chưa đạt hiệu quả.

Dương Nguyễn (Theo The U4 Anti-Corruption Resource Centre)

TIN LIÊN QUAN

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra