Quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu tăng cường hành động sớm trong khối ASEAN để giảm thiểu rủi ro thiên tai

Thứ sáu, 13/10/2023 09:16
(ThanhtraVietNam) - Sáng 12/10, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 và Hưởng ứng Ngày Quốc tế Giảm nhẹ rủi ro thiên tai & Ngày ASEAN Quản lý thiên tai. Đáng chú ý trong các bài phát biểu về chủ đề của năm 2023 đều thể hiện tinh thần nhất trí đối với mục tiêu tăng cường hành động sớm trong khối ASEAN để giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Xây dựng cộng đồng ASEAN với khả năng chống chịu cao và phục hồi bền vững trước thiên tai và thảm họa

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai dự và chủ trì hội nghị. Dự lễ khai mạc có Phó Tổng Thư ký ASEAN Ekkaphab Phanthavong,  5 Bộ trưởng, 8 Thứ trưởng về lĩnh vực quản lý thiên tai của các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối tác phát triển khu vực (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Đông Timor tham dự với tư cách quan sát viên tại hội nghị.

Hội nghị còn có sự tham dự của hơn 150 đại biểu gồm cán bộ cơ quan phòng, chống thiên tai của các quốc gia ASEAN, đại diện các Bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ  Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Trước phiên khai mạc Hội nghị AMMDM lần thứ 11, toàn thể đại biểu đã cùng hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai - Ngày ASEAN Quản lý thiên tai (13/10/2023). Tại diễn văn hưởng ứng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Ngày hôm nay, chúng ta đều hiểu rằng, thiên tai không chỉ là vấn đề của một quốc gia, một khu vực. Do đó, với 10 quốc gia ASEAN - và tương lai là 11 quốc gia với sự gia nhập của Đông Timor, việc đoàn kết thành một khối, chung tay chia sẻ trong hoạn nạn cũng như đồng tâm chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực và vật lực, cơ chế hỗ trợ lẫn nhau là vô cùng cần thiết. Câu nói “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” thật đúng với mục tiêu của chúng ta trong việc tăng cường sức mạnh của ASEAN, xây dựng cộng đồng với khả năng chống chịu cao và phục hồi bền vững trước thiên tai và thảm họa. Đây cũng là tinh thần của các nhà lãnh đạo ASEAN trong Tuyên bố Một ASEAN, Một Ứng phó”.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng NN&PTNT Việt Nam Lê Minh Hoan (ảnh đứng) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BTC

Theo trình tự luân phiên các quốc gia ASEAN, Việt Nam thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM) năm 2023 với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường khả năng chống chịu - ASEAN tiến tới mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”. Phát biểu về ý nghĩa chủ đề, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Hành động sớm là một khái niệm mới, tuy nhiên về  bản chất đây là các hoạt động trong giai đoạn phòng ngừa, ứng phó trước thiên tai mà các cơ quan, tổ chức làm công tác phòng, chống thiên tai đã và đang thực hiện.

Nhận thức được sự ưu việt và tiến bộ của hành động sớm trong quản lý thiên tai, ASEAN cùng các đối tác đối thoại đã xây dựng và thông qua Khung ASEAN về hành động sớm trong quản lý thiên tai để định hướng và triển khai các sáng kiến, hỗ trợ hành động sớm dựa vào dự báo - cảnh báo, đẩy nhanh nỗ lực của ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường, giàu khả năng chống chịu, hướng tới mục tiêu trở thành cơ chế đi đầu trong quản lý thiên tai”.

Tuyên bố Hạ Long về “Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai”

Đáng chú ý, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ trưởng, Thứ trưởng các quốc gia ASEAN đã có bài phát biểu về chủ đề của năm 2023. Các bài phát biểu đều thể hiện tinh thần nhất trí đối với mục tiêu tăng cường hành động sớm trong khối ASEAN để giảm thiểu rủi ro thiên tai, qua đó nâng cao hiệu quả của hợp tác khu vực, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành cơ chế hợp tác lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực quản lý thiên tai. Đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao nước chủ nhà Việt Nam với  sáng kiến thúc đẩy xây dựng Tuyên bố Hạ Long về “Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai”.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng NN&PTNT Việt Nam và các Trưởng đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị. Ảnh: BTC 

Tuyên bố khẳng định cam kết của Bộ trưởng về lĩnh vực quản lý thiên tai của các quốc gia ASEAN trong việc tăng cường thực hiện hành động sớm trong quản lý thiên tai khu vực ASEAN, đặc biệt là thực hiện ba trụ cột chính, bao gồm: (1) Thông tin rủi ro, dự báo và hệ thống cảnh báo sớm; (2) Lập kế hoạch, vận hành và thực hiện và (3) Thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn.

Toàn văn Tuyên bố Hạ Long về “Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai” như sau:

1. CHÚNG TÔI, Chính phủ các Quốc gia thành viên Hiệp hội các Quốc gia ASEAN (ASEAN), bao gồm Brunei Darussalam, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Indonesia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Malaysia, Cộng hòa Liên bang Myanmar, Cộng hòa Philippines, Cộng hòa Singapore, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhân dịp diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý Thiên tai (AMMDM) lần thứ 11 và Hội nghị lần thứ 12 giữa các Bên tham gia Hiệp định ASEAN về Quản lý Thiên tai và Ứng phó Khẩn cấp (AADMER) vào ngày 12 tháng 10 năm 2023 tại Hạ Long, Việt Nam;

2. Chúng tôi xin nhấn mạnh những nỗ lực không ngừng hướng tới việc hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2025 về Quản lý thiên tai nhằm đưa ASEAN trở thành khu vực tiên phong trong việc thay đổi bối cảnh quản lý thiên tai trong và ngoài khu vực ASEAN, đồng thời củng cố vai trò lãnh đạo của ASEAN trong việc duy trì vai trò trung tâm của ASEAN, cách tiếp cận sáng tạo, xây dựng mạng lưới, tài chính bền vững, quản trị liên ngành và đa tầng, lấy người dân làm trung tâm vào năm 2025. Chúng tôi hiểu rõ về chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN năm 2023 của Indonesia là “Các vấn đề của ASEAN: Trọng tâm của Tăng trưởng” nhằm kêu gọi ASEAN thích nghi, ứng phó tốt hơn, và tính cạnh tranh cao hơn, ngoài ra chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng một ASEAN có khả năng chống chịu thiên tai thông qua việc thúc đẩy các hoạt động phát triển dựa trên nhận thức về rủi ro ở tất cả các khía cạnh;

3. Chúng tôi tái khẳng định cam kết hỗ trợ thực hiện Khung ASEAN về Hành động sớm trong Quản lý thiên tai. Chúng tôi cam kết đạt được mục tiêu thúc đẩy việc thực hiện và nhân rộng các phương pháp tiếp cận hành động sớm trong khu vực ASEAN để bảo vệ người dân, tài sản và sinh kế trước các thiên tai tiềm tàng có thể xảy ra nhằm giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do thiên tai ở các quốc gia thành viên ASEAN. Chúng tôi tiếp tục ủng hộ việc ASEAN đi đầu trong thúc đẩy hành động sớm trên phạm vi toàn cầu nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các Khung toàn cầu, bao gồm Khung Sendai về Giảm nhẹ Rủi ro thiên tai, Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu và các Mục tiêu Phát triển Bền vững;

4. Chúng tôi đánh giá cao vai trò lãnh đạo của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong việc tăng cường hành động sớm trong khu vực với tư cách là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý Thiên tai (AMMDM) năm 2023. Lấy cảm hứng từ chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường khả năng chống chịu: Hành trình của ASEAN hướng tới vai trò lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”, Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hệ thống quản lý rủi ro thiên tai để thực hiện các hành động sớm, đặc biệt là xây dựng 3 trụ cột – “thông tin về rủi ro thiên tai, hệ thống dự báo và cảnh báo sớm”, “lập kế hoạch, vận hành và thực hiện” và “phân bổ kinh phí hỗ trợ trước” của Khung ASEAN về Hành động Sớm trong Quản lý Thiên tai;

5. Chúng tôi cam kết nỗ lực cải thiện hệ thống thông tin rủi ro, dự báo và cảnh báo sớm ở cấp khu vực và quốc gia. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường năng lực cho tất cả các Quốc gia thành viên ASEAN và Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ Nhân đạo Quản lý thiên tai (Trung tâm AHA) trong việc chia sẻ thông tin về rủi ro thiên tai, đặc biệt là tăng cường Hệ thống Giám sát và Ứng phó thiên tai (DMRS), và Mạng lưới thông tin thiên tai ASEAN (ADINet). Chúng tôi khuyến khích Ủy ban ASEAN về Quản lý Thiên tai (ACDM) lồng ghép các yếu tố kích hoạt hành động sớm vào các Đánh giá rủi ro thiên tai khu vực và xuyên biên giới. Chúng tôi cũng khuyến nghị ACDM và Trung tâm AHA nghiên cứu và xây dựng các cơ chế chia sẻ dữ liệu chất lượng trong khu vực và với các đối tác đồng thời tăng cường năng lực cho các hệ thống cảnh báo sớm và dự báo dựa trên tác động trong khu vực.

6. Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường việc lập kế hoạch, vận hành và thực hiện các hành động sớm trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai ở cấp khu vực và cấp quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố ASEAN về Một ASEAN, Một Ứng phó: ASEAN ứng phó với thiên tai như Một thực thể trong và ngoài khu vực (OAOR). Chúng tôi khuyến khích ACDM và trung tâm AHA tổng hợp Kế hoạch khu vực về sẵn sàng ứng phó, hành động sớm và ứng phó thành một cách tiếp cận toàn diện, đồng thời xem xét đến các khía cạnh về bình đẳng giới, khuyết tật và hòa nhập xã hội;

7. Chúng tôi khuyến khích thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn nhằm thực hiện thành công các hành động sớm trong quản lý thiên tai. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường khả năng tài chính của khu vực ASEAN nhằm ứng phó thiên tai thông qua việc thúc đẩy hợp tác liên ngành với các ngành khác trong ASEAN liên quan đến tài chính và bảo hiểm rủi ro để thực hiện các sáng kiến khu vực như Chương trình Tài chính và Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai ASEAN (ADRFI) và Quỹ Bảo hiểm Rủi ro Thiên tai ASEAN (SEADRIF). Chúng tôi khuyến khích ACDM xem xét phân bổ kinh phí hành động sớm từ các quỹ quản lý rủi ro thiên tai, nếu phù hợp.

8. Chúng tôi xin nhấn mạnh giá trị và sự cấp thiết của việc hợp tác, xây dựng quan hệ đối tác và chuyển giao công nghệ cho hành động sớm với các quốc gia, khu vực, vùng và các tổ chức quốc tế trong việc tăng cường giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong khu vực, đặc biệt là để hỗ trợ quá trình đào tạo và tăng cường thông tin rủi ro, các kế hoạch và cũng như các hành động sớm dựa trên bằng chứng và thông về tin rủi ro trong khu vực.

9. Tuyên bố này được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Quản lý Thiên tai lần thứ 11 được tổ chức vào ngày 12 tháng 10 năm 2023 tại Hạ Long, Việt Nam.

Tràng An
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra