Đáng lo ngại hơn rằng lĩnh vực quản lý thuế hiện nay đang được coi là một trong những lĩnh vực có tỷ lệ tham nhũng cao nhất trong hành chính công. Theo Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2017 đã khảo sát công dân ở 119 quốc gia và kết quả đưa ra 32% số người được hỏi nghĩ rằng "hầu hết" hoặc "tất cả" các quan chức thuế đều có hành vi tham nhũng.
Các nguyên nhân chính dẫn tới hành vi tham nhũng trong quản lý thuế bao gồm sự phức tạp của pháp luật, quyền hạn tùy ý của các quan chức thuế, cơ chế tuyển dụng và khen thưởng không được giới hạn, mức lương dành cho các công chức thuế còn thấp, thiếu sót trong khâu kiểm tra, thanh tra quản lý thuế và ý thức thực hiện pháp luật của các cá nhân còn kém. Tham nhũng trong quản lý thuế gây thiệt hại cho nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau, bao gồm tăng quy mô của nền kinh tế phi chính thức và giảm niềm tin vào các doanh nghiệp, tổ chức nhà nước. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tham nhũng ở các nước phát triển và đang phát triển có ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu thuế. Tuy nhiên, dựa vào các nghiên cứu dựa trên Các chỉ số quản trị toàn cầu cho thấy "kiểm soát tham nhũng" và "hiệu quả của chính phủ", có mối tương quan tích cực với việc thu thuế ở các quốc gia kém phát triển và bị ảnh hưởng bởi xung đột, trong đó Liberia là một ví dụ.
Trong cuộc khảo sát bao gồm 28 quốc gia ở châu Phi cận Sahara từ tháng 3 năm 2014 đến tháng 9 năm 2015 cho thấy, Liberia đã có một số thành công nhất định trong việc tăng doanh thu thuế kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến vào năm 2003. Tuy nhiên những thách thức và rủi ro tham nhũng vẫn còn tồn tại. Trong Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu ở Liberia, 68% số người được hỏi cho rằng "hầu hết" hoặc "tất cả" quan chức thuế đều có liên quan đến tham nhũng, gần gấp đôi mức trung bình của khu vực là 37%. Tỷ lệ nhận thức cao về tham nhũng này được chứng minh bằng những báo cáo được công khai minh bạch về việc trả tiền hối lộ trong quản lý thuế.
Kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến vào năm 2003, Liberia đã tổ chức ba cuộc bầu cử tổng thống. Cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất năm 2017 được các nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá là đáng tin cậy và có thể mang lại nhiều điểm tích cực cho Liberia. Từ năm 2003, đất nước này đã có những nỗ lực đáng kể trong việc cải thiện khuôn khổ pháp luật trong nước, quyền con người và tự do dân sự. Liberia đã tham gia cải cách quản lý thuế và nâng cao hiệu quả của các cơ quan quản lý thuế một cách toàn diện trong giai đoạn sau nội chiến. Hình 1 cho thấy sự gia tăng doanh thu thuế theo tỷ lệ phần trăm GDP của Liberia kể từ năm 2003, cho thấy sự gia tăng về chỉ số GDP từ 6,7% năm 2003 lên 14,2% vào năm 2012.
Hình 1: Doanh thu từ thuế ở Liberia kể từ sau cuộc nội chiến
Năm 2014, Cơ quan Quản lý Doanh thu Liberia (LRA) ra đời như một cơ quan bán tự trị của nhánh điều hành trực thuộc Chính phủ Liberia. Cơ quan này được trao quyền tự chủ lớn hơn so với cục thuế và hải quan trước đây và cũng là một phần của Bộ Tài chính. Ngày nay, LRA chịu trách nhiệm thu gần như tất cả các khoản thu được chính phủ nhận và đảm bảo rằng các khoản thu này được chuyển vào ngân sách. Các loại thuế chính bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế dịch vụ và hàng hóa và thuế số lượng.
Bộ luật quy định về quản lý thuế nổi bật nhất ở Liberia là Bộ luật Doanh thu năm 2010, sau đó được sửa đổi vào năm 2016 và 2020. Những nhà lập pháp không chỉ nêu các khía cạnh cơ cấu và hoạt động của tất cả các loại thuế trong Bộ luật Doanh thu mà còn kết hợp thuế hải quan và tất cả các điều khoản thu thuế khác.
Để giảm thiểu rủi ro tham nhũng trong quản lý thuế ở Liberia, có 5 chiến lược được đưa ra, cụ thể như sau:
Thứ nhất, việc phân bổ các ưu đãi thuế không hợp lý là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến rủi ro tham nhũng. Một chiến lược tiềm năng để giảm thiểu rủi ro tham nhũng trong lĩnh vực này là tăng cường năng lực kiểm toán của LRA để giám sát các công ty hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên. Sẽ hữu ích trong việc tăng tính minh bạch nếu tạo cơ sở dữ liệu về các ưu đãi và miễn giảm thuế hiện được cấp thông qua các sắc lệnh và thông tư, nghị định. Một bước bổ sung sẽ là hợp nhất các điều khoản miễn thuế trong Bộ luật Doanh thu để chúng có thể được xem xét về mặt pháp lý. Quy trình miễn giảm thuế cần có sự giám sát và kiểm soát tốt hơn để đảm bảo rằng những thành phần được giảm thuế tuân thủ pháp luật và đảm bảo hoàn thành các nghĩa vụ của họ, đặc biệt là đối với cộng đồng địa phương.
Thứ hai, công tác thanh tra nội bộ trong LRA cần được tăng cường, đặc biệt là liên quan đến hải quan vì còn tồn tại nhiều lỗ hổng có thể dẫn đến hành vi tham nhũng. Mặc dù LRA có một bộ phận đạo đức nghề nghiệp, cam kết chống gian lận, văn phòng này cần được hỗ trợ thêm cho việc đào tạo, hậu cần và các thiết bị để nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra.
Thứ ba, trong các trường hợp bê bối tham nhũng liên quan đến môi giới, cần yêu cầu thu thập đầy đủ chứng nhận môi giới và cáo buộc của các nhà môi giới đã tham gia gian lận định giá và báo cáo sai số lượng tồn tại.
Thứ tư, việc xem xét lại các loại thuế và hệ thống thanh toán sẽ rất quan trọng để thay đổi cơ cấu hoạt động và khuyến khích người dân nộp thuế. Ví dụ, Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) lập luận rằng việc áp dụng thuế số lượng (specific tax) thay vì thuế giá trị (ad valorem tax) có khả năng góp phần giảm phạm vi tham nhũng, vì thuế giá trị tạo ra các vấn đề liên quan đến định giá thấp.
Thứ năm, việc sử dụng hệ thống nộp điện tử E-filing còn nhiều khó khăn ở khu vực nông thôn và những nơi có cơ sở hạ tầng kém, chính phủ cần nỗ lực cải thiện điều này để giúp người dân và cơ quan quản lý thuế thuận lợi trong quá trình thu thuế./.
Quỳnh Nhi
(Nguồn: https://knowledgehub.transparency.org/helpdesk/corruption-risks-in-tax-administration-liberia-case-study)